Gian nan chuyện cái tên

Ông bà khổ… Bố mẹ mệt… mà chưa biết con cháu có được sung sướng không!


Ông bà khổ…

Theo các nhà nghiên cứu xã hội học, có thể thông qua những cái tên được đặt nhiều trong một thời kỳ để biết được sự vận động, phát triển của một đất nước. Một thời xa xưa, người dân chỉ mong đủ ăn nên đặt tên con là Chiêm, là Mùa…

Rồi thời kỳ chiến tranh, khát vọng hòa bình của các bậc phụ huynh đã khiến cho nhiều đứa trẻ mang tên Chiến Thắng, Thống Nhất… Thời kỳ cuộc sống khó khăn, một khu phố thế nào chả có mấy đứa trẻ tên Phú, tên Quý. Bây giờ, cuộc sống ấm no, những mong muốn về học vấn, trí tuệ cũng được thể hiện qua những cái tên: Tuệ Nhi, Minh Chương…
 
Từ khi nghe cậu con trai thông báo rằng cô con dâu đã đi siêu âm, bác sỹ bảo thai nhi là con trai, ông bà Trung (phố Hoàng Văn Thái, Hà Nội) mừng hơn bắt được vàng. Hai ông bà suốt ngày thì thào bàn bạc, xem nên đặt tên cậu cháu đích tôn là gì.

Ông vốn thích đặt tên con cháu theo "dây", tên người đi sau phải nối tiếp ý nghĩa của tên người đi trước, nói tên lên là người ngoài biết đấy là bố con, anh em. "Thằng bố" nó tên là Thắng, ông Trung định đặt tên cho thằng cháu là Trận, vừa ý nghĩa, vừa là để kỷ niệm ông bạn chiến đấu cũ.

Cậu con trai khi nghe ông nói thì dãy nảy lên: "Tên gì mà nặng trình trịch! Bố nghĩ tên khác cho cháu đi…!" Nghe khẩu khí con trai kiên quyết quá, ông Trung đành đổi tên cháu thành Lợi…

 

Không được cháu trai năm Hợi như ông bà Trung, cô con gái đầu lòng của ông bà Duyệt (KTT Kim Liên, HN) thông báo 4 tháng nữa sẽ sinh một "cách cách". Con đầu cháu sớm, hai ông bà cuống quít cả lên. Ông Duyệt suốt ngày hết đọc sách chữ Nho, lại giở gia phả nội ngoại ra xem, mong đặt cho cháu gái một cái tên thật hay.

Danh sách những cái tên "trong tầm ngắm" đã ghi gần kín một trang vở, bây giờ là lúc chọn ra một cái tên ưng ý nhất. Vấn đề nan giải này được hai ông bà mang cả vào buổi họp tổ hưu. "Các ông các bà xem, nghĩ mãi mới được cái tên ưng ý, tôi định đặt cho cháu nó là Nguyệt Quyên," ông Duyệt kể. "Thế mà cái thằng con rể, nghĩ đến lại bực mình, nó bảo rằng: đánh vần xong được cái tên của cháu thì cũng hết bảng chữa cái! Ý nó chê tên dài, mà trúc trắc, các ông các bà ạ…" Ông bà Duyệt kể xong ngồi thở dài, còn các cụ trong tổ hưu thì gật gù với nhau: sao mà thời nay chúng nó lại cầu kỳ chuyện tên tuổi đến thế…

Bố mẹ mệt…

Thực ra cũng chả phải cầu kỳ, nhưng mà là cha mẹ ai chả mong những gì tốt đẹp nhất cho con. Huống chi bây giờ nhìn xung quanh, thấy đứa trẻ nào cũng có những cái tên vừa hay vừa kêu. Ngày xưa, các cụ chỉ cốt sao con dễ nuôi, chứ bây giờ tên con còn phải mang ước mơ của cha mẹ, kỳ vọng của đất nước, những thay đổi của thời thế… làm sao mà đơn giản, qua loa được.

