Ông Nguyễn Khánh Hòa, giám đốc điều hành của Công ty Giải pháp tiếp thị AZ, nói rằng các mạng xã hội tại Việt Nam đang có mức tăng truởng 60%, mỗi năm thu hút hàng triệu người tham gia.

Hiện, Facebook là mạng xã hội thu hút nhiều người tham gia với 8,5 triệu người, tiếp theo là Zing Me có 8 triệu người, Go.vn với 3 triệu người, Google + khoảng 2 triệu người…

“Điều đó cho thấy, người dùng Internet Việt Nam rất thích tham gia mạng xã hội và tạo ra một cộng đồng khá lớn. Đây là điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp tương tác với cộng đồng này trên mạng xã hội,” ông Hòa nói.

Cũng theo ông Hòa, chi phí quảng bá trên mạng xã hội cũng không đắt đỏ bằng chi phí truyền thông truyền thống như báo giấy và truyền hình.

Ông Kazuhiro Iwai, phó chủ tịch cấp cao của Công ty ISB Việt Nam, công ty chuyên về phần mềm nhúng, cho hay: trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tiếp thị truyền thông qua mạng xã hội được xem là một kênh truyền thông hiệu quả với chi phí thấp. Nó cho phép các công ty tiếp cận được các khách hàng mục tiêu và đo lường được ngay hiệu quả của chiến dịch truyền thông.

Theo ông Iwai, trên môi trường mạng xã hội, các doanh nghiệp có thể áp dụng các chiến lược thiết thực và khép kín. Hiện nay số người dùng mạng xã hội bằng điện thoại rất lớn giúp doanh nghiệp có thể tác động vào khách hàng bất kỳ lúc nào.

“Với việc bỏ ra khoản phí nhỏ, thậm chí là không mất chi phí cho việc quảng bá thương hiệu trên các mạng xã hội, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thu lại kết quả tích cực,” ông Iwai nói.

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia cho rằng các công ty nên tận dụng các công cụ của truyền thông mạng xã hội nhằm khuếch trương thương hiệu, tăng sự hiển thị website trên hệ thống mạng xã hội.

Ngoài ra, có thể tạo một trang yêu thích (Fanpage) có chất lượng trên Facebook, Zing Me, Go.vn hoặc Twitter để gia tăng số lượng nguời quan tâm tới công ty hoặc sản phẩm của họ.

Bên cạnh đó, cũng có thể thông qua hình thức Blog, Wiki, diễn đàn… để các thành viên bình luận, trao đổi về thương hiệu, sản phẩm dịch vụ của công ty.

Hà Vân