Liệu những thông tin hỗ trợ đã đủ sức nặng để khởi đầu một chu kỳ phục hồi, khi hai sàn đã bật lên mạnh mẽ?
Đúng lúc đa số bi quan nhất, niềm vui trở lại. Hầu hết các sàn đều vắng tanh và chỉ một số ít nhà đầu tư có dịp hồ hởi bàn bạc trong phiên đảo chiều đầy bất ngờ hôm nay. Đã từ rất lâu rồi họ mới có dịp chứng kiến lại tình trạng dư mua chồng chất như vậy Khởi phát của ngày đảo chiều là diễn biến đầy bất ngờ từ STB. Đại gia ngân hàng này mới hôm qua còn bị bán tháo giá rẻ không thương tiếc với vài trăm ngàn giáng giá ATO, ATC nhưng mới mở cửa được vài phút sáng nay đã tăng lên kịch trần.
Một tỷ trọng rất lớn khối lượng giao dịch của STB hôm nay là được khớp vét trong đợt mở cửa. STB mất thanh khoản gần như suốt đợt khớp lệnh liên tục khi xuất hiện khối lượng chặn trần đầy đe dọa lên tới trên 1 triệu đơn vị. Nhà đầu tư đã run tay không dám bán ra nhiều mà chủ yếu là các lệnh nhỏ lẻ tẻ.
Sức nóng sau đó lan đến SSI – cổ phiếu cũng giống STB hôm qua trong tình trạng “vừa bán vừa cho”. SSI chật vật hơn chút ít do lượng bán khá dồi dào và có lúc bị đè xuống sát tham chiếu. Tuy nhiên dòng tiền khi không hớt được STB có vẻ như đã chạy qua SSI và đẩy giá lên kịch trần. SSI khớp lệnh rất lớn, lên tới gần 1 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu có liên quan đến tài chính khác lần lượt theo gương STB, SSI và bắt đầu được mua mạnh như PVF, REE, hay KLS trên sàn Hà Nội…
Sàn Hà Nội khởi động có phần chậm hơn sàn Tp.HCM chút ít và chỉ thực sự mạnh lên khi kết thúc đợt mở cửa của phía miền Nam. KLS có lúc còn bị đè bán khối lượng rất lớn. Tuy nhiên sự trụ vững của ACB, VCG ngay từ đầu phiên cũng giúp HASTC-Index tăng gần như liên tục trong phiên.
Kết thúc ngày, khối lượng dư mua trần của các cổ phiếu chủ chốt trên cả hai sàn đem lại một sự đảm bảo tâm lý khá chắc chắn: STB dư mua 1,75 triệu đơn vị, SSI dư 150.000, SJS dư 81.000, KLS dư 126.000, VCG dư 142.000 đơn vị.
Nguyên nhân nào khiến tâm lý thị trường đảo chiều một cách chóng mặt như vậy?
Thực tế, giao dịch ngày 24/2 chưa có một tín hiệu đáng chú ý nào khi chỉ số giá vẫn mất điểm mạnh, khối lượng giao dịch không có gì đột biến, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ra ồ ạt.
Hiện tượng “cầm máu” ở SSI và STB là rất đáng chú ý vì hai phiên vừa qua, lực bán ra rất mạnh và rất khó có thể xuất phát từ nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Thông thường khi cổ phiếu được bán tháo mạnh mẽ chính là thời điểm thị trường sắp đi tới đáy vì đa số nhà đầu tư đã mất kiên nhẫn hoàn toàn và tìm mọi cách thoát ra khỏi thị trường.
Tuy nhiên lực bán trong những phiên trước chưa phải là quá mạnh. SSI, STB đã có thời bị giáng sàn hàng triệu cổ phiếu. Khối lượng mua vào với hai mã này cũng không đột biến để có thể chặn đứng đà bán tháo nhanh chóng như vậy. Lực bán hôm nay chủ yếu mất cân đối do bên bán run tay trước sức mua quá lớn. Điều đó có nghĩa là áp lực bán vẫn sẽ tiềm tàng vào một thời điểm nào đó trong đợt phục hồi tới đây.
Cập nhật mới nhất về những thông tin hỗ trợ hôm nay vẫn chỉ là tin giảm dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước chiều ngày 24/2. Việc chưa hạ lãi suất cơ bản cũng không có gì bất ngờ vì lo ngại đồng VND sẽ mất giá thêm, tác động xấu đến thị trường tiền tệ vốn đang khá nóng. Tình hình xuất khẩu, chỉ số giá tiêu dùng được cho là khả quan.
Lực hỗ trợ mạnh hơn có lẽ lại đến từ thị trường chứng khoán Mỹ khi tất cả các chỉ số chính đều tăng trên 3% đêm qua. Đặc biệt chỉ số S&P 500, chỉ báo của những đại công ty tăng tới 4%. Những thông tin và bình luận của FED đưa ra có tác dụng mạnh: chính phủ sẽ không quốc hữu hóa các ngân hàng và kinh tế Mỹ có thể phục hồi cuối 2009.
Liệu những thông tin hỗ trợ như vậy đã đủ sức nặng để khởi đầu một chu kỳ phục hồi? Đó là câu hỏi chưa thể trả lời chắc chắn vào lúc này!
Sàn Tp.HCM có 149 mã tăng giá và số lượng sàn HASTC là 132 mã. Đây là độ rộng lớn chưa từng có trong những đợt đảo chiều trước đó của cả hai sàn. Nếu lực mua thực sự mạnh mẽ thì áp lực đó cần phải được duy trì giúp giá cổ phiếu vượt qua được những ngưỡng kháng cự quan trọng, mà trước hết là nhu cầu thoát khỏi thị trường của một bộ phận nhà đầu tư trong một vài phiên tới.
Còn hôm nay, VN-Index đã bật mạnh lên 244,33 điểm, tăng tới 8,83 điểm (3,75%), bất chấp khối ngoại tiếp tục bán ra vượt trội so với mua vào (bán ròng 23,11 tỷ đồng). HASTC-Index cũng vươn lên mức 81,93 điểm, tăng 3,87 điểm (4,96%). Khối lượng tại hai sàn tiếp tục được duy trì, gần với mức của phiên liền trước