Do tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phải sa thải hàng loạt lao động, tạo nên làn sóng công nhân “bỏ phố về quê”. Trước tình trạng này, các chuyên gia thị trường lao động đã đưa ra dự báo: Đây sẽ là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ lao động có tay nghề càng trở nên khan hiếm, khi nền kinh tế hồi phục.
Nhiều lao động “tái mù nghề”

Phải mất hơn 10 năm, các vùng kinh tế trọng điểm mới xây dựng được một lực lượng đông đảo lao động có tay nghề, nhiều người thạo việc. Nhưng trước những diễn biến phức tạp của thị trường lao động do ảnh hưởng của kinh tế suy giảm, nhiều khả năng sẽ có một số lượng lớn lao động bị “tái mù nghề”. Miền Trung là nơi cung ứng nhiều lao động nhất cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Và hiện nay, đây cũng là nơi hàng ngày đón nhận những đứa con tha hương tìm về quê tá túc trong thời buổi gian khó.

Theo con số báo cáo từ các địa phương, ước tính trong vòng hơn 2 tháng đầu năm 2009, đã có hàng chục nghìn lao động từ các vùng công nghiệp miền Nam, miền Bắc bị mất việc, phải trở về quê tìm kế sinh nhai. Lúc đầu, một số người nuôi ý định khi trở về quê sẽ tiếp tục sống bằng nghề cũ, tại những doanh nghiệp mới mở ở địa phương. Nhưng thực tế không nhiều người thực hiện được ý định ấy.

Có hai lý do, thứ nhất, là hầu hết các doanh nghiệp ở miền Trung có mối liên hệ mật thiết với các doanh nghiệp lớn ở phía Nam. Khi tình hình sản xuất gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, thì chính những doanh nghiệp “con” ở miền Trung cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng, dẫn đến thu hẹp sản xuất và cắt giảm nhân công; thứ hai, do phần lớn là nhận hàng gia công lại của các doanh nghiệp lớn ở phía Nam, nên chi phí nhân công của các doanh nghiệp miền Trung thấp hơn hẳn. Vào thời điểm cuối năm 2008, tiền lương trung bình của nhiều nhà máy gia công thuộc các KCN tỉnh Quảng Ngãi chỉ khoảng 800.000 – 1 triệu đồng/tháng, thậm chí nhiều nơi còn thấp hơn.

Tình hình ở các tỉnh lân cận cũng không sáng sủa hơn là bao. Theo bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, mặc dù chưa tổ chức thống kê, nhưng ước tính chỉ có gần 10% lao động từ phía Nam trở về tìm được việc làm tại các doanh nghiệp ở địa phương. Số còn lại phải tự xoay xở kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, như làm nông nghiệp, buôn bán, tổ chức dịch vụ nhỏ…

Nguy cơ và giải pháp

Theo lời cán bộ quản lý nhân sự của nhiều doanh nghiệp, trong số lao động bị mất việc, một phần lớn là những người đã có thâm niên từ 5 – 7 năm. Trước đây khi mới vào doanh nghiệp, họ chưa có nghề. Để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, các doanh nghiệp đã phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ (trung bình đào tạo nghề cho một lao động phải tốn từ 3 – 5 triệu đồng), cộng với một khoảng thời gian hàng năm trời, để đào tạo họ trở thành những lao động có tay nghề. Chính vì thế mà các địa phương thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện là nơi có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cao nhất nước, khoảng trên 40%. Vì vậy, phải sa thải những công nhân này là việc “cực chẳng đã”.

Chuyên gia thị trường lao động Trần Anh Tuấn cảnh báo: Tình trạng người lao động bị mất việc mang lại nhiều nỗi lo cho hiện tại . Nhưng việc nhiều công nhân “bỏ phố về quê”, bỏ nghề để chuyển sang làm những công việc khác, lại gây nên những mối lo lớn cho tương lai. Có thể thấy trước, những công nhân này chỉ trong một thời gian ngắn không làm nghề sẽ rơi vào tình trạng “tái mù nghề”.

Như vậy, nhiều khả năng trong thời gian tới, tỷ lệ lao động có tay nghề sẽ giảm đáng kể so với hiện nay. Khi tình hình kinh tế hồi phục, các doanh nghiệp sẽ không chỉ phải chạy đôn chạy đáo để tuyển lao động, mà còn phải tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc để bắt đầu lại việc đào tạo lao động. Và như vậy, thời gian để hồi phục sản xuất của các doanh nghiệp sẽ bị chậm lại đáng kể do hạn chế về nguồn nhân lực.

Theo GS Trần Văn Thọ, người đã từng giữ vai trò cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản, lao động giá rẻ nhưng chất lượng thấp, từng là lợi thế một thời của Việt Nam, nay đang trở thành rào cản đối với sự phát triển. Để “nâng cấp” nguồn nhân lực, Chính phủ đã chuẩn y gói 1.000 tỷ đồng dành hỗ trợ người lao động mất việc, trong đó có tính đến việc cho vay để học nghề và đầu tư vào công tác đào tạo nghề. Tuy nhiên, theo ông Haglund, TGĐ tại Việt Nam của Tập đoàn dịch vụ việc làm hàng đầu thế giới ManPower, việc thực hiện chương trình này cần được giám sát chặt chẽ để thực sự phát huy hiệu quả.

Hãy hỗ trợ người thất nghiệp trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết, để họ có thể nắm bắt cơ hội mới khi kinh tế thế giới phục hồi. Việt Nam cần biến thời kỳ khó khăn hiện nay thành cơ hội để đào tạo công nhân và tái đào tạo nguồn nhân lực, nhằm giúp họ đáp ứng được những yêu cầu mới của các nhà đầu tư nước ngoài, khi có một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam sau khủng hoảng”