Một lý do hạn chế sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay là do người tiêu dùng còn chưa đủ tin tưởng vào hình thức mua hàng trực tuyến. Hình thức này đã mang đến những rủi ro nhất định, như người mua không được trực tiếp kiểm tra sản phẩm khi mua hoặc đã thực hiện thanh toán mua hàng mà không nhận được sản phẩm.

Theo thống kê, có đến 98% các website tại Việt Nam không đảm bảo các yêu cầu về thông tin đẩy đủ. Sự thiếu thông tin khiến kho khách hàng lúng túng, và khi không tìm được câu trả lời thì khách hàng còn tiếp tục ngần ngại với mua hàng trực tuyến.

“Thấy trên nhiều trang web có bán những sản phẩm với mức giá hấp dẫn, mình cũng rất muốn mua, nhưng đọc thông tin mô tả sản phẩm thì không được rõ ràng. Nếu mua mà chẳng may không phải như ý mình muốn thì có khi lại tiền mất tật mang”. Đây là ý kiến của chị Thủy sau khi dạo qua vài trang web mua sắm.

Một website thành công về đăng tải thông tin khi làm cho quá trình tham khảo sản phẩm, lựa chọn và thực hiện mua bán của khách hàng thuận tiện, dễ dàng. Điều đầu tiên là thông tin mô tả sản phẩm phải chi tiết, có ảnh minh họa để khách hàng hình dung được sản phẩm và thấy đủ hấp dẫn để đặt mua. Khách hàng cũng cần biết giá sản phẩm và các loại phí kèm theo cho đến khi có thể sử dụng được sản phẩm.

Chính sách bán hàng trực tuyến rõ ràng củng cố thêm niềm tin cho khách hàng. website phải công bố rõ ràng các chính sách vận chuyển, thời gian giao hàng, thủ tục trả lại hàng hóa và hoàn tiền cũng như các điều khoản trừ tiền của khách hàng.

Ông Lê Huy Tường – Giám đốc công ty OnePAY cho biết: "Khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu kiến thức và kinh nghiệm về triển khai Thuơng mại điện tử . Các doanh nghiệp có thể tham khảo kinh nghiệm của các đơn vị đã thành công về Thuơng mại điện tử tại Việt Nam và các công nghệ đang được áp dụng trên thế giới hiện nay”.
Theo VnExpress