Phỏng vấn tiến sỹ Ngô Anh Tuấn, trưởng khoa In và Truyền thông
Khoa In và Truyền thông của Trường ĐH SPKT TP.HCM là tên mới của Khoa Kỹ Thuật In, thành lập từ ngày 17/11/1987. Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Khoa đã có nhiều chuyển biến to lớn và đã đạt nhiều thành tích. Nhưng có một thực tế là lượng người biết đến ngành In chưa nhiều. Để hiểu hơn về những hoạt động của Khoa trong những năm gần đây cũng như định hướng phát triển trong những năm tới, Cộng tác viên (CTV) phòng CTHSSV đã có cuộc trò chuyện với tiến sỹ Ngô Anh Tuấn – Trưởng Khoa In và Truyền Thông.
CTV: Thưa Thầy, Thầy có nhận xét gì về nguồn nhân lực của ngành In và nguồn nhân lực này có đáp ứng được nhu cầu xã hội hiện nay không ạ?
TS. Ngô Anh Tuấn: Ngành in là một trong bảy ngành phát triển nhanh nhất hiện nay, tốc độ tăng
TS. Ngô Anh Tuấn – Trưởng khoa In và Truyền thông. |
trưởng trung bình hàng năm là 15 %. Trong năm 2007 ngành In với khoảng 40.000 lao động đã đóng góp khoảng 1% GDP của Việt Nam. Với lượng nhân lực như thế thì đây là sự đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Theo thống kê, mỗi năm nước ta cần khoảng 2.800 lao động trong ngành In để thay thế cho những người đến tuổi về hưu và chuyển đổi công tác (thế lao động tự nhiên) chưa kể đến số lượng các doanh nghiệp phát triển theo. Như vậy, nhu cầu nhân lực ngành In là rất lớn nhưng nguồn nhân lực đáp ứng rất ít. Trường ĐH SPKT TPHCM được coi là đơn vị đào tạo hàng đầu của nước ta hiện nay về ngành In. Mỗi năm, có khoảng 80-100 kỹ sư công nghệ in tốt nghiệp trường ĐHSPKT TPHCM, 20 kỹ sư tốt nghiệp từ trường ĐH Bách khoa Hà nội và khoảng 1.000 Công nhân tốt nghiệp từ các trường TH kỹ thuật thực hành, Cao đẳng công nghiệp In Hà Nội và trường Trung cấp nghề In TPHCM. Rõ ràng là lượng nhân lực đào tạo ra hiện nay là quá ít và có nâng công suất đào tạo lên gấp đôi cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu của XH.
Có vẻ như Khoa In và Truyền thông ít có những hoạt động nổi trội so với những Khoa khác trong trường, Thầy có nghĩ đến việc làm cho Khoa trở nên nổi bật không?
– Chủ trương của Khoa là làm chứ không nói, Khoa chỉ chú trọng đến hiệu quả công việc. Trong đó việc tiếp cận với các Doanh nghiệp là việc quan trọng hàng đầu. Khoa In và Truyền thông có những lợi thế là được các doanh nghiệp tin cậy nên các hoạt động của Khoa luôn được sự hỗ trợ rất lớn từ Doanh nghiệp, Khoa luôn sát cánh bên các doanh nghiệp khi có sự cố phát sinh trong quá trình sản xuất. Khoa còn nhận giúp cho các xí nghiệp nâng cấp tay nghề công nhân. Năm rồi Khoa đã tổ chức 3 Khóa bồi dưỡng cho các 102 giám đốc công ty in về năng lực quản lý, nhận huấn luyện tay nghề, nâng bậc thợ cho 1100 công nhân từ Quảng Trị đến Cà Mau. Hoạt động của Khoa luôn gắn chặt với sản xuất và doanh nghiệp.
Như vậy, SV Khoa In và Truyền thông sau khi tốt nghiệp có những lợi thế gì ạ?
– SV trong quá trình học tập được tiếp cận với các máy móc hiện đại, công nghệ cao do được đi tham quan thực tế, đi thực tập ở các Doanh nghiệp rất nhiều. Việc cho SV đi thực tập cũng rất thuận lợi do các Doanh nghiệp cũng muốn nhân cơ hội này tuyển người. Khoa và doanh nghiệp đã lập ra Quỹ Đào tạo từ doanh nghiệp để hỗ trợ cho các hoạt động của SV.
Hiện nay nhân lực ngành In là cung không đủ cầu, SV chưa ra trường đã có việc làm. Do thiếu người nên trong quá trình thực tập, các Doanh nghiệp đã có ý muốn SV sau khi thực tập sẽ ở lại làm cho Doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp. Do đó SV có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.
