Thị trường chứng khoán từ đầu năm trở lại đây đã có những chuyển biến mang tính tích cực. Kể từ sau ngày 26/2 khi VN-Index đã thiết lập một mức đáy thấp nhất trong vòng hơn 3 năm qua, đóng cửa ở mức 242,53 điểm, thị trường đã dần dần ấm lại cả về tăng trưởng chỉ số lẫn tính thanh khoản.
Đầu tháng 5, thị trường le lói tiềm năng về sự phát triển ổn định hơn, và càng được khẳng định với giá trị giao dịch trung bình tháng 8 đạt 3.000 tỷ đồng/phiên, dòng tiền đổ vào những ngành tăng trưởng tốt như vật liệu xây dựng, dầu khí, tài chính, bất động sản.
Về tỷ suất đầu tư, nhiều ngành đã cho thấy mức độ biến động giá cao: mức tăng 150% khi đầu tư vào ngành sản xuất thiết bị điện và kim loại, 170% vào chứng khoán và 200% vào ngành sản xuất từ nhựa, cao su.
Xu thế đầu tư có sự phân hóa rõ khi nhóm cổ phiếu chứng khoán, vận tải và khai khoáng được lùng và mua mạnh kể cả khi giá của nhóm đó trở nên quá đắt (P/E của nhóm chứng khoán là 50x, vận tải 70x, khai khoáng 45x).
Không phải một đáp án cho tất cả
Kinh tế Việt Nam được đánh giá đã thoát khỏi suy thoái khi các chỉ số kinh tế vĩ mô đã phản ánh mức hồi phục. Nửa đầu năm 2009, GDP tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 1,25%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,48% và khu vực dịch vụ tăng 5,5%.
Khi nền kinh tế hồi phục, những ngành có dòng tiền lớn, tiềm năng sinh lợi cao và chi phí cố định nhiều như bất động sản, tài chính, chứng khoán được nhà đầu tư kì vọng. Chính những ngành này thể hiện rõ nhất tốc độ tăng trưởng và phát triển bởi đặc thù của ngành là đầu tư vào tài sản đặc biệt (tài chính, chứng khoán) và chi phí cố định lớn làm đòn bẩy cho thu nhập khi doanh thu tăng.
Bên cạnh đó, những ngành sản xuất chế biến nguyên vật liệu cơ bản như cao su, dầu thô cũng vào tầm ngắm của nhà đầu tư bởi triển vọng khá ổn định về giá và thị trường.
Tuy nhiên, để đánh giá đúng thực trạng của ngành, cần phải xem xét trên rất nhiều tiêu chí.
Thứ nhất, chiến lược của ngành được hoạch định như thế nào (phục vụ cho xuất khẩu hay nhập khẩu, cung cấp sản phẩm thô hay chế biến), cơ cấu ngành tập trung hay mũi nhọn.
Thứ hai, nhu cầu về sản phẩm của ngành là thiết yếu hay phụ trợ, tính cạnh tranh trong ngành và với các đối thủ bên ngoài nhiều hay ít.
Thứ ba, các ngành công nghiệp phụ trợ được phát triển mở rộng hay có phạm vi tập trung, được phát triển độc lập hay phụ thuộc từ thị trường bên ngoài.
Thứ tư, các yếu tố đầu vào quan trọng của ngành là nhân lực cơ bản hay chuyên sâu, sử dụng nhiều tài sản cố định vô hình hay hữu hình.
Thứ năm, mức độ được bảo hộ so với ngành là nhiều hay ít (dịch vụ tài chính hay sản xuất, xuất khẩu hay phục vụ nội địa).
Tất cả những tiêu chí trên được phản ánh khá rõ nét trong các kết quả hoạt động của ngành như sinh lợi và tăng trưởng. Ví dụ, nếu ngành sản xuất các sản phẩm từ cao su nhựa và bất động sản được nhà đầu tư kỳ vọng dựa trên năng lực hoạt động và sinh lợi tốt cùng với chiến lược ngành rõ rệt thì một số ngành khác lại được đầu cơ theo mùa vụ và thời điểm ngắn hạn.
Lựa chọn ngành tiềm năng
Dòng tiền đổ vào chứng khoán thời gian gần đây có sự phân luồng khá mạnh mẽ khi lực hút lớn nhất vào ngành chứng khoán, nhựa, vận tải và khai thác chế biến cao su, đã làm áp lực tăng giá liên tiếp. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, nhà đầu tư cần thận trọng với những ảo ảnh lợi nhuận ngắn hạn hoặc có chiến lược đầu tư dài hạn hợp lý.