Chị Tuyết (Pháo Đài Láng, HN) là một phóng viên. Từ thời con gái, chị đã thích đặt tên con là Linh. Khi mới biết chị mang thai, hai vợ chồng đã suốt ngày áp tay vào bụng mà trò chuyện với con "Linh ơi…Linh à…". Gần đến lúc sinh, hai vợ chồng mới tá hoả vì thông báo của ông bố chồng: "Không thể đặt tên con bé là Linh được! Trong họ nhà ta có một ông trẻ tên là Ninh, đặt tên con bé là Linh rồi sau này có ai… nói ngọng, gọi chệch nó là Ninh thì sao?!" Thuyết phục bố chồng mãi không được, chị Tuyết đành dở cười dở mếu đặt tên con là Minh…

Trong khi đó, anh Tiến, một nhạc công làm việc cho Công ty nghệ thuật biểu diễn HN, là một người rất tin vào tướng số. Năm nay, vợ anh Tiến sắp sinh một cô con gái. Vì là năm mệnh Thổ, anh vắt óc suy nghĩ một cái tên vừa hay vừa ứng với Ngũ hành cho con.

Nghe mấy cô bạn đồng nghiệp ở cơ quan mách rằng ở Thuỵ Khuê có một ông thầy bói chuyên "đặt tên thuê" hay lắm, 50.000đ cho mỗi cái tên mà cha mẹ chọn cho con, anh quyết định "nhờ giời" xem sao.

Ông thầy bói hỏi mùa sinh, tháng sinh một hồi, rồi khuyên anh nên đặt tên con là Vy. Hý hửng vì chọn được cái tên hay, anh đến khoe với khắp cơ quan. Ai ngờ, mấy chị bạn đồng nghiệp người nào người nấy thảng thốt kêu lên: "Ơ, sao lại thế nhỉ?!" Thì ra, với ai ông thầy bói này cũng khuyên đặt tên con gái là Vy hết, Tường Vy, Khánh Vy, Hà Vy, Diệu Vy… Mấy chị được cái tên ưng ý thì về giấu giếm, không kể cho bạn biết, thành thử đến bây giờ mới vỡ lẽ: cứ thấy nhà nào đặt tên con là Vy, thì chắc có đến 90% là do ông thày bói này "tư vấn"…

…Liệu con cháu sung sướng?

Cứ mấy năm lại có một năm là năm đẹp, nên chuyện đặt tên trùng nhau là… không thể tránh. "Nhưng chưa bao giờ mình thấy nhiều trẻ con được đặt tên là Anh nhiều như bây giờ", chị Mai Phương (giáo viên tiếng Anh, trường THCS Trần Nhân Tông, HN) phát biểu.

"Thời nay người ta mong muốn con cái mình được thông minh, đĩnh ngộ, tài hoa… cho nên ai cũng thích đặt tên con là Anh. Tôi đi dạy, đến lớp nào mở sổ điểm ra cũng thấy đến gần một nửa danh sách lớp là các học sinh tên Anh. Thôi thì đủ cả, Đức Anh, Minh Anh, Duy Anh, Tuệ Anh… Chả biết hiện tại và tương lai, lũ trẻ có thích cái tên của mình không, chứ bây giờ đứa thì bạn bè phải gọi bằng tên ở nhà, đứa thì phải kêu đủ cả họ cả tên thì mới thưa…".

Cũng vẫn là chuyện đặt tên con, một chuyên viên của Bộ Ngoại giao, chị Yến, khi trò chuyện với chúng tôi lại có một ý kiến hết sức bất ngờ. Theo chị, đừng nên để cho đứa con của mình gặp phải rắc rối với món quà đầu đời mà cha mẹ dành cho nó.

