Ngày nay, xu hướng "nhảy việc" của nhân viên trong các công ty đang ngày càng tăng do những lời "chiêu dụ" hấp dẫn hơn từ các công ty cạnh tranh hay do chính bản thân họ cảm thấy chưa thoả mãn với chỗ làm đang có.
"Nhảy việc" vì bổng lộc?
Ý định "nhảy việc" thường tiềm ẩn trong một khoảng thời gian khá dài. Những người nung nấu ý định "nhảy việc" thường không làm hết sức mình, không thực sự hoàn thành nhiệm vụ và cũng không thực sự hứng thú với công việc hiện tại.
Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này theo nhận định của Saville&Holdsworth – một công ty tư vấn nguồn nhân lực ở Boston: Là do cuộc chiến tranh giành nhân tài giữa các đối thủ cạnh tranh, do áp lực công việc hay những bổng lộc cao hơn đã tác động đến những người đang làm việc.
Vấn đề lương bổng – như lương, tiền thưởng, hoa hồng, cổ phần được chia, mức lương hưu… vẫn được coi là nguyên nhân chính tác động đến tâm lý người làm việc. Ngoài ra, điều kiện làm việc và những khoản trợ cấp cũng là những nguyên nhân tạo thành tâm lý muốn "nhảy việc".
Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy – nguyên nhân chủ yếu khiến cho những người đang làm việc cảm thấy không hài lòng, thậm chí thờ ơ với công việc hiện tại là do họ không có được cơ hội để cống hiến hết sức mình cho công việc. Họ muốn được thừa nhận, được thăng tiến, phát triển nghề nghiệp và được hưởng những quyền lợi đúng với công sức của mình. Đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến họ muốn "nhảy việc".
"Nhảy việc" do nhà quản lý
Để đối phó với hiện trạng này, nhiều nhà quản lý của các công ty đã đặt ra nhiều phương án khác nhau để bảo vệ nguồn nhân lực cho công ty. Cách thông dụng nhất mà nhiều doanh nghiệp áp dụng là mở rộng công việc, tạo ra nhiều cơ hội thách thức và thú vị hơn để nhân viên được tham dự, làm cho họ thích thú với công việc hơn.
Ngoài ra, theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, nhiều chủ doanh nghiệp đã tìm kiếm những sinh viên giỏi, phù hợp và có năng lực để đào tạo với những cơ hội đầy thách thức. Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia về nguồn nhân lực Mỹ, nguyên nhân dẫn đến hiện trạng "nhảy việc" thường xuất phát từ hệ thống quản lý của các công ty. Những nhà quản lý của các công ty này đã bỏ mặc tình hình vì cho rằng họ không thể làm gì khác hơn để ngăn chặn ý định "nhảy việc" của nhân viên.
Việc mà những nhà quản lý cần phải làm là nắm bắt tình hình và nói chuyện trực tiếp với những nhân viên có ý định "nhảy việc" để có cách ngăn chặn kịp thời. Nhưng trước tiên, các nhà điều hành cần xem xét lại vai trò của mình trong kế hoạch hoạt động kinh doanh cũng như mục tiêu chiến lược của công ty mình.
Ngành công nghệ kỹ thuật – "Nhảy việc" nhiều nhất
Ngoài ra, tâm lý "nhảy việc" xuất hiện nhiều ở những ngành nghề mà công nghệ kỹ thuật thay đổi nhanh chóng và liên tục. Người làm việc trong những ngành nghề này buộc phải thay đổi công việc và trách nhiệm để tiếp tục duy trì việc làm của mình.
Họ thường cảm thấy vai trò của mình không còn được coi trọng khi công nghệ thay đổi. Họ bắt đầu lo lắng đến vị trí của mình ở công ty trong tương lai. Tất cả những điều trên là tác nhân khiến họ mất dần hứng thú với công việc hiện tại.
Huấn luyện có thể làm giảm bớt căng thẳng và nỗi lo lắng của họ. Những nhà điều hành cần hỗ trợ cho nhân viên của mình theo kịp với kỹ năng công nghệ mới để họ tự tin vào vai trò cũng như vị trí của mình trong công ty. Nhờ đó, người làm việc sẽ hiểu rõ hơn tầm quan trọng của công việc, cảm thấy những đóng góp của mình có ý nghĩa hơn và quan trọng hơn, tạo động lực làm việc nhiệt tình hơn.