Khí thế đi lên và sức cầu mạnh mẽ đã dập tắt áp lực lướt sóng ngắn hạn trong phiên hôm nay.
Phiên thứ hai liên tiếp thị trường cho thấy không khí sôi động và sự khởi sắc thực sự, không hề thua kém thời thăng hoa cuối năm 2006 đầu năm 2007. Chỉ riêng trên sàn HOSE hai phiên vừa qua, lượng tiền đổ vào giao dịch đã đạt gần 1.000 tỷ đồng; tính cả hai sàn, con số đó ở khoảng 1.500 tỷ đồng. Riêng phiên hôm nay, trên HOSE, kỷ lục khối lượng từ tháng 11/2008 trở lại đây tiếp tục được xác lập: hơn 26 triệu đơn vị trong giao dịch khớp lệnh; trên HASTC: hơn 15,6 triệu cổ phiếu với 264 tỷ đồng.
Từ “hưng phấn” được đặt trọn vẹn đối với lực mua vào thời điểm này, nuốt trọn bên bán, dù lượng xả hàng tiếp tục mạnh mẽ khi mà chênh lệch lợi nhuận đã có thể vươn tới 10% và hơn… Qua hai phiên đỉnh điểm mua bán này, sự ám ánh về con số khoảng 57 triệu đơn vị nhập từ ngày 11 và 12/3 đang được hóa giải thành công. Khí thế đặt mua đã vượt trội, hướng đến những con số 40 triệu đơn vị/phiên đủ để đảm bảo hỗ trợ thị trường đi lên mạnh mẽ.
Ngay trong đợt 1, giao dịch đã cởi mở hẳn so với sự thận trọng cuối tuần qua và đầu tuần này, đẩy VN-Index khẳng định ngay sức đi lên chính của phiên, tăng 10 điểm (3,83%). Đáng chú ý là nhiệt từ nhà đầu tư trong nước bền bỉ và tỏa mạnh đã lôi kéo khối đầu tư nước ngoài vào cuộc trở lại.
Sau đà bán ròng triền miên tháng 2 và hơn nửa đầu tháng 3, sáng nay trên sàn HOSE đã chứng kiến nhóm đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại khá mạnh. Họ mua vào 2.734.370 đơn vị, ứng với 61,83 tỷ đồng giá trị, trong khi chỉ bán ra 1.661.190 đơn vị với 43,87 tỷ đồng, mua ròng gần 18 tỷ đồng.
Thế trận đã hoàn toàn thuộc về nhà đầu tư trong nước. Và cũng chính họ là những người đang tranh thủ để thu chênh lệch thời điểm này. Nhìn ở chiều ngược lại, khoảng 48 triệu đơn vị chỉ trên HOSE hai phiên vừa qua không phải là lượng hàng nhỏ. Và đây cũng là thời điểm mà bên bán thoải mái nhất kể từ đầu năm khi chiếm giá trần không mấy khó khăn. Họ đang đứng trước thuận lợi của kỳ một vọng lớn.
Xu thế bật lên mạnh mẽ đã thể hiện, cộng thêm sự cổ vũ từ chứng khoán thế giới, VN-Index khẳng định sức tăng suốt phiên và hiện đã lên mức 273,39 điểm, tăng 10,19 điểm. Có thể đây là một đợt sóng đón đầu dự báo có những chuyển biến kinh tế vĩ mô trong tháng 3, dự kiến lần lượt công bố đầu tuần sau. Một số tổ chức thạo tin cho biết, một điểm nổi bật được chờ đợi là đà tăng mạnh trở lại của xuất khẩu trong tháng này.
Trên bảng điện tử, lượng mã tăng hôm nay tiếp tục áp đảo với 153 mã (trên 60% đạt giá trần, tất cả các cổ phiếu vốn hóa hàng đầu đều tăng giá mạnh), chỉ còn 13 mã ở giá tham chiếu và 13 mã giảm.
Vẫn phải nhắc đến SSI của Chứng khoán Sài Gòn. Cổ phiếu này trong thời gian gần đây được xem như “nhịp tim” giao dịch của khối ngoại. Và trong phiên họ trở lại mua ròng mạnh, lượng hàng đè nén tại SSI đã tạm giải phóng. Khối ngoại chỉ bán ra vẻn vẹn 3.460 đơn vị, thay cho sự choáng ngợp trên 478.000 đơn vị phiên trước. Giá SSI tăng trần đầy uy thế khi còn tới trên 1 triệu đơn vị dư mua.
Đáng chú ý là xu hướng tăng mua vẫn tiếp tục thể hiện rõ ở nhiều cổ phiếu có thị giá thấp, điển hình như DQC, BBC, CNT, DIC, hay đặc biệt ở hiện tượng HSG những phiên gần đây, với dư mua vượt trội và chiếm gọn giá trần từ đầu phiên.
Trên sàn Hà Nội, sau chút do dự 15 phút đầu phiên, cổ phiếu ồ ạt tăng giá mạnh, đẩy HASTC-Index tăng tốc và thẳng tiến lên 98,14 điểm, tăng 4,57 điểm (4,88%). Chỉ số này đang đứng trước cơ hội tái lập mốc điểm cơ bản 100 sau hơn một tháng xa cách.
Đây cũng là phiên giao dịch kịch liệt của khối đầu tư nước ngoài, khi tổng khối lượng đạt tới 4,45 triệu cổ phiếu, tổng giá trị vọt tới trên 50 tỷ đồng. Sau phiên bán ròng khủng khiếp hôm qua, họ vẫn tiếp tục xả hàng vượt trội với 48,63 tỷ đồng giá trị bán ra và chỉ có hơn 1,5 tỷ đồng giá trị mua vào.
Gần với cổ phiếu ngành chứng khoán trên HOSE là SSI, BVS trên sàn Hà Nội cũng thu hút chú ý của giới đầu tư khi nhà đầu tư nước ngoài giao dịch một mình một hướng. Sau phiên tháo van ồ ạt trước đó, lượng bán ra ở BVS tiếp tục là khối ngoại, có tới 300.000 đơn vị trong tổng 332.800 đơn vị chuyển nhượng thành công. BVS cũng là cổ phiếu lớn nhưng có khối lượng thấp. Trong khi ACB tiếp tục có khối lượng bùng nổ với trên 2,5 triệu đơn vị, giá tiếp tục tăng mạnh mẽ.
Tính chung, tại đây có tới 148/177 cổ phiếu tăng giá, chỉ còn lại 19 mã giảm, 6 mã không có giao dịch và 4 mã giữ giá tham chiếu.