Thậm chí, có những phiên thị trường tăng điểm đột biến cho dù không nhận được bất kỳ yếu tố hỗ trợ nội tại nào như phiên giao dịch ngày 25/5 vừa qua. Đã lâu lắm rồi, sự phấn khích trong tâm lý của nhà đầu tư "nội" mới được thể hiện như thời điểm hiện nay. Các chuyên gia chứng khoán liên tục đưa ra những cảnh báo về sự tăng nóng của TTCK và những lời khuyên nhà đầu tư nên thận trọng trong các hoạt động mua bán. Tuy nhiên, thị trường đang bất chấp tất cả.
Say mồi
Những đỉnh cao mới liên tục được thiết lập kể từ khi VN-Index chạm đáy 235 điểm vào ngày 24/2/2009. Dường như các nhà đầu tư chỉ nhìn thấy các đỉnh mới mà không nhìn thấy những vùng "đáy" đang ẩn nấp.
Điển hình như phiên giao dịch đầu tuần này, cho dù không có một thông tin "tốt" nào hỗ trợ cho thị trường nhưng sự "đột biến" vẫn diễn ra trên cả hai sàn sau phiên điều chỉnh cuối tuần trước.
Tại HoSE có 174/182 mã tăng giá đưa VN-Index lên 17,17 điểm so với phiên giao dịch cuối tuần trước, tương đương với 4,24%, đóng cửa ở mức 421,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường là 45.666.510 đơn vị, với tổng giá trị giao dịch là 1.256,119 tỷ đồng.
Tổng số lệnh đặt mua phiên này là 38.782 lệnh với tổng khối lượng đặt mua 107.186.070 chứng khoán, so với ngày giao dịch trước tăng 0,09%. Tổng số lệnh đặt bán phiên này là 17.524 lệnh với tổng khối lượng đặt bán 49.492.430 đơn vị, so với phiên trước giảm -53,91%.
Tình hình cũng diễn ra tương tự trên HaSTC. Chỉ số này tăng đến 5,14%, tương đương 7,27 điểm, đóng cửa ở mức 148,63 điểm với 173/183 mã tăng giá.
Ông King Yoong Cheah – Giám đốc Bộ phận nghiên cứu của Cty Chứng khoán Kim Eng VN cho biết: Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng 33,6%, chỉ thua một vài chỉ số chính tại Đài Loan (46,7%), Ấn Độ (44,2%), Trung Quốc (43,3%), Sri Lanka (41,1%) và Indonesia (39,5%). Kể từ mức đáy thấp 235,5 điểm vào ngày 24/2, VN-Index đã đạt mức tăng trưởng đáng kinh ngạc lên tới 79,1%.
Có thể thấy nguồn vốn "nội" đang tạo ra sự khởi sắc thực sự trên thị trường khi họ chiếm đến 85% giá trị giao dịch của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài không còn là đối tượng "định hướng" với lượng giao dịch trung bình chiếm khoảng 15% còn lại. Như vậy, tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư nội là nhân tố chính tạo ra sự đột biến về tính thanh khoản cho thị trường.
Tuy nhiên, theo Phòng phân tích FPTS, tâm lý hưng phấn hỗ trợ thị trường tăng điểm trong thời gian qua khó có thể bền vững nếu không có các thông tin hỗ trợ từ phía "các yếu tố nền tảng".
Cạm bẫy
Sau khi tăng một mạch lên đến 79,1% tính từ mức đáy 235 điểm, VN-Index hầu như chưa có sự điều chỉnh đáng kể nào. Điều này tiềm ẩn rủi ro trong ngắn hạn.
Thị trường chỉ có thể tăng điểm bền vững sau khi đã có những phiên điều chỉnh để tạo lực. Và, dấu hiệu đảo chiều đang hiện hữu rõ trong các chỉ báo phân tích kỹ thuật.
Mặt khác, đối với một nền kinh tế có độ mở lớn như VN, khi mà kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 150%/GDP, thì sự hồi phục của nền kinh tế thế giới sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến sự hồi phục trong nước.
Các dấu hiệu trên toàn cầu cho thấy nền kinh tế có thể chạm đáy khủng hoảng nhưng nhưng các chỉ số "tốt" vẫn chưa đảm bảo được sự hồi phục bền vững.
Các số liệu kinh tế của các quốc gia vẫn tiếp tục gây thất vọng, hiệu ứng domino của việc hai hãng ôtô Chrysler và General Motor có nguy cơ phá sản, dịch cúm Q/H1N1, sự thoái vốn từ các quỹ đầu tư và những biến động của thị trường trong quý 2, dầu đe doạ tăng lên 75 USD/thùng… và, nhất là khả năng lạm phát sẽ tăng cao trong thời gian tới do hiệu ứng của các gói kích thích kinh tế cũng như sự tăng giá của các loại hàng hoá nguyên liệu do nguồn cung giảm trong thời gian qua.
Trong thời điểm hiện tại, ông Ken Tai Chee Ming, chiến lược gia Phân tích kỹ thuật cao cấp của Tập đoàn Chứng khoán Kim Eng cho rằng nhà đầu tư VN cần thận trọng và nên đóng dần các trạng thái mua đã sinh lời trong thời gian qua nhằm phòng ngừa rủi ro.
Theo ông Ken Tai, cả 2 chỉ số VN-Index và HaSTC-Index đều đang hình thành các phân kỳ giảm giá so với các đường chỉ báo kỹ thuật như Stochastic và RSI vì thế sự đảo chiều trên 2 chỉ số này là có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến đặc điểm của TTCK là rất khó bán khi thị trường đi xuống.
Đồng quan điểm với ông Ken Tai, Tổng Giám đốc HSC, ông Johan Nyvene cũng cho rằng, trong thời điểm hiện tại nhà đầu tư cũng nên thận trọng với việc mua vào. Dẫu xu hướng dài hạn vẫn thể hiện sự lạc quan nhất định nhưng thị trường đang ở giai đoạn "hưng phấn" xét trên phương diện định giá và sự phục hồi ngoạn mục của thị trường có thể không kéo dài quá lâu.
Mùa công bố kết quả kinh doanh quý 1 đã kết thúc, luồng thông tin hiện tại rất ít cũng như thiếu các động lực ngắn hạn để chỉ số có thể tiếp tục tăng mạnh trong tương lai gần.
Tuy nhiên, xét về trung và dài hạn, TTCK vẫn ẩn chứa nhiều cơ hội lớn. Các kết quả kinh doanh quý 1/2009 của một số DN đã công bố cho thấy lợi nhuận kinh doanh khả quan hơn dự đoán rất nhiều.
Những DN thua lỗ lớn chủ yếu là do trích lập dự phòng rủi ro do đầu tư tài chính, còn mức suy giảm trong hoạt động kinh doanh chính không đáng kể. Doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của các DN so sánh trong thời kỳ trước và trong khủng hoảng không có sự thay đổi quá đột biến.
Tính thanh khoản nội địa đã giúp sự tăng giá của các loại tài sản như hàng hoá, chứng khoán, vốn, bất động sản rất vững chắc. Sự tăng giá của các loại tài sản tại VN hiện nay là nhờ thanh khoản nội địa đang rất dồi dào nhờ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Nhận định về triển vọng thị trường VN, ông King Yoong Cheah nói: "Chúng tôi cho rằng những đặc điểm mang tính phòng thủ nhưng cũng đầy hấp dẫn của thị trường vốn VN sẽ khiến thị trường này đáng quan tâm hơn đối với các nhà đầu tư tổ chức đang tìm kiếm một "alpha".