Mở cửa ngày đầu tuần, Tập đoàn DOJI báo giá vàng miếng SJC 46,24-46,34 triệu đồng, tăng 40.000 đồng mua vào và 60.000 đồng bán ra so với hôm cuối tuần trước.

Trong khi đó, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết bán vàng miếng SJC 46,39 triệu đồng mỗi lượng. Giá thu mua của doanh nghiệp quanh mức 46,29 triệu đồng. Riêng giá vàng PNJ của đơn vị này mua vào, bán ra rẻ hơn SJC lần lượt 150.000 đồng và 100.000 đồng, quanh 46,14-46,29 triệu đồng.

Giá vàng tăng 40.000 đồng.
Giá vàng tăng 40.000 đồng.

Trên thế giới, giá vàng tại thị trường châu Á sáng nay sụt giảm gần 5 USD ngay khi mở cửa, xuống sát 1.652 USD một ounce. Nhưng ngay sau đó, giá phục hồi và đến 9h giờ, giờ Hà Nội, mỗi ounce giao dịch quanh mốc 1.657,20 USD.

So với quốc tế, sự điều chỉnh giảm của các doanh nghiệp trong nước luôn luôn chậm hơn, còn tăng thì nhanh hơn. Sự bất cân xứng này đã kéo chênh lệch giá "nội" và "ngoại" lên mức cao chưa từng thấy.

Hôm cuối tuần trước là 4,9 triệu đồng mỗi lượng; còn sáng nay, nếu quy đổi theo tỷ giá 20.870 đồng, mỗi lượng vàng thế giới hiện tương đương với 41,70 triệu đồng. So với giá mua bán trong nước, giá thế giới quy đổi rẻ hơn 4,6-4,7 triệu đồng một lượng.

Những tháng qua, con số gây sự chú ý nhiều nhất đối với thị trường là mức chênh lệch 3-5 triệu đồng giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Sự chênh lệch này duy trì khoảng thời gian khá lâu, trong lúc sức mua bán của thị trường đã chậm lại đáng kể.

Đứng trước thực trạng này, dù nhiều doanh nghiệp lấy lý do cung cầu ra để giải thích và Ngân hàng Nhà nước cũng từng nhìn nhận, mức chênh này không ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô, không làm tỷ giá biến động vì không xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng… Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng, đây là một mức chênh lệch bất bình thường, mà nguyên nhân cốt lõi có thể là do tình trạng "độc quyền vàng thương hiệu SJC".

Lệ Chi