Kỷ niệm 20 năm khoa in và truyền thông

Kỷ niệm 20 năm khoa in và truyền thôngSự hình thành và phát triển của Khoa In và Truyền Thông ĐHSPKT TP HCM: Vào năm  1976, trước sự thiếu hụt trầm trọng đội ngũ cán bộ kỹ thuật ngành In của miền Nam, thầy Huỳnh Trà Ngộ, hiệu phó trường trung học Kỹ thuật in– Bộ VHTT đã được cử làm phân hiệu trưởng của trường trung học KT In ở phía Nam. Đầu tiên phân hiệu đã mở 3 khóa đào tạo công nhân tại số 165 Trần Hưng Đạo và lầu 8 khách sạn President, các lớp bồi dưỡng các cán bộ thống kê và kế hoạch cho ngành in, các lớp cán bộ quản lí ngành in cho các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào. Năm 1997, qua sự giới thiệu của Thầy Nguyễn Minh Thành- vụ phó vụ trung học chuyên nghiệp – bộ đại học và trung học chuyên nghiệp, Thầy Huỳnh Trà Ngộ đã gặp Thầy Trương Ngọc Thục là hiệu phó trường Trung học kỹ thuật công nghiệp Thủ Đức, là người cũng mong muốn mở ngành in tại trường. Chính Thầy Trương Ngọc Thục và Thầy Huỳnh Trà Ngộ đã ra cục xuất bản bộ VHTT để xin giấy phép mở xưởng in và gặp ông Mười Xuân lúc bấy giờ là tổng giám đốc liên hiệp các xí nghiệp in để xin máy in cải tạo công thương nghiệp về đặt ở xưởng trường. Trải qua rất nhiều khó khăn vất vả từ năm 1977 trường đã mở 2 khóa đào tạo công nhân in Typo. Vào thời điểm này, nhà trường được tăng cường nhiều GV từ miền Bắc trong đó có các Thầy Huỳnh Trà Ngộ, Nguyễn Văn Vi, Cô Tiểu Lan, Thầy Đỗ Xuân Bắc, Thầy Nguyễn Văn Hùng…

Vào năm 1987 Ông Phạm Quang Hưng- tổng Giám đốc Liksin đã lập ban đào tạo Liksin do Cô Nguyễn Mộng Hà làm trưởng ban và cô Huỳnh Thu Cúc làm phó ban để phát triển nguồn nhân lực cho Liksin. Cũng trong năm này ông Phạm Quang Hưng và cố GSTS Nguyễn Ngọc Cẩn đã kí văn bản hợp tác đào tạo khóa kỹ sư  IN đầu tiên. Để hỗ trợ cho đào tạo, ngoài xưởng in Typo có sẵn, Liksin đã đưa về trường một số thiết bị như máy chụp quang cơ, máy phơi bản máy mài bản. Trong thời gian đầu, PGS Nguyễn Văn Lẫm- nguyên trưởng phòng đào tạo trường ĐHSPKT TPHCM kiêm nhiệm trưởng khoa Kỹ thuật In- đây cũng chính là vị trưởng khoa đầu tiên của Khoa In và TT, 6 tháng sau đó Thầy Nguyễn Văn Quyền được cử về làm trưởng Khoa kỹ thuật In. Trong những buổi ban đầu, Khoa in và TT có Cô Nguyễn Thị Chung Ly làm phó Khoa, sau đó là cô Huỳnh Thị Thu Hằng, Thầy Ngô Sỹ Quang làm trợ lý và Cô Lương Thị Chung làm thư ký Khoa. Các Thầy Cô tham gia đào tạo lúc đầu tiên là những kỹ sư có tâm huyết với ngành như Thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Thầy Nguyễn Nam Điện, Cô Lê Anh Thư, Thầy Đỗ Văn Lai, Thầy Nguyễn Hoàn, Thầy Nguyễn Phúc Châu, Thầy Đỗ văn Bảo, Cô Huỳnh Thị Thu Hằng, Cô Bích Phượng, Cô Ngô Thị Thùy Hương, cô Nguyễn Thị Chung Ly, Cô Nguyễn Mộng Hà, Cô Huỳnh Thu Cúc, Cô Ngọc, Thầy Phùng Văn Bộ, Thầy Thiện…

