“Ai đóng gạch đê…”

Tiến hành xác minh, 7h sáng 18/9, PV gọi tới số máy 016661526xx. Thay vì những tiếng chuông chờ tút tút, đập vào tai PV là giai điệu: “Ai đóng đóng gạch không? Ai đóng gạch đê. Gạch, gạch, gạch đê…”.

Một người thanh niên nhấc máy, cho biết: “Bản nhạc chờ trên có mã số 6195449, được tải từ Tổng đài 1221 của Viettel”.

Tại trang web imuzik – Một thế giới âm nhạc (kho nhạc chờ của Viettel, có địa chỉ http://imuzik.vietteltelecom.vn), bản nhạc “Ai đóng gạch không” có giá tải về thuộc khung đắt nhất là 5.000 đồng, tính đến đêm 18/9/2009 có hơn 8.000 lượt tải về bản nhạc trên.
 

 

Nghe PV hỏi về ý nghĩa của bản nhạc chờ “Ai đóng gạch không”, bên kia đầu dây có tiếng cười phá lên của người thanh niên. Sau đó, người thanh niên này bảo: “Trời ơi, anh ở thế hệ nào mà không biết nội dung của bản nhạc đó. Anh cứ đi hỏi thử những thanh niên từ 18 đến 30 tuổi xem, em đảm bảo 10 người thì cả 10 đều biết”. Nói xong, người thanh niên trên tắt máy.

PV đem đoạn băng ghi âm nội dung bản nhạc chờ trên cho 10 người trong độ tuổi từ 18 đến 30 làm các ngành, nghề khác nhau như lái xe, xe ôm, sinh viên và cán bộ công chức để đặt câu hỏi: “Đóng gạch” trong tiếng lóng có nghĩa là gì? Nghe bản nhạc chờ trên, ai cũng giật mình. Chẳng nhẽ chỉ cán bộ của Viettel là không biết (?!).

Chế nhạc Trần Tiến

Gọi tới số máy 016841810xx, PV lại phát hiện một bản nhạc chờ quái dị khác.

Phía bên kia đầu dây vang lên bản nhạc chờ với lời nói của một cô gái: “Anh ơi, em vừa tắm, vừa hát rống lên trong nhà vệ sinh, anh chờ một tý rồi em nghe điện thoại…”. Không chỉ dừng lại ở việc “sáng tạo” lời cho nhạc chờ, mạng Viettel còn mạnh dạn đưa những bài hát “chế” lời trên nền nhạc của các ca khúc nổi tiếng.

Chẳng hạn như bài “Chị tôi” của nhạc sỹ Trần Tiến đã bị “Viettel hóa” thành bài nhạc chờ “Vợ tôi đi mất rồi”, mang mã số 6195414, được hát bởi một giọng nam say xỉn, nói về chuyện bóng banh: “Rồi tôi coi đá banh, cúp quốc gia, ngoại hạng Anh, Ý, Anh. Vợ tôi ưa mớ phim Cách Cách Hoàn Châu. Mà đội Manchester đá gay go đội Newcastle, làm sao đây hỡi trời?”… Nhiều người gọi đến các số điện thoại có những đoạn nhạc chờ phản cảm như trên thì không giấu nổi bức xúc. Anh Vũ Ngọc Hoàn (quận Đống Đa, Hà Nội) nói: “Cài nhạc chờ như thế nào là quyền của người sở hữu thuê bao phải những bản nhạc đó là người gọi đến cho thuê bao đó. Tôi nghĩ, việc cung cấp nhạc chờ có nội dung thế nào thì nhà mạng hoàn toàn có thể chủ động được. Đừng vì chạy theo lợi nhuận mà kinh doanh thứ hàng hóa phản văn hóa”.