Sự cố máy tính ở Việt Nam tăng 3 lần so với năm ngoái, hàng trăm website bị tấn công, trong khi lừa đảo trên mạng gia tăng. Các chuyên gia cho rằng, tội phạm công nghệ cao đang tăng và người dùng phải tìm cách sống chung.

Khái niệm “sống chung” trước nay chỉ được nêu lên ở Việt Nam khi nói về kẹt xe, ngập nước như “sống chung với kẹt xe”, “sống chung với ngập nước”, nay được các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thông tin đưa ra trong Hội thảo Ngày An toàn thông tin tổ chức ở TP HCM hôm nay.

“Tôi phạm công nghệ cao cũng không nằm ngoài quy luật chung của tội phạm, vấn đề là đấu tranh, hạn chế các rủi ro của tội phạm gây ra như thế nào, phải xác định tội phạm nói chung và tội phạm công nghệ cao nói riêng là vấn đề chúng ta phải chung sống chứ không thể trong một lúc nào đấy giải quyết được”, ông Phan Mạnh Trường, Trưởng phòng phòng chống chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khu vực phía Nam, cho biết.

Theo ông Trường, xu hướng chung là các loại hình tội phạm khác sẽ dần chuyển sang tội phạm sử dụng công nghệ cao, ví dụ cá độ, buôn bán ma túy, lừa đảo… diễn ra ngày một nhiều trên mạng.

Báo cáo của Chi hội An toàn thông tin phía Nam (Vnisa) cho thấy tình hình an ninh thông tin đối với tài nguyên trên mạng của Việt Nam trong năm qua có nhiều biến cố đáng báo động và diễn biến phức tạp, vi phạm gia tăng mạnh về số lượng, hình thức ngày càng tinh vi, có tổ chức.

“Số lượng sự cố máy tính được thông báo và xử lý tăng gần gấp 3 lần so với năm ngoái, tần xuất tấn công lớn hơn”, ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, nói.


kiến thức in ấn | xưởng in offset giá rẻ | in trên vải | in trên áo mưa | in bao bì
Sự cố máy tính năm nay tăng 3 lần so với 2010 trong khi hàng trăm website bị đánh sập. Ảnh: Q.H.


Thống kê cho thấy chỉ trong một ngày vào tháng 10 có hơn 150 website tại Việt Nam có tên miền .vn, .com, .net bị đánh sập. Tính đến 7/11 đã có hơn 300 website có đuôi .gov.vn bị tấn công. Đối tượng bị tấn công và sửa đổi thông tin không chỉ ở các đơn vị nhà nước mà còn có cả các trang thông tin điện tử, báo điện tử, trang tin của các tập đoàn, doanh nghiệp…

Tuy nhiên trái ngược với mức độ ngày một tăng nhanh của sự cố, rủi ro của máy tính (Trend Micro cho rằng 10 tháng trước đây 1 giây có 1 mã độc xuất hiện nhưng hiện nay con số này là 3 đến 4 mã độc) thì các doanh nghiệp lại tỏ ra khá thờ ơ với các biện pháp tự bảo vệ mình.

Khảo sát 300 doanh nghiệp của Vnisa cho thấy có tới 73% doanh nghiệp hiện không có chính sách an toàn thông tin, 45% doanh nghiệp không có quy trình xử lý sự cố về an toàn thông tin, 23% không biết hệ thống mình có bị tấn công hay không.

Về góc độ người dùng cá nhân, ông Vũ Quốc Thành, Tổng thư ký Vnisa, cảnh báo việc các thông tin cá nhân trên mạng xã hội dễ bị hacker lợi dụng tìm ra password của mọi người. Ngoài ra, ẩn sau các link về trao quà hay làm từ thiện trên mạng xã hội cũng có thể là đường dẫn đến trang web độc hại.

Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP HCM, cho rằng chiến tranh mạng sẽ dễ xảy ra, vấn đề là chúng ta chuẩn bị nguồn lực về nhân sự, biện pháp… như thế nào để ứng phó.

“Về bài toán con người, phía Nam cũng như TP HCM đã thành lập “thao trường” kiểu như quân đội để đào tạo “sĩ quan” là những chuyên gia về an toàn thông tin. Có cả các bài tập về chiến đấu và phòng thủ cho các chuyên gia này, đây được xem như bước chuẩn bị lực lượng, vì nếu có chiến tranh chúng ta đã có quân đội”, ông Tuấn ví von.

Với chức năng là trung tâm đầu não, ông Khánh khẳng định đã thành lập một “mạng lưới” những đơn vị ứng cứu sự cố máy tính, có cả sự tham gia của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an toàn thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin Truyền thông cũng chú trọng triển khai những kế hoạch, hướng dẫn chi tiết về mặt kỹ thuật cho các cơ quan, doanh nghiệp nhằm ngăn chặn sự cố về an toàn thông tin.

“Trong bối cảnh hiện nay, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác về tuyên truyền, nhận thức về an ninh thông tin và nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp về vấn đề này”, Vnisa kiến nghị.

Thời gian qua, nhiều vụ tội phạm nước ngoài thâm nhập Việt Nam lắp đặt máy móc, sử dụng thiết bị viễn thông và Internet tốc độ cao sau đó vạch “kịch bản” tiến hành lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân.

Ngày 17/10, Công an tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Tổng cục An ninh I kiểm tra hai khách sạn ở Nha Trang, bắt quả tang 23 người Trung Quốc và một người Việt Nam đang “hành nghề” lừa đảo. Cảnh sát thu giữ 2 bộ thiết bị đường truyền tốc độ cao, 14 bộ đàm cầm tay, 8 điện thoại Wi-Fi, 37 điện thoại bàn, 2 USB có dữ liệu và 7 máy tính xách tay.

Ngày 13/9, Công an TP HCM cũng bắt quả tang 11 người ngoại quốc sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngày 7/7/2010, Cơ quan an ninh (Bộ Công an) đã phát hiện băng nhóm lừa đảo xuyên quốc gia bằng công nghệ cao, bắt giữ 99 người nước ngoài.

Theo VNExpress