Trong lúc nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều công ty, xí nghiệp phải co hẹp sản xuất thì số lượng doanh nghiệp thành lập mới lại tăng vọt, không chỉ ở những đô thị lớn mà còn ở nhiều tỉnh miền núi, Tây nguyên.
Tại một số tỉnh, chỉ trong năm tháng đầu năm 2009, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã bằng cả một năm trước đó. Nhiều chuyên gia nhận định dù tình hình khó khăn nhưng rõ ràng trong bối cảnh mới đã ló dạng nhiều cơ hội làm ăn và lớp doanh nhân trẻ nhanh nhạy nắm bắt ngay.
Chọn khúc giữa
Nói về câu chuyện nắm bắt cơ hội kinh doanh của mình, Trần Thiên Trang – nữ giám đốc trẻ của một công ty bất động sản mới được thành lập ba tháng – hào hứng kể về một giao dịch trị giá tiền tỉ. Trong ba ngày, Công ty Houselink của Trang phải ráo riết tìm cho được một biệt thự gần trung tâm TP.HCM cho gia đình bốn người của một vị giám đốc người Canada thuê. Dù dữ liệu về nguồn nhà cho thuê có sẵn nhưng cũng phải khá vất vả Trang và đồng nghiệp mới chọn được mười căn phù hợp điều kiện của người thuê để khách tự lựa chọn.
Houselink do một nhóm bạn năm người ở lứa tuổi 8x thành lập, tất cả đều từng kinh qua trong lĩnh vực bất động sản nhiều năm. “Hiểu rõ nhu cầu của từng đối tượng khách hàng và hiểu rõ thế mạnh của mình, chúng tôi quyết định trước mắt chỉ hoạt động trong lĩnh vực môi giới cho thuê nhà ở cho người nước ngoài làm việc ở VN. Nhu cầu ở phân khúc này không hề nhỏ, trong khi các công ty lớn không để ý, còn khách hàng người nước ngoài thì không muốn giao dịch với những người môi giới trung gian là cá nhân, vừa không chuyên nghiệp, vừa tiềm ẩn rủi ro”, Trang nói đầy tự tin.
Cũng mở công ty trong lĩnh vực bất động sản, nhưng Skydoor của một nhóm bạn trẻ 8x lại nhắm đến việc đón đầu xu hướng các nhà bán lẻ nước ngoài đổ bộ vào VN. Giám đốc tiếp thị Công ty Skydoor Bùi Nguyễn Huyền Trang chia sẻ: “Từ năm ngoái đến nay, dù một số lĩnh vực kinh doanh khác trì trệ nhưng ở TP.HCM các cửa hàng thời trang, thức ăn nhanh, nhà hàng, quán cà phê… vẫn mọc lên như nấm. Nhiệm vụ săn tìm mặt bằng cho thuê bán lẻ của các công ty môi giới bất động sản là làm không kịp thở”. Do đó Trang và các bạn quyết trở thành công ty chuyên nghiệp trong việc “mai mối” và “kết hôn” cho các nhà bán lẻ và chủ mặt bằng cho thuê.
Cũng vừa thành lập doanh nghiệp mới trong lĩnh vực vận tải, Võ Thanh Quyền, giám đốc Công ty thương mại dịch vụ vận tải quốc tế Việt Đức (Gò Vấp), chia sẻ: “Trước đây có khó khăn do lượng hàng hóa giảm, nhưng từ tháng 6 đã có dấu hiệu hồi phục. Chúng tôi tin tình hình sẽ tốt lên trong thời gian tới vì nhu cầu trong lĩnh vực này còn lớn”. Quyền cũng thuộc số doanh nhân trẻ muốn tận dụng bối cảnh đầu tư với chi phí thấp ở thời điểm hiện tại nên đã mạnh dạn đầu tư 200 chiếc xe tải chở hàng Bắc – Nam.
Nhờ kích cầu
Theo thống kê của sở kế hoạch và đầu tư một số tỉnh, thành phố, sáu tháng đầu năm số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng mạnh. Tìm kiếm trên trang web của Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM sẽ thấy số doanh nghiệp thành lập mới trong sáu tháng qua trên 13.500. Lĩnh vực hoạt động rất đa dạng, phong phú nhưng nhiều nhất vẫn là các ngành dịch vụ, bất động sản, công nghệ thông tin…
Có những doanh nghiệp thành lập với số vốn đăng ký 100 tỉ đồng, nhưng cũng có doanh nghiệp chỉ 10 triệu đồng. Đại diện một công ty nhỏ trên đường Phan Sào Nam (Q.Tân Bình, TP.HCM) giải thích: “Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực dạy kèm và nhận “vai phụ” trong một số hoạt động quảng cáo, nghiên cứu thị trường nên chi phí không nhiều. Nhân viên chỉ có hai người, vừa giám đốc vừa là nhân viên, còn lại chủ yếu là cộng tác viên hưởng lương theo từng dự án, vụ việc”.
Thống kê của sở kế hoạch – đầu tư các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kontum và Lâm Đồng cho thấy lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng đột biến. Số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở Lâm Đồng trong sáu tháng bằng cả năm 2007, Đắc Lắc bằng 2/3 năm 2008, Gia Lai những năm trước số doanh nghiệp ra đời mỗi năm chỉ vài chục thì sáu tháng đầu năm nay đã gần 200, Kontum cũng tương tự… Ông Đăng Xuân Hà, trưởng phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch – đầu tư tỉnh Đắc Lắc, nhận định: “Số lượng doanh nghiệp mới ra đời trùng khớp với thời điểm chúng tôi triển khai chương trình kích cầu và qua tìm hiểu, những doanh nghiệp đến đăng ký cũng cho biết họ muốn tận dụng chương trình cho vay lãi suất ưu đãi của Chính phủ”.
Tương tự, sở kế hoạch – đầu tư các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Kontum cũng đưa ra cùng nhận định bằng dẫn chứng hàng loạt công ty TNHH “lên đời” từ hộ kinh doanh cá thể hoặc cơ sở kinh doanh nhỏ. “Các công ty TNHH mới ra đời chủ yếu kinh doanh trong ngành chế biến nông sản, buôn bán phân bón và máy móc, công cụ phục vụ ngành nông nghiệp trên địa bàn”, phó phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch – đầu tư tỉnh Kontum cho biết.
40.000: Đó là số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên cả nước trong sáu tháng đầu năm 2009, tăng 14% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số vốn đăng ký mới trong sáu tháng đầu năm không nhiều, chỉ đạt 170.000 tỉ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ, trong đó TP.HCM giảm mạnh nhất, đến 50%.
Không thấy cơ hội làm ăn mới lạ
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhận định: “Với một nền kinh tế đang phát triển như VN thì doanh nhân nào không nhìn ra cơ hội làm ăn mới lạ. Thời điểm kinh tế khó khăn vừa qua tôi biết có khá nhiều bạn trẻ là nhân viên có năng lực trong một số công ty đa quốc gia bị sa thải hoặc tự nghỉ việc ra ngoài lập công ty tìm cơ hội”.
Ông Cung cũng cho rằng các nhận xét về việc các công ty mới ra đời ở các tỉnh miền núi, Tây nguyên để tận dụng chương trình kích cầu của Chính phủ là hợp lý. Bởi lẽ việc vay với lãi suất ưu đãi, hộ kinh doanh cá thể hay cơ sở nhỏ sẽ không có lợi thế bằng mô hình công ty.