Thước đo “méo mó” vẫn dùng
Thứ hạng trang Web là tiêu chí thể hiện uy tín và độ hấp dẫn của trang web dựa trên số lượng truy cập vào trang web đó. Hiện có khá nhiều công cụ đánh giá và xếp hạng trang Web như Compete, ComScore, Hitwise, Nielsen//NetRatings, Netcraft, Ranking.com, Quantcast… Song ở Việt Nam, Alexa gần như thước đo trang Web duy nhất được ưa chuộng. Alexa là công cụ đánh giá thứ hạng trang Web miễn phí, dựa trên hai chỉ số chính là số trang Web được người dùng xem (page view) và số lượng người truy cập trên trang Web đó (page reach). Tuy nhiên, có nhiều yếu tố nghi ngại về độ chính xác của công cụ này. Alexa chỉ tính toán dựa trên các máy tính mà trình duyệt web có tích hợp thanh công cụ Alexa Toolbar (tiện ích giúp người dùng lướt web). Trong khi đó chính Alexa thống kê chỉ có khoảng 10 triệu máy tính trên khắp thế giới, ước tính khoảng 1% số người dùng Internet, là có sử dụng Alexa Toolbar. Với trang Web tiếng Việt, tỷ lệ máy tính cài đặt Alexa Toolbar thậm chí có thể còn thấp hơn, bởi đơn giản vì Amazon.com, công ty sở hữu Alexa chưa có kênh bán hàng trực tuyến tại Việt Nam và hơn nữa còn từ chối các thanh toán xuất xứ từ Việt Nam. Bên cạnh đó, giới thạo tin học cho rằng cách thức đánh giá trang Web của Alexa rất dễ bị lợi dụng, biến trang Web “vô danh tiểu tốt” nhanh chóng trở thành một trang Web có thứ hạng. Nhưng có lẽ do thói quen và sự thiếu hiểu biết về Alexa nên công cụ xếp hạng trang web này vẫn được hầu hết người sử dụng Internet tại Việt Nam coi là tiêu chí hàng đầu để đánh giá trang web. Trong hoạt động quảng cáo trực tuyến, rất nhiều công ty Việt Nam đã dùng Alexa là thước đo để quyết định và tính toán chi phí quảng cáo.
Đua nhau “qua mặt” Alexa
Do những lợi ích từ việc có thứ hạng cao trên Alexa, rất nhiều chiêu thức đã được các web Việt sử dụng để đẩy chỉ số Alexa tăng cao mà chưa hẳn là số lượng truy cập thật. Có cung ắt có cầu. Chỉ cần gõ từ khoá “tăng rank Alexa” trên trang tìm kiếm Google, một danh sách hàng ngàn phần mềm và địa chỉ cung cấp dịch vụ kích chỉ số Alexa đã hiện ngay trước mắt người xem, một số công cụ hiệu quả nhất được kể tên như là AlexaBooster, FakeZilla hay Traffic Maximizer. Có lẽ, việc tăng chỉ số Alexa khá dễ dàng, nên nhiều “nhà cung cấp” dịch vụ này đã mạnh miệng cam kết “hoàn lại 100% phí dịch vụ nếu không đạt thứ hạng theo yêu cầu của khách hàng” hoặc “cam kết tăng 10 ngàn lượt truy cập mỗi ngày”.
Ông Trần Hùng Cường, chuyên gia về mạng cho rằng có nhiều cách để tăng lượng truy cập ảo. Cách phổ biến là cài đặt Alexa Toolbar và đặt trang chủ cho tất cả các máy tính của công ty mình, hay cố gắng lôi kéo nhiều trang web link tới trang chủ của công ty mình để cải thiện thứ hạng. Cũng có trang web tăng truy cập bằng cách sử dụng hoặc thuê mạng botnet (mạng máy tính bị chiếm quyền điều khiển) để tự tấn công từ chối dịch vụ vào trang web của mình. Theo ông Cường thì cách này rất hiệu quả, có thể tăng thứ hạng nhanh mà khó bị Alexa phát hiện vì các truy cập được huy động từ nhiều máy tính, hay cụ thể hơn là từ nhiều địa chỉ IP khác nhau. Tinh vi hơn một chút thì dùng thủ thuật tạo ra các trang web con (gọi là iFrame) có kích thước cực nhỏ nhúng bên trong trang web chính.Cách làm này tương tự bạn đặt hệ thống đếm người tại mọi cửa ra vào trong nhà nhưng bản thân hệ thống đếm đó lại không biết nhận dạng người vào phòng, như vậy chỉ với khoảng 10 người vào nhà, hệ thống có thể đưa ra con số thống kê lên tới 1.000 người đã bước vào nhà! Đó là chưa kể các đoạn mã nguồn có thể tái khởi động lại các IP truy cập, không khác gì những người bước vào nhà qua cửa sau và lại vào nhà một lần nữa. Cũng theo ông Cường, một phương pháp nữa đang được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam là dồn lưu lượng, có thể hiểu nôm na là đưa tất cả truy cập của nhiều trang web vào chung một trang web để đẩy xếp hạng của trang web đó lên. Bằng cách này, nhiều trang web Việt Nam mới ra mắt gần đây đã xuất hiện trong top 100 của Việt Nam, thậm chí có trang web Việt chỉ sau thời gian 5 tháng xuất hiện đã nằm trong top 200 trang web hàng đầu thế giới.
Phân tích chỉ số truy cập Alexa ở một số trang web hàng đầu ở Việt Nam, không khó tìm ra những trò “qua mặt” Alexa quá lố. Những “ngón nghề” này thể hiện cách thức làm ăn chộp giật, tăng thứ hạng (rank) thật mạnh rồi đi lừa những khách hàng thiếu hiểu biết rằng “Alexa là chỉ số quốc tế về đánh giá trang web, tôi đang đứng top 100, hãy trả tiền quảng cáo cho tôi”. Nhưng sớm muộn gì người dùng cũng sẽ hiểu Alexa chưa hẳn là chính xác.