Những năm gần đây, thị trường lịch tết khá trầm lắng. Thay vì mua lịch treo tường, người dân thành phố giờ chỉ cần một cuốn lịch bàn để xem ngày tháng, có những khoảng trống để ghi chép. Người nông thôn cũng không treo lịch đầy nhà vào những ngày tết.
lich 2012
Cũng như mọi năm, cứ vào khoảng giữa tháng 12, các công ty chuyên thiết kế,in ấn lịch lại tung ra thị trường nhiều loại lịch khác nhau. Thị trường lịch ngày càng phong phú, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã nhưng vẫn không thu hút người mua.
Cũng dễ hiểu thôi. Ngày xưa, để trang hoàng nhà cửa và có được không khí tết thì nhất thiết không thể thiếu tờ lịch tết treo tường với những hình ảnh truyền thống như tranh Đông Hồ, câu đối đỏ hay mâm ngũ quả ngày tết… Nhưng ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ in ấn, sự xuất hiện thêm nhiều loại hình trang trí mới, người dân thành phố có xu hướng lựa chọn những hình thức trang trí nhà cửa ngày tết mới hơn, thay vì những hình ảnh truyền thống.
Lịch giấy bây giờ phải nhường chỗ cho lịch vạn sự (lịch trang trí kết hợp cả đồng hồ và nhiệt kế). Thêm vào đó, bây giờ ở thành phố, nhiều gia đình có phong trào chụp ảnh đại gia đình hoặc ảnh con cái trong nhà, kết hợp vừa làm ảnh vừa làm lịch treo tường ngày tết. Thị trường lịch giấy trầm lắng nhưng ngược lại, thị trường lịch ảnh kỹ thuật số lại khá tất bật, nhộn nhịp vào những ngày tết đến. Ngay đến các gia đình nông thôn, ngày nay cũng không ai thích treo lịch tết rầm rộ như trước. Họ cũng thích chụp hình cho con và kết hợp làm lịch để treo tường.
Nguyên liệu giấy, mực in và các phụ phí để sản xuất lịch ngày càng đắt đỏ. Giá một cuốn lịch tường ngày tết có khi lên đến hàng trăm ngàn. Người dân thành phố có thể mua được với giá đó, nhưng họ lại không thích, bởi nhiều người cho rằng lịch tết đơn điệu, hình ảnh cũng chỉ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác.
Bây giờ, người ta khá chuộng tranh chữ thư pháp, tranh đá, tranh nghệ thuật thay vì treo lịch tường. Còn với người nông thôn, không mấy ai bỏ ra tiền trăm để mua lịch treo tết. Họ chỉ cần một bloc lịch nhỏ để xem ngày tháng. Tết với người nông thôn bây giờ cũng chuẩn bị rất đơn giản. Lịch tờ tết bây giờ chủ yếu được các công ty, xí nghiệp, trường học đặt mua để làm quà biếu, còn lịch túi và lịch để bàn chữ A không được nhiều khách hàng quan tâm…
Đến thời điểm này, ở TP.HCM, tại các cửa hàng văn hóa phẩm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), Hùng Vương, Lê Hồng Phong (Q.10), chợ Bình Tây (Q. 6)… các loại lịch được treo bán đỏ rực. Tuy nhiên, theo nhận định của các chủ cửa hàng, thị trường lịch bloc năm nay khá yên ắng nhưng giá cả thì lại cao hơn từ 10 – 25%.
Cái mới của lịch năm 2011 là sự xuất hiện của bloc lịch 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, bloc lịch lịch sử Việt Nam với câu chuyện lịch sử được kể từ thời Vua Hùng cho đến tận ngày nay. Và tại TP.HCM, lần đầu tiên xuất hiện thêm bộ lịch bloc Phật giáo với khổ đại (14,5×20,5cm) và khổ siêu đại (20x30cm) do Hội Phật Giáo Việt Nam phát hành. Còn nhìn chung về mẫu mã, lịch tết 2011 cũng không có nhiều sự cải tiến, hầu hết chỉ xoay quanh các chủ đề như phong cảnh, nội thất, hoa, áo dài, áo tứ thân…
E rằng sự đơn điệu trong thiết kế, mẫu mã nhưng giá cả lại đắt đỏ đang khiến thị trường lịch tết mất đi sự chú ý của người tiêu dùng. Đến một lúc nào đó, e rằng cái sắc đỏ của lịch tết sẽ không còn mặn mà bên sắc hồng hoa đào hay sắc vàng rực rỡ của mai vàng trong những dịp tết đến, xuân về. Liệu lúc đó, người ta có phải thảng thốt vì trống vắng, để lại đi tìm cái hồn tết Việt trên từng trang giấy dó, giấy điệp ngày xưa?
theo: dulichtraitimviet