Theo Dự thảo Luật Quảng cáo quy định thì các báo in không được quảng cáo quá 10% diện tích báo.


Ngoài ra, không được quá 5% thời lượng phát sóng đối với báo nói, báo hình. Tuy nhiên, ngay từ khi còn là dự thảo, quy định này đã gặp khá nhiều ý kiến phản đối là thiếu thực tế và ‘bóp nghẹt’ nguồn thu của các báo.
 
Trên thực tế, ngoài số ít báo còn được hưởng cơ chế bao cấp từ cơ quan chủ quản thì hầu như tất cả các báo trên thị trường đều coi nguồn thu từ quảng cáo là nguồn thu chính để duy trì hoạt động và phát triển.
 
Chính vì thế mà bà Nguyễn Thị Hằng Nga – Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, cũng đã thẳng thắn: Một tờ báo có nguồn thu quảng cáo dồi dào, tự chủ được về kinh tế thì mới có thể tồn tại và phát triển, đồng thời giúp Nhà nước đỡ gánh nặng bao cấp.
 
Không cần mất quá nhiều cống sức, chỉ cần lướt qua một số đầu báo được đánh giá là mạnh trên thị trường, đều có thể thấy lượng quảng cáo chắc chắn vượt quá con số 10% nếu không muốn nói là lên đến 40 -50% số trang.
 
Tuy nhiên, để lách luật, những trang quảng cáo này được khoác những cái tên như: Trang thông tin thị trường, Phụ trương… Chính vì thế, nếu quy định này được áp dụng, bằng hình thức này, hình thức khác, không ít các cơ quan báo sẽ buộc phải "lách" luật để đảm bảo "nồi cơm" của mình. Trên thực tế, việc này cũng đã và đang diễn ra. Hình thức "lách" luật chủ yếu vẫn là các báo xin mở phụ trang thông tin, sau đó các thông tin bị mờ dần, thay vào đó là quảng cáo và sau đó chỉ có quảng cáo.
 
Đó là chưa nói tới các loại hình báo điện tử, trang tin điện tử, những đối tượng có nguồn thu duy nhất là từ các hoạt động quảng cáo. Trong khi đó, theo dự báo của Cty ZenithOptimedia thuộc tập đoàn truyền thông Publicis thì do tác động của khủng hoảng kinh tế, thị trường quảng cáo thế giới đã sụt giảm 9,9% trong năm nay, giảm mạnh so với dự báo.
 
Cũng theo báo cáo này, Internet là phương tiện truyền thông duy nhất tăng trưởng mạnh về doanh thu quảng cáo trong năm 2009: Theo đó, quảng cáo trực tuyến sẽ tăng khoảng 9,2%, giảm nhẹ so với mức dự báo 10,1% đưa ra hồi tháng 7. Ngược lại, doanh thu quảng cáo trên nhật báo và tạp chí sẽ giảm xuống, lần lượt là 17 và 20% trong năm nay.
 
Ở một khía cạnh khác, những quy định trên không những chưa hợp lý mà còn không tuân theo thông lệ quốc tế. Bởi, xét đến cùng, quảng cáo với thời lượng bao nhiêu, theo hình thức nào hoàn toàn tùy thuộc vào DN. Dựa trên tình hình kinh doanh của mình DN sẽ tự cân đối khoản chi phí cho quảng cáo một cách hợp lý nhất.

Ngoài ra, khi lựa chọn cơ quan báo chí để tiến hành các chương trình quảng cáo, DN cũng sẽ cân nhắc lựa chọn các báo có sức hút với người đọc, có lượng phát hành rộng khắp để đạt được kết quả tốt nhất. Chính vì thế, bản thân các báo cũng sẽ phải tự biết cách điều chỉnh sao cho hợp lý, cân bằng giữa nội dung thông tin chuyển tải tới người đọc và những thông tin quảng cáo khác.
 
Luật quảng cáo ra đời không chỉ quản lý quảng cáo mà còn phải góp phần phát triển quảng cáo. Hiện nay, doanh số quảng cáo của VN thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực nên cần ủng hộ việc tăng diện tích và thời lượng quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngoài việc đảm bảo nguồn thu, đảm bảo đời sống cán bộ phóng viên, các cơ quan báo chí cũng có điều kiện về kinh tế để tham gia nhiều hơn nữa các chương trình xã hội, từ thiện…
 
Thực tế cho thấy, quảng cáo góp phần giảm giá thành sản phẩm và phí sử dụng dịch vụ, mang lại lợi ích thực cho người tiêu dùng. Vì thế, quy định cấm không được quảng cáo quá 10% diện tích trên báo in và không quá 5% thời lượng phát sóng trong ngày đối với báo nói, báo hình là không thực tế…