SV ngành In tại một buổi học thực hành. |
Trong quá trình hội nhập hiện nay, Khoa đã có những việc làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo ngành In?
– Trong những năm gần đây, Khoa In và Truyền thông đã có những việc làm thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo:
Một là, trong 2 năm qua, Khoa đã tranh thủ sự đầu tư của nhà trường để mua trang thiết bị công nghệ cao phục vụ cho SV thực tập.
Hai là, Khoa được Bộ Thông tin- Truyền thông tín nhiệm giao cho soạn thảo Bộ tiêu Chuẩn cấp bậc thợ ngành In. Đây được xem như sự công nhận của XH đối với năng lực của Khoa.
Ba là, Khoa đã chủ động tiếp cận kí hợp đồng ghi nhớ với các Doanh nghiệp trong việc đào tạo, cung cấp người cho họ.
Bốn là, với các thay đổi trong công tác đào tạo và hợp tác hiện nay, SV có thể tự tin khi tiếp cận với các Doanh nghiệp.
Một lợi thế rất lớn là Khoa là Ban chủ nhiệm Khoa hiện nay tham gia điều hành các hoạt động quan trọng của hiệp hội In và Ngành In Việt nam do vậy uy tín của khoa với các doanh nghiệp in trong và ngoài nước ngày càng nâng cao
Hơn thế nữa, việc tồn tại gắn chặt với Doanh nghiệp thực sự đem lại hiệu quả trong hoạt động của Khoa. Cơ cấu tổ chức của Khoa gọn, nhẹ: 12 Giáo viên và 600 SV nên có sự thay đổi, chuyển biến nhanh, đáp ứng được yêu cầu thực tế. Kế hoạch phát triển của Khoa cũng không nằm ngoài sự phát triển tổng thể của nhà trường nhưng luôn mang tính sáng tạo và linh hoạt cao.
Chương trình đào tạo của ngành In có thể nói là khá nhẹ, vậy trong thời gian tới có sự thay đổi nào nữa không thưa Thầy?
– Chương trình đào tạo đã có sự thay đổi nhanh chóng. Cách đây 1 năm, Khoa đã chính thức giảng dạy bằng nguồn tài liệu đào tạo được viện trợ từ nước ngoài. Đó là một trong những thỏa thuận hợp tác đào tạo với Viện nghiên cứu In của Cộng hòa Liên bang Đức. Cách đây 2 năm, Khoa đã có chủ trương chọn lọc nguốn tài liệu bên ngoài để giàng dạy, không tổ chức biên soạn giáo trình. Khoa còn có kế hoạch mua luôn bộ công cụ đào tạo của các trường đại học Mỹ vì nó có tính chuẩn hóa cao.
Chương trình đào tạo của Khoa sẽ được làm cho ngày càng nhẹ hơn, Khoa không bắt SV học nhiều. Bởi vì chương trình của Khoa gắn liền với thực tế sản xuất nên Khoa thấy được những điều cần thiết và linh hoạt bỏ những nội dung không cần thiết. Trong tương lai, Khoa sẽ tập trung cho SV thực tập bên ngoài, làm những bài tập lớn, làm các đồ án môn học, thay đổi các môn học theo hướng gắn với chuyên ngành. Ví dụ như môn điều khiển tự động sẽ đưa về điều khiển tự động trong ngành In, những môn chung như Hóa sẽ đưa về Hóa màu, Hóa keo…
Trong tương lai gần, khoa dự định sẽ mở thêm 2 ngành mới là Kỹ thuật Bao bì và Mỹ thuật ứng dụng.
Thầy có lời khuyên nào cho SV chúng em trong quá trình học tập không ạ?
– Theo cảm nhận của thầy thì nhiều SV hiện nay không coi trọng việc học trong nhà trường. Mọi sinh hoạt, phong trào học thuật còn quá hình thức, chưa gắn với sự đam mê và nguyện vọng của người học. Ngày nào SV còn còn giữ quan điểm học cho xong, học cho có cái bằng thì cho dù nhà trường và GV có cố gắng đến mấy cũng như không. Nếu SV muốn có cơ hội trong nghề nghiệp thì phải học làm sao để có kiến thức thực sự vì kiến thức chính là mức lương, là sự thăng tiến trong xã hội của các em sau này.
– Xin cám ơn tiến sỹ Ngô Anh Tuấn!
(Khánh An thực hiện)