Khan giấy, nhiều nhà in chạy cầm hơi

Khan giấy, nhiều nhà in chạy cầm hơiNhà cung cấp ngưng xuất khẩu giấy vào Việt Nam, trong khi sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu. Từ tháng 3 đến giữa tháng 4-2008, thị trường giấy in báo trong nước trở nên rất khan hiếm, nhiều nhà in phải sản xuất cầm chừng, hoặc chấp nhận lỗ do phải mua giấy trôi nổi với giá cao hơn khoảng 1,5-2 triệu đồng/tấn so với giấy của các nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, đến cuối tháng 4, nhiều đầu mối giấy in trôi nổi cũng hết sạch hàng.

 

Các công ty  in ấn “chạy ăn từng bữa”

Theo ông Nguyễn Quỳnh Thắng, Giám đốc Nhà in Báo Nhân Dân, tư tháng 3 đến giữa tháng 4, tình trạng khan hiếm giấy in báo trở nên trầm trọng. 

Ông Thắng cho biết thêm từ 16-4 đến nay, tình hình cung cấp giấy có vẻ đỡ căng thẳng hơn nhưng các nhà cung cấp lại đồng loạt tăng giá (từ 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tấn).

Nhà in Quân đội nhân dân là một trong những đơn vị được ưu tiên cung ứng giấy in báo. Tuy nhiên, trong tình thế căng thẳng vừa qua, nhà in này cũng chỉ được Công ty giấy Tân Mai cung ứng khoảng 75% lượng giấy so với trước. 

Giá nguyên, nhiên liệu tăng, nhà cung cấp “ém” hàng

Theo một lãnh đạo Nhà in Báo Hà Nội Mới, dù nhu cầu sản xuất báo in trong nước không tăng nhưng thị trường giấy in trở nên hết sức căng thẳng do Công ty giấy Tân Mai chỉ cung cấp cho thị trường khoảng 70% (dù đã sản xuất hết công suất), 30% còn lại phụ thuộc vào nguồn giấy nhập khẩu.

Khan giấy, nhiều nhà in chạy cầm hơi

Tuy nhiên, từ đầu tháng 3, các đối tác chính (trong đó có hai nước Philippines và Indonesia) đã không chào giá. Các đề nghị báo giá không nhận được trả lời từ phía nhà cung cấp khiến cho nhiều đơn vị cho rằng đối tác nước ngoài bắt tay nhau “ém” hàng nhằm nâng giá.

Ông Võ Sỹ Dởng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, cho biết các nước ngưng cung cấp giấy do nguyên liệu đầu vào tăng theo xu thế tăng giá chung của thế giới, trong đó có năng lượng.
 
Nguyên liệu tăng cũng khiến cho một số nhà máy sản xuất giấy ASEAN ngưng sản xuất, dẫn đến tình trạng khan hiếm giấy.

Cũng theo ông Dởng, một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng khan hiếm này là do giá cước vận tải tăng, việc vận chuyển giấy từ phía nam ra bắc không kịp.

Ông Dởng cho biết thêm một số nhà máy đã sản xuất hết công suất, vượt 10%-20% nhưng vẫn không đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước. Do các nhà sản xuất phải nhập nguyên liệu đầu vào (bột giấy, dầu, năng lượng…) nên giá giấy càng bị đẩy lên cao.

(Theo CATPHCM)