Thực tế cho thấy internet vẫn đang tạo ra vô số cơ hội phát triển kinh doanh cho những khu vực ít lợi thế có thể tham gia vào các giao dịch toàn cầu mà không cần phải bận tâm nhiều về chi phí…

Làm sao để có thể tận dụng internet mở rộng thị trường, tìm thêm cơ hội cho sản phẩm, dịch vụ của mình đã trở thành điều mà các doanh nhân, doanh nghiệp không thể không quan tâm.

Thương mại điện tử vì sao còn ì ạch ?
Dù nhận thức về thương mại điện tử (TMĐT) đã có nhiều chuyển biến tích cực và đã có một số website như: tienphong-vdc.com.vn, nynaflowers.com, goodsonlines.com,… thực hiện khá thành công khâu bán hàng qua mạng song ở Việt Nam vẫn chưa có TMĐT theo đúng nghĩa của khái niệm này…

Web TMĐT – ít cả về lượng lẫn sức hấp dẫn
Các số liệu thống kê về số trang web ở Việt Nam hiện nay chưa chính xác. Theo trang www.vietnamwebsite.net, tính đến tháng 6/2003, danh bạ website Việt Nam mà trang web này đã biên tập được là khoảng hơn 6.500 và con số này có thể còn lớn hơn thế. Tuy nhiên nếu phân loại theo ngành nghề thì chỉ có khoảng 3.400 website của doanh nghiệp. Trừ đi số doanh nghiệp có nhiều hơn một website và tính trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động (khoảng 70.000) thì có khoảng 5% doanh nghiệp có website trên mạng.

Còn nếu dùng công cụ tìm kiếm Google với từ khoá “giỏ hàng” – đặc trưng của các trang Web TMĐT – thì chỉ có thể tìm được 81 địa chỉ, bỏ những địa chỉ bị trùng lặp thì chỉ còn khoảng hơn 50 website được xây dựng theo mô hình TMĐTá. Khảo sát kỹ hơn các trang web trong số 50 website này thì chỉ có khoảng hơn 20 địa chỉ có khả năng thu hút khách hàng qua mạng, số còn lại gần như chỉ trưng bày sản phẩm, ít chịu cập nhật thông tin.

VCCI đã từng đầu tư xây dựng Sàn giao dịch thương mại điện tử trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam (www.vnemart.com.vn) nhằm tạo cầu nối trong giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài nhưng từ khi bắt đầu hoạt động (cuối tháng 4/2003), số doanh nghiệp tham gia VnEmart mới dừng ở con số 38, tổng số sản phẩm được giới thiệu là 2.132 mặt hàng. Mô tả hàng hoá trên VnEmart còn rất sơ sài, không thấy niêm yết giá cho các mặt hàng. Nhiều đường liên kết tới những trang như FAQ (câu hỏi thường gặp), Statistics (số liệu thống kê),… vẫn đang under construction (đang xây dựng). VnEmart cũng chưa chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng và trước mắt chưa phải “là nơi cung cấp đầy đủ thông tin nhất về doanh nghiệp, thị trường và sản phẩm cũng như cung cấp các công cụ xác thực để doanh nghiệp có thể tiến hành các thủ tục mua bán trực tuyến” như đã tuyên bố.

Mặc dù bán hàng hoá và dịch vụ qua mạng chỉ là một trong số những hoạt động của TMĐT và không phải các web TMĐT đều phải có hoạt động này song nhìn chung, các website Việt Nam hiện nay thường thiếu thông tin, thiếu cập nhật và chưa sẵn sàng cho TMĐT. Một trong những nguyên nhân vẫn được xem như lý do chính khiến các trang web TMĐT ở Việt Nam chưa phát huy hiệu quả là số người sử dụng internet còn quá thấp. Theo Trung tâm Internet Việt Nam (www.vnnic.net), đến tháng 7/2003, số lượng thuê bao Internet chỉ mới là 490.952, số người sử dụng là 2.004.607 và tỷ lệ sử dụng Internet chỉ có 2,51% dân số. Điều đó chưa cho phép hy vọng về sự thành công và phát triển của TMĐT trong tương lai gần.

Ông Lê Trung Nghĩa – Giám đốc Công ty cổ phần phần mềm, thương mại điện tử Nhất Vinh – nhận định: “TMĐT ở Việt Nam chưa thể gọi là e-commerce mà mới là e-trade, nghĩa là các doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức quảng cáo, tiếp thị, buôn bán hàng hoá và dịch vụ qua mạng, trong khi e-commerce thực chất phải bao gồm mọi hoạt động kinh tế giống như với thương mại truyền thống”. Hoạt động của các doanh nghiệp đang phát triển TMĐT hiện nay vẫn còn dè dặt và chưa thực hiện đủ một chu trình TMĐT. Theo ông Nghĩa, đó là vì còn thiếu những điều kiện cần như cơ sở pháp lý, hạ tầng bảo mật, thanh toán trực tuyến…

Cơ sở pháp lý – vẫn đang sọan
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng – Trưởng Ban CNTT và TMĐT, Bộ Thương mại (cơ quan chủ trì việc xây dựng Pháp lệnh TMĐT), dự thảo thứ 6 của Pháp lệnh sẽ hoàn thành trong tháng 9 và sẽ trình Chính phủ vào cuối năm nay. Nói cách khác, ít nhất cũng phải đến giữa năm 2004, Pháp lệnh TMĐT mới được ban hành vì Chính phủ còn phải trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét… Sau khi đã có Pháp lệnh, có lẽ sẽ tiếp tục phải chờ các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành.

