Nhượng quyền thương mại là biện pháp phát triển một doanh nghiệp năng động nhất trong thế kỷ 20. Tuy vậy, không nhiều doanh nghiệp thành công với chiến lược này khi có nhiều công ty từng kinh doanh bằng hình thức nhượng quyền đã thất bại.
Người chủ doanh nghiệp nên biết những gì liên quan đến nhượng quyền thương mại như các nguồn lực, chi phí và nhân sự. Dù doanh nghiệp của bạn đã đủ điều kiện kinh doanh nhượng quyền thì có thể còn có những rào cản về tài chính, cách quản lý hay nguồn lực bạn cần phải vượt qua trước khi triển khai chiến lược phát triển.
Giả sử bạn có một doanh nghiệp đủ khả năng nhượng quyền và các nguồn lực cần thiết để thành công thì bước tiếp theo mà bạn nên làm là xác định liệu nhượng quyền thương mại có phải là chiến lược phù hợp nhất trên cơ sở những mục tiêu mình xác định hay không. Sở dĩ nên làm vậy bởi vì một doanh nghiệp có thể nhượng quyền không có nghĩa là nên kinh doanh nhượng quyền. Để làm được điều này, bạn nên khảo sát những thuận lợi và bất lợi thông qua các chiến lược khác nhau.
Mua lại doanh nghiệp nhượng quyền đang hoạt động
Thuận lợi lớn nhất khi mua một doanh nghiệp nhượng quyền đang hoạt động là bạn sẽ có cơ hội xem xét số liệu, nắm được doanh thu và chi phí những năm trước đây, đối chiếu sổ sách một cách chính xác (yêu cầu chủ thương hiệu cung cấp số liệu khoản phí hàng tháng để bạn nắm được mức doanh thu về cơ bản). Bạn có cơ hội trao đổi vấn đề kinh doanh với người quản lý, phỏng vấn những người mua khác hay quan sát cách điều hành. Hơn nữa, bạn có cơ hội khảo sát ngành kinh doanh mình đang quan tâm để nắm rõ cách đánh giá các mục tiêu nhằm tránh một thương vụ đầu tư không chắc chắn hoặc nhiều rủi ro.
Vậy bạn sẽ kiếm tiền ở đâu ? Có thể bạn nhận thấy cần đầu tư vào một thương hiệu đang gặp khó khăn cần sự đổi mới đường lối kinh doanh của ban lãnh đạo. Nếu thành công, bạn sẽ xây dựng được một thương hiệu từ yếu kém thành thương hiệu mạnh có lợi nhuận tài chính.
Mua một doanh nghiệp nhượng quyền đang hoạt động có nghĩa là bạn phải làm theo các điều khoản trong hợp đồng nhượng quyền hiện tại có thể có nhiều hạn chế. Nhiều chủ thương hiệu giữ quyền được ưu tiên lựa chọn đối với việc chuyển nhượng nên có thể dẫn đến việc người mua phải nỗ lực giành quyền được mua lại với chủ thương hiệu một cách vô hiệu.
Hợp đồng nhượng quyền còn có thể áp đặt một khoản phí chuyển nhượng, thường với tỷ lệ 5 – 10% giá bán. Tất nhiên, bạn phải gánh chịu khoản phí đó do vậy bạn nên xem xét nội dung này khi đàm phán giá cả. Ngoài ra, bạn cũng nên thương lượng lại mức phí chuyển nhượng, đặc biệt khi mua thương hiệu thường gặp rắc rối. Một người mua có tâm huyết có thể sẽ là mục tiêu của chủ thương hiệu, nên công ty nhượng quyền sẽ sẵn sàng giảm hoặc bỏ hoàn toàn khoản phí chuyển nhượng nhằm giúp bạn tiếp quản thương hiệu chưa đủ mạnh của họ !
Những rủi ro chính: là những nguy cơ tiềm ẩn từ quá trình kinh doanh của người mua trước. Chẳng ai muốn sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát trong kinh doanh vì những vấn đề này sẽ làm bạn tốn nhiều tiền bạc ngoài dự kiến. Những vấn đề này xuất phát từ những người cung cấp hàng bất mãn đến những nhân viên không trung thực hoặc trang thiết bị kém chất lượng, thường xẩy ra trong khu vực quản lý. Vậy nên, bạn hãy tính đến “những vấn đề ngoài ý muốn” khi dự kiến ngân sách đầu tư và lên kế hoạch giải quyết.