Sinh viên ngành in đang thực tập trên máy in

Sinh viên ngành in đang thực tập trên máy in

Đến năm 1989, do tình hình Liksin có nhiều khó khăn nên không thể tiếp tục hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các khóa học nữa, vì vậy nhà trường cũng chỉ tuyển sinh 2 khóa 87 và 88 thì dừng lại, cố GSTS Nguyễn Ngọc Cẩn và Thầy Nguyễn Văn Quyền đã phải rất khó khăn vất vả để lo cho 2 lớp đầu tiên này. Đến năm 1992 do nhu cầu của xã hội nhà trường tiếp tục tuyển sinh liên tục cho đến nay. Trong năm 1999 Liksin thành lập trung tâm nghiên cứu và đào tạo Liksin do các Cô Huỳnh Kim Yến, Thầy Viễn và Thầy Nguyễn Phúc Châu lần lượt làm giám đốc trung tâm, trong giai đoạn này Thầy Nguyễn Phúc Châu kiêm nhiệm phó trưởng Khoa Kỹ thuật In, trung tâm nghiên cứu và đào tạo Liksin đã có nhiều hỗ trợ cho các khóa học 87 và 88 Kỹ thuật In

Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, Khoa In và truyền thông đã có những lúc tưởng chừng không thể tiếp tục đào tạo do thiếu Giáo viên cơ hữu và gần như không có trang thiết bị cho thực tập, đã có những lúc TS. Trần Thành Long- nguyên hiệu trưởng trường đại học SPKT TPHCM đã phải triệu tập một cuộc họp để xem xét việc có nên tiếp tục duy trì khoa In hay không? Rất may là với sự tâm huyết của BGH nhà trường, Thầy Nguyễn Văn Quyền và các thầy cô thỉnh giảng mà Khoa In vẫn tiếp tục tồn tại.

Đến năm 1994, Khoa In được tăng cường một số cán bộ như Thầy Nguyễn Thái Dũng, Cô Trần Thanh Hà và sau này lần lượt là các Thầy Nguyễn Long Giang, Nguyễn Ngân, Ngô Anh Tuấn. Đến năm 2000 Thầy Ngô Anh Tuấn được đề cử làm Phó trưởng Khoa In, sau đó Khoa In đã được tăng cường các GV Lê Công Danh, Chế quốc Long, Nguyễn Thị Lại Giang, Chế Thị Kiều Nhi, Phạm Hồ Mai Anh.

Trong giai đoạn 2000-2005, Khoa In đã có những khởi sắc do nhu cầu về nguồn nhân lực ngành in ngày càng cao nhưng cũng gặp không ít khó khăn do điều kiện thực tập không đáp ứng được nội dung chương trình đào tạo đặt ra. Trong giai đoạn này, Khoa In nhận được một sự hỗ trợ đầy tình nghĩa và thiết thực, đó là máy in offset 1 màu của công ty Cửu Long- nhà đại diện cho hãng sản xuât máy in Komori tại VN thông qua sự giới thiệu của ông Phạm Văn Hải- giám đốc công ty xuất nhập khẩu ngành in TPHCM-Primexco.

Vào năm 2005, Thầy Ngô Anh Tuấn được bầu làm trưởng Khoa In, Thầy Nguyễn Văn Quyền vẫn tiếp tục gắn bó với Khoa In trên cương vị phó trưởng Khoa. Trong giai đoạn này Khoa In đã tiếp nhận thêm các GV Cao Xuân Vũ và Nguyễn Thị Mỹ Dung. Theo kế hoạch chiến lược của mình Khoa in bắt đầu phát triển theo hướng tiếp cận với nhu cầu của doanh nghiệp, từng bước chủ động tranh thủ sự hỗ trợ của BGH để trang bị đủ các thiết bị cơ bản nhất cho thực tập, rà soát lại nội dung, chương trình đào tạo theo hướng phát triển của nhà trường. Vào năm 2006, Khoa Khoa in và TT chính thức đổi tên thành Khoa In và truyền thông, đây là một bước phát triển mở ra những ngành học mới phù hợp với nhu cầu phát triển ngành in và truyền thông của nước ta và các nước trên thế giới.

