Trong cơn suy thoái kinh tế toàn cầu này, tại sao chúng ta không nghĩ đến tổ quốc ngàn lần đáng yêu chúng ta để có những hành xử đúng đắn.
Từ khi nước ta bắt đầu thực hiện cải cách mở cửa, và nhất là từ khi Đảng nói rõ, chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã có một số người: bậc tài trí, nhà kinh doanh… cho đến những người dân bình thường, hình như đã quên mất mấy chữ quan trọng phía sau.
Nhiều người chỉ còn thấy: đã là kinh tế thị trường thì chỉ cần lợi nhuận, chỉ cần kiếm được nhiều tiền, là bất cần thủ đoạn, thậm chí có người còn mượn lời cụ Mác: chỉ cần lợi nhuận 300% thì dù biết là bị treo cổ người ta vẫn làm.
Trong không khí "nặng mùi tiền” đó, mỗi người lao vào cuộc kiếm chác một cách khác nhau. Người có chức có quyền thì “bán cái quyền ban – cho đang có, cho những ai mang tiền đến nhờ cậy ta”, bậc tài trí thì “bán cái quyền ban bằng cấp, học vị.. cho bất cứ kẻ nào ham muốn nhưng phải kèm theo tiền”, nhà kinh doanh thì bằng mọi cách để “mua được cái gì dễ kiếm lời nhất” còn kẻ tiện dân thì vì miếng cơm manh áo đã có lúc phải cúi mình.
Có ấn tượng, dường như những cái xấu xa, băng hoại về lương tâm đạo đức mà trước đây người ta nói chỉ trong xã hội cũ mới có, lại đang lan tràn, và có phần lấn lướt trong đời sống.
Tất nhiên không phải xã hội Việt Nam đều như thế, nhưng đây đã là một thực tế không thể chối cãi.
Trung tuần tháng 5 vừa qua, nhận lời mời của Câu lạc bộ doanh ngiệp hàng đầu (LBC) Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã trình bày với một số doanh nhân trong Câu lạc bộ về những bước đi chiến lược của doanh nghiệp Trung Quốc trong việc đối diện với cơn suy thoái toàn cầu, đặc biệt là tình trạng sụt giảm xuất khẩu.
Tôi đã trình bày chính sách hỗ trợ, hoạt động của các hiệp hội ngành nghề và đặc biệt là những phương pháp điều tiết của các ban, ngành chức năng, cũng như sự tự thân vận động của các doanh nhân Trung Quốc.
Trong cuộc nói chuyện đó có một điều tuy không muốn. Từ đáy lòng tôi không bao giờ quên được những viện trợ to lớn của nhân dân Trung Quốc anh em đối với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta mà tôi được trực tiếp chứng kiến một phần và được thụ hưởng, cũng như tôi không bao giờ quên những tình cảm tốt đẹp và những giúp đỡ chân thành mà một số bạn Trung Quốc đã dành cho tôi trong những năm tháng tôi công tác tại Trung Quốc. Nhưng tôi vẫn phải nói ra, đó là các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với tình trạng hàng hóa Trung Quốc đang xâm nhập thị trường trong nước ngày một mạnh mẽ hơn bằng đủ mọi hình thức.
Biện pháp chống đỡ, ngăn chặn làn sóng đó có nhiều, tôi chỉ đưa ra một câu hỏi: “Xin hỏi các anh, các chị và các cháu – nói các cháu vì tôi biết trong cuộc họp đó có một số doanh nhân đã thành đạt nhưng còn rất trẻ, mới trên dưới 40 tuổi thôi, ta có thể may một chiếc áo sơ mi với 100% nguyên vật liệu Việt Nam hay không?”
Sở dĩ dám đặt câu hỏi như vậy vì tôi biết hầu hết các áo sơ mi xuất khẩu của chúng ta chí ít cũng phải mang một nhãn hiệu nổi tiếng của một nước nào đó (và tất nhiên là phải trả tiền). Đó là còn chưa nói tới kiểu dáng, vải may, thậm chí cả chiếc khuy, cuộn chỉ có khi cũng phải ngoại nhập.
Trong thời đại toàn cầu hóa, nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật ấy để tìm ra nguyên nhân, thì làm sao chúng ta có thể tìm ra lời giải chính xác để thoát ra và vùng lên được.
Tuy vậy, trong không khí cảm thông, tràn đày niềm tin giữa người nói và người nghe của cuộc nói chuyện hôm đó, tôi mới dám nói ra điều đã nung nấu trong lòng từ lâu: “Thưa các anh, các chị, các cháu, để khắc phục điểm yếu này, chúng ta cần phải nâng cao lòng yêu nước trong mỗi người, từ người sản xuất, kinh doanh, người quản lý đến đông đảo người tiêu dùng.”
Tôi không phải là người bài ngoại, nhưng trong cơn suy thoái kinh tế toàn cầu này, tại sao chúng ta không nghĩ đến tổ quốc ngàn lần đáng yêu chúng ta để có những hành xử đúng đắn.
Lòng yêu nước chân chính sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi sức cản, là ngọn nguồn của mọi thành công.
Lòng yêu nước chân chính lúc nào tổ quốc cũng cần.