Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Liêm chính Toàn cầu (Global Financial Integrity – GFI), gần 859 tỷ USD tiền phi pháp đã được tuồn ra khỏi 150 quốc gia đang phát triển trên thế giới trong năm 2010. Trong đó, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm đến một nửa.
Dòng tiền bất hợp pháp từ né thuế, tội phạm và tham nhũng tại các nước này đã gần đạt mức kỷ lục 871 tỷ USD năm 2008. Sau khủng hoảng tài chính, con số trên chỉ giảm xuống 776 tỷ USD năm 2009.
Hệ thống tiền tệ Trung Quốc đang có lỗ hổng rất lớn. Ảnh: Want China Times |
Báo cáo cũng cho biết tiền bẩn chảy ra từ Trung Quốc đã đạt 420,2 tỷ USD năm 2011. Tổng cộng, trong giai đoạn 2000 – 2010, số tiền này đã lên tới 2.700 tỷ USD. Con số trên vẫn đang tăng lên và đến năm 2011 đã là 602 tỷ USD.
Theo GFI, trong thập kỷ này, 5.900 tỷ USD đã chảy khỏi các nước đang phát triển qua nhiều kênh bất hợp pháp. Trong đó, gần 61% dòng tiền này là từ châu Á. Raymond Baker – Giám đốc Global Financial Integrity cho biết: "Lượng tiền phi pháp từ Trung Quốc làm chúng tôi rất ngạc nhiên. Thậm chí còn chẳng có nước nào có lượng tiền bẩn gần bằng con số đó".
Dev Kar, nhà kinh tế trưởng của Global Financial Integrity nhận định số liệu này cảnh báo kinh tế Trung Quốc đang là một "quả bom hẹn giờ". Theo ông, lượng tiền thất thoát lớn như vậy sẽ đe dọa sự ổn định về kinh tế – chính trị – xã hội của nước này.
Baker cho rằng trong tình hình tài chính toàn cầu bết bát như hiện nay, gần như mọi quốc gia, dù giàu hay nghèo, đều phải cố gắng thúc đẩy tăng trưởng. Bản báo cáo cũng nhấn mạnh các chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu tác hại mà dòng tiền phi pháp này gây ra cho nền kinh tế.
GFI nhận xét chỉ một nhóm nhỏ các quan chức tham nhũng là được lợi từ việc chuyển tiền ra khỏi quê hương. Trong khi đó, cả nền kinh tế lại chịu tổn thất rất lớn. Dòng tiền bất hợp pháp đã được chứng minh là làm tăng bất bình đẳng thu nhập và tham nhũng trong chính quyền Trung Quốc, Kar cho biết. Người giàu sẽ ngày càng giàu lên nhờ né thuế và lợi dụng tín dụng đen để tăng tài sản phi pháp.
Thùy Linh (tổng hợp)