Từ buổi đầu là một mô hình đào tạo kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và các cơ sở in trên địa bàn TP. HCM. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho khoa đào tạo được một đội ngũ nhân lực cao, được xã hội đặc biệt tín nhiệm. Ngoài phần thực tập cơ bản và rèn luyện kỹ năng tại xưởng trường, trong thời gian thực tập chuyên ngành và sản xuất các sinh viên sẽ được cử đi thực tập tại các nhà máy in lớn và hiện đại trong thành phố như Liksin, Trần Phú, Primexco, Itaxa, In Quân đội… Tại đó, sinh viên có cơ hội tiếp cận, làm quen với các công đoạn chế bản, các chủng loại máy in, quá trình thành phẩm đa dạng, hiện đại và học hỏi cách tổ chức sản xuất thực tế tại các nhà máy in. Hơn nữa, các sinh viên còn được một đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các kỹ sư, chuyên gia nhiệt tình, giàu kinh nghiệm, làm việc lâu năm tại các cơ sở in cùng với lực lượng giảng viên cơ hữu trẻ, tận tâm của khoa giảng dạy.

Sinh viên khoa In và Truyền thông, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM đang tìm hiểu các sản phẩm in ấn

Sinh viên khoa In và Truyền thông, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM đang tìm hiểu các sản phẩm in ấn

Khoa Khoa in và TT của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM hiện là một trong hai đơn vị đào tạo chuyên ngành in ở bậc đại học tại Việt Nam. Trong 20 năm qua, khoa đã cung cấp cho ngành in cả nước trên 800 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học; đào tạo và bồi dưỡng hàng ngàn kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật chuyên ngành in…

Nhận thức được tình hình đào tạo và bồi dưỡng công nhân hiện nay cho ngành in chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế, khoa Khoa in và TT trường ĐH SPKT TPHCM đã phối hợp với Cục Xuất bản – Bộ Văn hóa Thông tin và các chuyên gia hàng đầu của ngành in Việt Nam tiến hành soạn thảo bộ tiêu chuẩn cấp bậc thợ quốc gia. Dự định,  bộ tiêu chuẩn này sẽ được ban hành vào năm nay. Đây là cơ sở để các đơn vị đào tạo xây dựng chương trình đào tạo cho các công nhân và cán bộ kỹ thuật chuyên ngành in. Là một trong những đối tác chính để biên soạn bộ tiêu chuẩn này, khoa Khoa in và TT đã tìm hiểu tình hình đào tạo công nhân Khoa in và TT thực tế hiện nay so  với các yêu cầu của các đơn vị để xây dựng một chương trình đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ KTV chuyên ngành in có chất lượng.

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho ngành in nước ta trong giai đoạn hiện nay, khoa Khoa in và TT đã liên tục đổi mới chương trình đào tạo, mời các chuyên gia nước ngoài đến để trao đổi và đóng góp ý kiến, đã cử các Giảng viên đi tu nghiệp ở CHLB Đức và các nước trong khu vực, đầu tư phòng thí nghiệm chuyên ngành in và mua sắm thêm thiết bị hiện đại. Trong giai đoạn 2005-2010, được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, với sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất, khoa Khoa in và TT đã và đang chú trọng đến chiến lược đào tạo liên thông giữa các bậc đại học, cao đẳng, trung cấp và công nhân kỹ thuật chất lượng cao. Khoa sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các trường đào tạo Công nghệ in và Viện nghiên cứu in nước ngoài để đổi mới chương trình, trao đổi Giảng viên và liên kết đào tạo. Ngoài ra khoa cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị trong nước để nắm rõ nhu cầu về nguồn nhân lực và các vấn đề phất sinh trong thực tế sản xuất để tiến hành đào tạo và nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất. Chúng tôi hi vọng rằng việc liên kết chặt chẽ với các đơn vị sản xuất sẽ mang lại các giải pháp thiết thực cho việc đào tạo nguồn nhân lực ngành in nước ta.

