Mật ngọt chết ruồi?
Mô hình bán hàng đa cấp đã không còn xa lạ với người tiêu dùng trong nước. Định nghĩa gốc của MLM theo từ điển đầu tư quốc tế là một hình thức mà công ty bán hàng khuyến khích người phân phối tuyển dụng thêm những người phân phối mới. Phần trăm doanh số sẽ được chia cho người phân phối theo tỷ lệ thuận sản phẩm họ giúp công ty tiêu thụ. Điểm cộng của mô hình này là tiết kiệm được chi phí quảng cáo, thuê kho chứa, người tiếp thị có thể làm việc bán thời gian.
Quan trọng hơn là số lượng sản phẩm từ “tân binh” của nhà phân phối nào, cũng được cộng vào doanh số đã tiêu thụ được của chính người đó. Đây chính là động lực thúc đẩy người phân phối nỗ lực mở rộng mạng lưới kinh doanh. Đặt chân đến Việt Nam, mô hình kinh doanh mới lạ này càng trở nên hấp dẫn.
Theo thống kê của trang thông tin về bán hàng đa cấp thuộc Cục quản lý cạnh tranh, đến nay đã có 67 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có đăng ký giấy phép, trong đó kinh doanh thực phẩm chức năng chiếm ưu thế. Số “nhân viên tiếp thị” của mạng lưới đa cấp lên đến hơn một triệu người với doanh thu khoảng 4.000 tỉ đồng trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, lợi dụng lòng tin dưới hình thức những món lợi khổng lồ, nhiều công ty “ma” đã giả danh doanh nghiệp bán hàng đa cấp nước ngoài để “móc túi” người tiêu dùng. Bằng chứng là có đến 20 công ty, chiếm gần 30% “treo bảng” ngưng hoạt động, trong đó có công ty bị tịch thu giấy phép kinh doanh.
Nhiều cá nhân chia sẻ rằng những công ty “chui” này có những điều khoản bất hợp lý. Đặc biệt là áp lực phải bán đượcmột số tiền nhất định để được lãnh lương. Chiêu “moi tiền” quen thuộc là “tân trang” hàng nội thành hàng ngoại và đánh vào nhu cầu tâm lý của người tiêu dùng. Thế là, một hình thức kinh doanh hợp pháp đã trở thành bất hợp pháp dưới sự bóp méo của những kẻ lừa đảo.
Thật và giả
Một nhân viên cấp cao của một công ty kinh doanh đa cấp thực phẩm chức năng đã chia sẻ ba yếu tố để đánh tức thì vào mức độ tin cậy khi nhận được lời mời làm nhân viên tiếp thị. Thứ nhất là cơ sở vật chất của công ty. Thứ hai là chương trình hoạt động rõ ràng, đặc biệt là quyền và trách nhiệm của công ty cũng như nhân viên. Thứ ba là phong cách làm việc chuyên nghiệp của công ty.
Theo quan niệm của “người trong nghề” thì bán hàng đa cấp là một hình thức nhượng quyền cá nhân. Nghĩa là cá nhân hoàn toàn làm chủ, không bị ép buộc về thời gian và doanh số. Nếu muốn được hưởng tỷ số phần trăm doanh thu cao và “thăng cấp” thì cá nhân phải tự nỗ lực mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, để bảo vệ người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 110/2005/NĐ-CP.
Theo điều 8, khoản 2 của luật định thì nhân viên tiếp thị nghiêm cấm được đưa thông tin sai lệch và yêu cầu người “mới vào” đóng những khoản phí vô lý. Điều 10, khoản 3 của luật này cũng cho phép người tham gia chấm dứt hợp đồng nhưng vẫn được thanh toán đầy đủ tiền lương theo đúng quy định hợp đồng. Tuy nhiên, dù quan sát và nhận xét theo những kinh nghiệm nói trên, nhiều bất cập từ khung pháp lý chưa thật sự quy củ vẫn khiến nhiều người “sa bẫy”.
Cụ thể là luật vẫn chưa siết chặt các doanh nghiệp thành lập văn phòng tại nơi có hoạt động bán hàng đa cấp xảy ra gây khó khăn cho phía kiểm soát. Càng khó kiểm soát hơn khi báo cáo mỗi sáu tháng chỉ gửi về Sở Công thương còn địa phương nơi kinh doanh diễn ra vẫn “mịt mù” thông tin.
Không còn “một con sâu làm sầu nồi canh”
Công thức chung của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp cả “xịn” lẫn “dỏm” là xây dựng văn hóa công ty. Thường xuyên tổ chức những buổi rèn luyện kỹ năng bán hàng, chia sẻ kinh nghiệm, hoạt động ngoại khóa đáp ứng được nhu cầu của nhân viên. Không ít những công nhân, học sinh đã nuôi dưỡng ước mơ đạt được mức hoa hồng tăng bậc và nỗ lực hết mình.
Một sinh viên năm nhất Trường Kỹ thuật Công nghệ HUTECH tự hào về công việc giới thiệu những thực phẩm chức năng chất lượng cho người dân. Thậm chí có nhiều phụ huynh chủ động cho con trở thành nhân viên bán hàng đa cấp vì hài lòng trước chất lượng sản phẩm.
Theo báo cáo hoạt động của Cục Quản lý cạnh tranh năm 2011, tổng số 20 trường hợp doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính chủ yếu tập trung vào giai đoạn 2008-2009, năm vừa qua chỉ chứng kiến một vụ. Nhìn nhận công bằng phương pháp tiếp thị hàng hóa qua mạng lưới con người này từ những công ty chân chính, bán hàng đa cấp đã đem lại việc làm và thu nhập cho không ít người lao động.
Theo báo cáo do Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam tổng hợp, kinh doanh đa cấp đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 1.000 tỉ đồng và quỹ từ thiện 8,4 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Công tác quản lý bán hàng đa cấp” do Sở Công thương TP.HCM tổ chức vào tháng 8 vừa qua thì điều mà cộng đồng và doanh nghiệp chân chính cần nhất là xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ. Một khi đã có hành lang pháp lý vững chắc, bán hàng đa cấp sẽ không còn rơi vào tình trạng “một con sâu làm sầu nồi canh” và bảo vệ được cộng đồng. Có thể nói, nếu yêu thích công việc bán hàng và cần sự tự chủ về thời gian, bán hàng đa cấp cho các công ty uy tín là một lựa chọn không tồi.