Đầu tư vào ngành chứng khoán, vận tải khi thị trường suy thoái (P/E thấp) là một chiến lược khôn ngoan, tuy nhiên rủi ro trong ngành này chính là có chi phí cố định lớn. Khi thị trường suy thoái, doanh nghiệp vẫn phải chịu chi phí cao vào nhân lực, phần mềm và tài sản cố định.
Hơn thế nữa, nếu doanh nghiệp không có chiến lược kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp thì tiềm năng sinh trưởng rất bấp bênh và nguy cơ loại khỏi ngành cao. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục và phát triển mạnh trở lại.
Nếu xét theo các tiêu chí đã liệt kê ở trên, cộng với đánh giá cụ thể về phát triển và tăng trưởng thị phần, chiến lược mở rộng đầu tư, kết quả hoạt động 10 năm trở lại đây, các ngành sau sẽ trở thành những nhân tố quan trọng:
Một là, mô hình tập đoàn với chiến lược liên kết dọc và phát triển các ngành hỗ trợ (HAG, FPT, HPG) được coi là một chiến lược tốt trong trung và dài hạn.
Với việc đi lên bền vững trong thị phần cung ứng nguyên vật liệu, nguồn lực đầu vào (như thép, đồ nội thất, đồ gỗ) các doanh nghiệp bắt đầu mở rộng đầu tư vào ngành hấp thụ lớn nguồn nguyên liệu trên (bất động sản).
Như vậy, doanh nghiệp vừa tiết kiệm được chi phí đáng kể vừa tận dụng được nguồn tiền lớn đầu tư vào ngành sinh lợi cao. Ngành này đang đem lại 26,4%/năm lợi nhuận cho nhà đầu tư và mức này được dự báo sẽ tăng bền vững.
Hai là, xét về chiến lược mở rộng thị phần cũng nhu khai thác các nền công nghiệp hỗ trợ, ngành sản xuất các sản phẩm từ cao su và nhựa cũng đang tăng trưởng khá vững chắc.
Kể từ năm 2004, ngành này đã mở rộng thị phần hơn 40% và có mức tăng trưởng lợi nhuận khá ấn tượng trung bình 45%/năm. Hiệu suất sinh lợi của ngành trên tổng vốn đầu tư được đánh giá khá cao 23%/năm trong khi hiệu suất sinh lợi cho nhà đầu tư là 33%/năm.
Ba là, ngành xây dựng chuyên dụng (nhóm các công ty Sông Đà) với ưu thế hoạt động ở thị trường phát triển mạnh về xây dựng, có lịch sử hoạt động lâu đời nên tốc độ tăng lợi nhuận khá cao và ổn định (trung bình 30%/năm). Hơn thế nữa, với đặc thù của ngành trong việc sử dụng nợ cao, ngành đem lại hiệu suất sinh lời 18,2%/năm cho nhà đầu tư.
Bốn là, ngành bất động sản với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 48%/năm sẽ còn tiềm năng phát triển khi mà mức tiết kiệm của những người muốn mua nhà đang trong xu thế tích lũy lớn. Việt Nam lại là một nước có dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa đang ở mức cao.
Hơn thế nữa, các công ty bất động sản trong ngành đang được định hướng theo mô hình chuyên môn hóa, tận dụng những nguồn lực bên ngoài trong việc thiết kế, cải tạo, xây lắp, để tập trung hơn vào việc phát triển mô hình đô thị, trung tâm thương mại, công nghiệp có qui mô.
Kể từ thời điểm năm 2000, ngành này đã đạt mức tăng trưởng quy mô trung bình là 29%/năm. Tính trung bình 4 quý gần đây nhất, kể cả khi thị trường bất động sản đang trong giai đoạn suy thoái, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của ngành vẫn đạt 3.400 đồng.
Tóm lại, đầu tư vào ngành dù theo chiến lược ngắn hạn, dài hạn hay hỗn hợp đều phải nắm rõ được bản chất của ngành đó và qui luật vận động theo mùa vụ hay diễn biến kinh tế và các chính sách vĩ mô.
Như vậy, nhà đầu tư sẽ xây dựng được cho mình một danh mục hợp lí và xác định được rõ hơn xu thế vận động của giá cổ phiếu mà ít bị ảnh hưởng bởi những cú "rung, lắc" đầy bất ngờ của thị trường chứng khoán.