Hiện nay, tổng số cán bộ trong khoa Khoa in và TT là 25 người, trong đó có 15 GV cơ hữu và 10 GV thỉnh giảng. Khoa rất chú trọng cập nhật và nâng cao trình độ cho giáo viên. Trong năm 2004, khoa đã cử 1 GV đi học cao học Hàn Quốc và tu nghiệp tại học viện In Heidelberg. Trong năm 2005, khoa đã cử 4 GV đi tham quan học tập tại học viện In Heidelberg và 1 GV đi học theo chương trình của tổ chức Print Promotion. Trong đội ngũ GV cơ hữu hiện nay có 1 NCS và 7 thạc sĩ. Ngoài ra, khoa còn giới thiệu thêm được 4 SV tốt nghiệp chuyên ngành In tại Khoa đi học cao học in tại nước ngoài (1 tại Thụy sĩ và 3 tại CHLB Đức). Đây là nguồn cán bộ dự trữ đầy triển vọng cho khoa Kỹ thuật In. Trong kế hoạch chiến lược phát triển nhân sự của khoa giai đoạn 2005-2010 sẽ có 80% GV có trình độ trên đại học và 100% GV tham gia nghiên cứu khoa học chuyên ngành in, 100% GV được đi tu nghiệp tại nước ngoài.

Hầu hết các cán bộ giảng dạy đều sử dụng tốt các ngoại ngữ Anh, Nga và Đức và có tuổi đời tương đối trẻ, khoảng 35 tuổi. Toàn thể giáo viên, cán bộ viên chức của khoa Khoa in và TT đã xác định giai đoạn 2005-2010 là giai đoạn thực sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ của khoa. Để có thể thực hiện được điều này, ngoài sự chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, sự nỗ lực của toàn thể giáo viên, cán bộ viên chức còn có sự tổ chức, cơ cấu làm việc hợp lý, phân công phân, nhiệm rõ ràng trong Khoa.

Cơ cấu tổ chức của khoa gồm có các bộ phận sau:

  •       Bộ môn Trước in (Prepress)
  •       Bộ môn In (Press)
  •       Bộ môn Sau in (PostPress)
  •       Xưởng In
  •       Xưởng chế bản
  •       Phòng thí nghiệm vật liệu in.

 Cơ sở vật chất

 

     Hệ thống cơ sở vật chất của khoa được tổ chức như một cơ sở nghiên cứu và sản xuất in hoàn chỉnh với:

  •         1 Phòng thí nghiệm mực giấy.

  •         1 phòng thực hành máy tính.

  •         1 xưởng in với các phân xưởng sau:

               Phân xưởng in offset.
               Phân xưởng tách màu điện tử và chụp phim.
               Phân xưởng thành phẩm.
               Phân xưởng ăn mòn kim loại và mài kẽm.
               Phân xưởng phơi bản.

Với cơ sở vật chất được trang bị tương đối đầy đủ như thế, trước khi đi thực tập sản xuất tại các công ty, xí nghiệp in bên ngoài, sinh viên của khoa cũng khá là thuần thục trong việc điều khiển quy trình công nghệ in. Còn sau khi ra trường, sinh viên của khoa rất vững vàng trong công tác nghề nghiệp lẫn nghiên cứu vì các bạn được cung cấp cả những kiến thức cơ bản lẫn kinh nghiệm thực tiễn.

Trong năm học 2005-2006, nhà trường tiếp tục đầu tư để khoa Khoa in và TT hoàn chỉnh phòng thí nghiệm vật liệu (1 máy phơi tự động, 1 máy hiện bản tự động, các loại thang đo còn thiếu), Phòng thí nghiệm in , xưởng thành phẩm, nâng cấp phòng máy tính. Ngoài ra, khoa còn được trang bị thêm một phòng thực tập in lụa và in flexo.

