Trong công văn gửi đến 8 website gồm: miu.vn, nhac.vui.vn, socbay.com, yeuamnhac.com, inghe.vn, pops.vn, nhaccuatui.com, mp3.zing.vn, Công ty FPT Online cho rằng các trang này đã sử dụng số lượng lớn bản ghi âm, ghi hình mà nhacso.net đã được đối tác ủy thác độc quyền để kinh doanh trên Internet.
Cơ sở dữ liệu của nhacso.net hiện có khoảng 20 nghìn bản ghi. Đơn vị này khẳng định đối tác kinh doanh nhạc trực tuyến duy nhất hiện nay là Yahoo! Việt Nam. Ảnh chụp màn hình. |
Công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) khẳng định đang là đối tác duy nhất có được sự ủy thác của hầu hết các hãng băng đĩa như Viết Tân, Saigon Vafaco, Thế giới giải trí, Hãng phim Trẻ, Lạc Hồng, Trùng Dương, Quang Cường, Tuấn Nguyễn, Tuấn Trinh, Golden fish… Và ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này chỉ mới cấp phép cho duy nhất Công ty Yahoo! Việt Nam quyền sử dụng các bản ghi trên môi trường Internet.
"Với những bản ghi thuộc sở hữu các hãng đĩa đã ký kết với chúng tôi như vậy thì ngay cả Hiệp hội công nghiệp ghi âm RIAV cũng không có quyền cấp phép. Vì thế, nếu đơn vị nào sử dụng chúng là vi phạm quyền liên quan của các hãng băng đĩa và gián tiếp ảnh hưởng đến việc kinh doanh của chúng tôi", bà Lê Thị Tú, phụ trách vấn đề bản quyền Trung tâm âm nhạc trực tuyến của FPT Online, nói. "Chúng tôi đã yêu cầu 8 website nói trên cung cấp danh sách các bản ghi đã sử dụng trên trang mà chưa được phép tính từ ngày 1/1/2008 để đưa ra cho họ biểu giá về phí bản quyền liên quan".
Chủ sở hữu của nhacso.net cũng khẳng định đã đề nghị làm việc với các bên để thỏa thuận cấp phép. Trường hợp không có phản hồi, đơn vị này sẽ cùng các đối tác tiến hành các thủ tục tố tụng.
Ông Phạm Long Minh, Chánh văn phòng RIAV, cho biết đã nhận được công văn của FPT Online gửi chiều 8/7. "Chúng tôi không có bất kỳ bình luận nào về việc này", ông Minh nói.
Trong "sân chơi âm nhạc" ở Việt Nam, vấn đề tác quyền đang nóng bỏng và có quá nhiều rắc rối nảy sinh vì vô số nguyên nhân như: Hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, các bên trong cuộc thiếu kinh nghiệm cũng như hiểu biết về Luật sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả âm nhạc nói riêng.
Trong khi đó, bản thân những tổ chức, Hiệp hội đại diện cho tác giả hoặc chủ sở hữu sản phẩm âm nhạc lại chưa tìm được tiếng nói chung… để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác thực thi trách nhiệm về sở hữu trí tuệ. Trong bối cảnh "rối như cạnh hẹ", mạnh ai nấy làm như hiện nay, có lẽ mâu thuẫn sẽ không chỉ nảy sinh ở một nơi hay chỉ liên quan đến một vài đơn vị. Khi Việt Nam gia nhập WTO, luật chơi về sở hữu trí tuệ sẽ không chấp nhận những manh mún, nửa vời mà đòi hỏi sự thấu hiểu chuyên môn sâu sắc cũng như cách thực hiện chuyên nghiệp của các bên liên quan.
Nguyễn Anh
Trích từ VnExpress