"Việt Nam bây giờ tiếp xúc với người nước ngoài nhiều, vì thế cố gắng đừng đặt cho con những cái tên mà khi phát âm bằng tiếng Anh, bỏ dấu, lại mang những ý nghĩa xấu". Khi sinh cô con gái đầu lòng, chị Yến chưa có "kinh nghiệm" nên đặt tên cho con là Loan, với mong muốn con được xinh đẹp, phú quý. Không ngờ sau này có người bạn Mỹ đến chơi, họ thắc mắc: "Hồi sinh con, cô đang mắc nợ nhiều lắm hay sao mà đặt tên con như thế?!" (Loan trong tiếng Anh có nghĩa là món nợ). Lại phải mất công giải nghĩa tiếng Hán, nghĩa tiếng Việt cho người bạn nước ngoài kia hiểu.

"Còn rất nhiều nhưng cái tên khi để ở tiếng Việt thì rất hay, như Dũng, Phúc… nhưng khi phát âm bằng tiếng Anh thì lại có nghĩa cực kỳ… tệ," chị Yến kết luận. "Một cái tên sẽ đi theo con suốt cuộc đời, nên nếu có cần cầu kỳ một chút, thì chắc chẳng người cha người mẹ nào tiếc công…".

Thông tin tham khảo

– Tên gọi phải có ngụ ý hay. Điều quan trọng nhất của việc đặt tên là chọn chữ nghĩa sao cho hay và lịch sự. Vì thế, phải căn cứ vào thẩm mỹ, chí hướng và sở thích (của cha mẹ và gia đình) để chọn chữ nghĩa.

– Âm vần của tên gọi phải hay, đẹp. Đặt tên là để người khác gọi, vì thế phải hay, kêu, tránh thô tục. Tiếp đến là tránh họ và tên cùng vần cùng chữ, để dễ gọi.

– Tên gọi phải có kiểu chữ đẹp, dễ viết, dễ tạo nên chữ ký đẹp, chân phương.

– Số lẻ là dương, số chẵn là âm. Vì thế, nên đặt (họ và) tên 3 chữ cho con trai, những (họ và) tên 4 chữ dành để đặt cho con gái thì thích hợp hơn.

– Để thuận tiện cho việc gọi tên, và cũng để tuân theo quy luật âm dương, tên và đệm nên tôn trọng luật bằng trắc. Nghĩa là nếu chữ đệm là vần bằng, thì tên nên là vần trắc, và ngược lại (ví du: Thục Anh, Nguyệt Thanh, Minh Khánh, Duy Nhật…). Nếu có thể, không nên dặt cả đệm và tên cùng vần trắc khi đọc lên dễ gợi cảm giác nặng nề, khó khăn (ví dụ: Nguyệt Diễm, Thục Bích, Bách Nhật…)

– Theo phong thuỷ Ngũ hành, khi viết dưới dạng chữ Hán thì bộ chữ của tên không nên khắc với bản mệnh của năm, ngược lại nên nương theo luật tương sinh mà chọn tên có bộ chữ ứng với bản mệnh của năm sinh. Ví dụ: năm 2006 và năm 2007 có bản mệnh là Ốc thượng thổ, thì trong tên của những đứa trẻ sinh vào năm này (khi viết dạng chữ Hán tự) không nên chứa bộ Thuỷ, bộ Mộc. Nhưng Nếu trong tên có chứa bộ Hoả, bộ Thổ thì rất tốt.

– Khi đặt tên không nên dùng những từ cầu lợi (như Kim Ngân, Phát Tài…), làm cho người khác có cảm giác đó là sự nghèo nàn về học vấn. Cũng không nên đặt những cái tên tuyệt đối quá, cực đoan quá (như Trạng Nguyên, Diễm Lệ, Bạch Tuyết…) sẽ tạo thành gánh nặng cả đời cho con.

 -Tránh những tên dễ bị chế giễu khi nói lái (Tiến Dũng, Tùng Quân, Đàm Nguyên Tú…).


Theo Tư Vấn Tiêu Dùng