Dù xác định màu theo mô hình nào (CMYK, RGB, HSB,…) nếu bạn in hình khung (mà ta đã vẽ) ra giấy bằng máy in màu để bàn (desktop color printer) được nối với máy tính của mình, Corel DRAW cũng tự động chuyển đổi màu của hình khung sang dạng thức CMYK. Bộ bốn trị số CMYK diễn đạt màu hình khung sẽ giúp máy in điều khiển liều lượng mực từ bốn hộp mực CMYK để tạo ra màu cần thiết trên giấy.

Tuy nhiên, không phải mực từ các hộp mực khác nhau được pha trộn với nhau trước khi áp lên giấy. Mỗi chấm màu trên giấy thực ra là sự sắp xếp theo trật tự nào đó của các chấm màu CMYK li ti nằm cạnh nhau. Nhờ vậy, bạn có ảo giác về màu sắc bất kỳ trong khi máy in chỉ có bốn màu mực khác nhau. Với máy in có độ phân giải càng cao, mắt ta càng không thể nhận ra các chấm màu CMYK tách biệt và ảo giác màu sắc càng được củng cố. Đây quả thực là sự vận dụng tuyệt vời của nguyên lý màu phản xạ. Cần chú ý rằng nhờ có thành phần K, việc điều khiển “độ đen” của chấm màu bởi mực đen tỏ ra hiệu quả hơn (tiết kiện mực tốt hơn) so với trường hợp chỉ dùng ba màu mực CMY.

Trong kỹ thuật in lụa (silk screen printing), mọi chuyện lại khác. Người ta pha trộn thực sự các loại mực với nhau để đạt được màu cần thiết trước khi áp lên giấy. Nói khác đi, màu mà bạn thấy trong bản in trong trường hợp này thực sự là màu của mực. “Màu thực sự” như vậy được gọi là màu mảng (spot color) hoặc màu pha (premixed color). Để phân biệt, “màu ảo giác” tạo bởi sự “chồng chất” các chấm màu CMYK căn bản được gọi là màu chấm (process color) hoặc màu chồng (mixed color). Trong kỹ thuật in công nghiệp, người ta dùng cả hai loại màu vừa nêu, màu pha cũng như màu chồng.

Màu dùng trong kỹ thuật in bốn màu (four-color printing) chính là màu chồng. Đối với bản in hai màu như trường hợp in báo hằng ngày, ngoài màu đen của chữ, bạn còn thấy có một màu nữa ở các mảng chỗ này, chỗ kia. Cách gọi “màu mảng” bắt nguồn từ đấy. Nói khác đi, màu trong kỹ thuật in hai màu là màu mảng hay màu pha. Nếu nhìn các tờ báo in hai màu, bạn cũng thấy có những mảng màu đậm nhạt khác nhau. Trong trường hợp này, các sắc độ khác nhau của màu pha chẳng qua là ảo giác tạo bởi cấu trúc chấm thích hợp. Cấu trúc chấm càng thưa, bạn thấy màu càng nhạt. Như vậy, nói cho công bằng, kỹ thuật “giả màu” (tạo màu “ảo giác”) cũng được áp dụng đối với màu pha.

Ghi chú
• Trong kỹ thuật in công nghiệp, bản in hai màu cần được in qua hai lượt (pass) với hai bản phim tách màu. Bản in bốn màu cần bốn lượt in với bốn bản phim tách màu. Dĩ nhiên, số lượt in càng nhiều, khả năng in lệch càng dễ xảy ra và chi phí càng cao.

• Có thể bạn còn nghe nói về bản in năm màu, sáu màu. Đấy thường là bản in bốn màu với một hoặc hai lượt in bổ sung nhằm tạo ra thêm một số mảng bằng màu pha, bảo đảm có được màu thật chính xác cho chi tiết nào đó (nếu có yêu cầu nghiêm ngặt). Ngoài ra, ngày nay ngưiời ta còn phát triển kỹ thuật in chồng sáu màu (hexachrome printing) CMYKOG, trong đó O và G là viết tắt của Orange (cam) và Green (xanh chuối), nhằm tạo ra bản in màu chất lượng cao.