Vấn đề đặt ra ở đây cho các doanh nhân là tìm ra được sự liên kết để tạo sức mạnh cạnh tranh. Đó là sự liên kết để giữ uy tín cho sản phẩm của VN trên thị trường, sự thống nhất không cạnh tranh lẫn nhau để không xuất khẩu với giá quá thấp, liên kết để tạo nên chuỗi cửa hàng, hệ thống phân phối bán hàng quy mô, không cạnh tranh lẫn nhau để tạo uy tín và hình ảnh cho dòng sản phẩm Việt.
Đã có không ít DN sản xuất nội thất, dệt may và hàng thủ công mỹ nghệ của chúng ta do quy mô nhỏ đã phải từ chối vì không đáp ứng được những đơn hàng của các hãng bán lẻ lớn trên thế giới, và đã có rất nhiều hãng bán lẻ nổi tiếng thế giới đến VN để nhập khẩu hàng hóa là những mặt hàng có thế mạnh của VN nhưng không tìm được nhà cung ứng hàng đảm bảo số lượng và tiến độ cho họ. Để đáp ứng được những đơn hàng lớn đó, một phương án nhanh nhất cho các doanh nhân Việt là cùng liên kết lại để sản xuất và xuất khẩu.
Liên kết trong sản xuất công nghiệp: Việc liên kết của các doanh nhân, DN trong lĩnh vực công nghiệp là một trong những vấn đề rất quan trọng để các ngành công nghiệp có thể phát triển. Đa số các ngành công nghiệp của VN đang thua kém Trung Quốc rất nhiều vì chúng ta thiếu sự quy hoạch cho ngành công nghiệp phụ trợ. Các doanh nhân Việt đang thực sự đau đầu vì khi tính toán dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng, bài toán quá khó với họ là không tìm được nhà cung ứng thiết bị phụ trợ. Đó cũng chính là lý do chúng ta vẫn đang dừng lại nhiều ở việc sản xuất gia công, lắp ráp. Giải pháp cho chúng ta để giải quyết việc này là quy hoạch các khu công nghiệp theo ngành nghề với đầy đủ ngành công nghiệp phụ trợ để DN sản xuất nguyên liệu có khách hàng có thị trường để bán hàng, các DN sản xuất hàng hóa hoàn thiện có nơi mua phụ kiện với giá rẻ tạo sức mạnh chung và giảm giá thành sản phẩm.
Để làm được việc này, ngoài vai trò định hướng và quy hoạch của Nhà nước thì vai trò đầu tàu của các DN lớn rất quan trọng. Từ cam kết, sự hỗ trợ của các DN lớn chính là động lực để DN nhỏ đầu tư sản xuất phục vụ họ và điều này cũng làm cho họ (những DN lớn) có thể rảnh tay vào việc cải tiến sản phẩm, phát triển thị trường và kết quả là tạo nên được một khối liên kết bền vững và cùng nhau phát triển. Sự liên kết này là một trong những yếu tố rất quan trọng tạo nên sự thành công của các DN Nhật Bản.
Sẽ khó cho DN VN để làm ra một hãng ôtô cạnh tranh với Toyota nhưng với tiềm năng của một nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới chúng ta hoàn toàn có thể có một thương hiệu lớn như Nestle và một số hãng của Châu Âu. Với sự thông minh và chịu khó của người Việt, với sự ủng hộ của Nhà nước, sự liên kết của các DN chúng ta hoàn toàn có thể tự tin rằng chúng ta có thể tạo ra những thương hiệu Quốc tế trong ngành công nghiệp thực phẩm, nông sản, dịch vụ, điện tử, viễn thông,.. mà doanh số của một DN đó có thể bằng GDP của cả nước ta ngày hôm nay.
Chúng ta đang chạy đua cho mục tiêu đưa VN trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại và là một trong những nền kinh tế phát triển trên thế giới. Để đạt được mục tiêu đó chúng ta cần có mức thu nhập bình quân trên đầu người khoảng 25 đến 30 ngàn UDS so với mức trên 1 ngàn USD trên đầu người vào năm 2009 là một chặng đường không dễ và điều đó chắc chắn chỉ có thể thực hiện được khi VN có những Tập đoàn Kinh tế với những thương hiệu Quốc tế và những doanh nhân tỷ phú USD nằm trong danh sách xếp hạng hàng năm. Để đạt được mục tiêu này, đội ngũ doanh nhân cần được ghi nhận là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế và cùng liên kết thành một quân đội mạnh, tạo nên những Anh hùng, tạo nên sự thành công của công cuộc "cách mạng xây dựng Kinh tế của đất nước".