Ông Nguyễn Vinh Quang – Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho rằng: Cùng với việc công nhận chứng từ điện tử, chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử,… Pháp lệnh TMĐT sẽ đảm bảo được tính hợp pháp và độ tin cậy của các giao dịch qua mạng và là điều kiện cần để bảo vệ các doanh nghiệp tránh được những rủi ro trên môi trường mạng vốn rất khó xác định danh tính của bất kỳ ai.

Chưa có Pháp lệnh TMĐT, nhiều web TMĐT không cam kết cũng chẳng yêu cầu khách hàng cam kết về trách nhiệm đối với đơn hàng đã đặt. Có những trang web trưng bày sản phẩm khá đẹp mắt nhưng không bán hàng bởi hứng thú của chủ doanh nghiệp đã “xẹp”. Sau khi vào trang www.duchuy.com.vn (của một doanh nghiệp chuyên về sản phẩm tre, nứa, sơn mài,…), chúng tôi thử khai báo đặt mua hàng nhưng đợi mãi vẫn không thấy có hồi đáp.

Với vai trò là Trưởng Ban soạn thảo Pháp lệnh TMĐT, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh nhận định: nếu căn cứ vào trình độ phát triển chung của hạ tầng cơ sở về công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông cũng như số lượng người kết nối Internet và số người sử dụng máy tính thì việc ứng dụng và phát triển TMĐT ở nước ta mới đang ở giai đoạn bước đầu. Thứ trưởng cũng thừa nhận, 3 vấn đề quan trọng nhất đối với TMĐT ở Việt Nam là chữ ký điện tử, thanh toán điện tử và vấn đề bảo mật, an toàn trong TMĐT. Nếu chúng ta xử lý được các vấn đề này thì việc giải quyết kiện tụng, tranh chấp hợp đồng… nếu có sẽ dễ dàng hơn.

Bán hàng qua mạng, thanh toán tại gia
Khâu thanh toán trực tuyến hiện cũng đang là bài toán khó giải với tất cả các website TMĐT Việt Nam. Có thể tìm thấy trên nhiều trang web bán hàng qua mạng dòng chữ: “Do đặc thù thanh toán tại Việt Nam nên chúng tôi chưa thể triển khai việc thanh toán qua mạng”, hoặc “Hàng sẽ được gửi đến Quý khách ngay khi chúng tôi nhận được thanh toán”. Vì chưa ai định chuẩn thanh toán cho các giao dịch trên mạng, nên các website TMĐT thường tự xác định phương thức thanh toán riêng, phù hợp với mình. Thủ tục thanh toán thường phải thêm nhiều bước: xác nhận lại đơn đặt hàng bằng fax, email, điện thoại, sau đó chờ khách hàng chuyển tiền qua Bưu điện rồi mới thực hiện giao hàng. Điều đó khiến bên mua ngại tới với TMĐT, còn bên bán thì không tin lắm vào lợi ích của việc bán hàng qua mạng.

Thanh toán trực tuyến đòi hỏi người bán phải có một tài khoản chấp nhận thanh toán thẻ tại ngân hàng nào đó (Merchant Account) và thuê một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ (Payment Gateway), còn người mua phải có thẻ tín dụng. Thế nhưng, do cả phía người bán và người mua (qua mạng internet) đều chưa sẵn sàng, việc sử dụng thẻ chưa thành thói quen trong thanh toán nên các nỗ lực khai thác internet đang dừng lại ở mức tiếp thị và quảng cáo cho thương mại truyền thống. Tại Việt Nam, chưa có ngân hàng hoặc tổ chức nào cung cấp dịch vụ merchant account mặc dù nhu cầu sử dụng dịch vụ này của các website Việt Nam đang tăng nhanh. Để khắc phục hạn chế này, các website Việt Nam chỉ có thể sử dụng dịch vụ của một số ngân hàng hoặc tổ chức nước ngoài dù rằng chi phí khá cao. Hoặc làm theo cách của chipchip.com hay bancanbiet.com: cho khách hàng tạo một tài khoản theo kiểu “trả tiền trước” ngay trên website, sau khi khách hàng nạp tiền vào tài khoản này, bên bán sẽ trừ dần tiền trong tài khoản ấy khi khách đăng ký mua hàng.