 Giáo trình và tài liệu giảng dạy

Công tác giáo trình và tài liệu giảng dạy luôn được khoa coi trọng và hỗ trợ tối đa để các GV thực hiện. Trong giai đoạn 2002-2005, khoa Khoa in và TT đã được phân công biên soạn chương trình khung đào tạo ngành In theo hướng công nghệ. Để thực hiện công việc to lớn này khoa đã mời các cán bộ đầu ngành của ngành in Việt Nam tham gia biên soạn trong đó có cả lãnh đạo của các đơn vị đang tham gia đào tạo ngành in như Trường Trung học In Hà Nội, Bộ môn công nghệ in – Khoa Công nghệ hoá học – ĐH Bách Khoa Hà Nội…

Ngoài ra Khoa In và TT còn là một trong những Khoa đi đầu trong công tác biên soạn giáo trình điện tử. Khoa đã biên soạn và phát hành rộng rãi trong SV cũng như các nhà in tại TP HCM  8 GTĐT. Hơn nữa, Khoa còn có ngân hàng đề thi trắc nghiệm cho toàn bộ các môn học.

Về đào tạo : Chương trình đào tạo được chia thành hai mảng chính: đào tạo thường xuyên và đào tạo theo nhu cầu. Những năm gần đây nhu cầu đào tạo tại chức cho cán bộ Khoa in và TT ngày càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu chính đáng này ngoài Chỉ tiêu tuyển sinh 120 SV chính qui hàng năm,  từ năm 2005 đến 2006 khoa Khoa in và TT đã phối hợp với Công ty LIKSIN tuyển sinh hệ tại chức niên khóa 2005-2008 vànăm 2006 tiến hành đào tạo kỹ sư Công nghệ in hệ tại chức với chỉ tiêu 50 kỹ sư cho khu vực TPHCM. Trong năm 2007, theo yêu cầu của CXB-Bộ thông tin truyền thông và chi hội In Đồng Bằng Sông Cửu Long, nhà trường đã tuyển sinh hệ tại chức  cho khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, hy vọng rằng đến năm 2010, khu vực  Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ được bổ sung thêm 73 kỹ sư công nghệ in. Để đáp ứng nhu cầu về cán bộ kỹ thuật chế bản tại đồng bằng sông Cửu Long. Từ năm 2004, khoa Khoa in và TT cùng với Báo Lao động mở một lớp KTV chế bản chuyên ngành in tại TP Cần Thơ. Trong thời gian tới khoa Khoa in và TT sẽ tiếp tục duy trì các lớp đào tạo KTV tại TP Cần Thơ, tỉnh Bình Dương và một số tỉnh miền Trung tùy theo yêu cầu về nguồn nhân lực tại các địa phương.

Với 12 chuyên đề cơ bản và 30 chuyên đề được thay đổi và cập nhật liên tục theo tình hình thực tế ở các doanh nghiệp Khoa in và TT luôn sẵn sàng đáp ứng bất kỳ nhu cầu nào về đào tạo của các xí nghiệp In trong cả nước. Ngòai ra Khoa còn tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức về quản lí In cho Giám đốc các doanh nghiệp in và các khóa đào tạo theo yêu cầu riêng của nhà máy

Về  nghiên cứu khoa học, Khoa In và TT rất chú trọng đến công tác NCKH và xem đó là yếu tố phát triển của Khoa. Cho đến nay Khoa có 1 đề tài NCKH cấp bộ đã được nghiệm thu loại xuất sắc và 12 đề tài NCKH cấp trường, chủ yếu là ứng dụng các công nghệ in mới và công nghệ multimedia trong dạy học. Trong giai đoạn 2006-2010 Khoa In và TT sẽ đẩy mạnh công tác NCKH trong SV.

Để không ngừng nâng cao vai trò, vị trí và đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu của xã hội nhằm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Khoa In và TT luôn hướng đến phương châm : "Nếu biết xuất phát từ thực tiễn, luôn gắn chặt với thực tiễn và chịu sự tác động thường xuyên của thực tiễn sẽ giúp chúng ta nhanh nhận ra chân lý cho sự phát triển"..

(theo Trường Sư phạm kỹ thuật HCM)