Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi): Cho vay đầu tư chứng khoán đã phát triển dưới nhiều hình thức nghiệp vụ khác nhau như cầm cố chứng khoán, nghiệp vụ repo cổ phiếu, mua khống T + 2, các nghiệp vụ bảo chứng, uỷ thác đầu tư… Đây là các nghiệp vụ sử dụng đòn bẩy tài chính.

Trong quá trình đầu tư chứng khoán dài hạn và ngắn hạn, nhà đầu tư dù không muốn sử dụng đòn bẩy tài chính, cũng cần phải nắm được tình hình cho vay đầu tư chứng khoán để làm căn cứ nhận định đúng tình hình thị trường, cũng như có thể xác định tổng quan quan hệ cung cầu của thị trường tại từng thời điểm.

Vafi cho hay: Hầu như tất cả các công ty chứng khoán (CTCK) đều đi vay tiền ngân hàng để phục vụ cho việc kinh doanh chứng khoán của doanh nghiệp, ngoài việc dành khoản tín dụng lớn cho nhà đầu tư, các CTCK cũng dùng khoản tiền vay đáng kể để hoạt động tự doanh. Đa phần các nhà đầu tư cá nhân trong nước (thường là có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán) đều đi vay tiền để đầu tư chứng khoán dưới nhiều hình thức như nêu trên.

Hoạt động tín dụng đầu tư chứng khoán phát triển ở thị trường 0TC, thị trường giao dịch tập trung và thị truờng đấu giá cổ phần các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá. Trong giai đoạn này có lẽ mọi nhà đầu tư đều tích cực đầu tư chứng khoán, đều tìm cách gia tăng các khoản tín dụng vì cứ có tín dụng là gặt hái được lợi nhuận dễ dàng mà ít người nghĩ tới những tình huống nguy hiểm sẽ xảy ra. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính đã làm cho nhiều nhà đầu tư và một số công ty chứng khoán liên tục gặt hái được lợi nhuận không ngừng, nhất là trong các năm từ 2005, 2006, 2007, bởi vì khởi đầu cho giai đoạn này Vn Index ở mức rất thấp, cộng với nhiều sự thay đổi có tính buớc ngoặt về chính sách cho môi trường đầu tư chứng khoán.

Tuy nhiên khi thị truờng bắt đầu lao dốc, những đối tượng nhà đầu tư đã từng có kinh nghiệm sâu sắc về cầm cố chứng khoán trong cuộc khủng hoảng lần thứ nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN) ( 2001 – 2002) nhanh chóng cơ cấu lại danh mục đầu tư và cơ cấu nguồn vốn, tích cực thanh lý cổ phiếu để trả nợ ngân hàng thì bị ảnh huởng không nhiều. Nhiều nhà đầu tư không tỉnh táo, không tích cực tất toán các khoản nợ, thậm chí cón gia tăng các khoản nợ khi TTCK tụt dốc thì tài sản của họ cũng nhanh chóng bị bốc hơi, một số nhà đầu tư mới chưa có kinh nghiệm đã lâm vào hoàn cảnh tiền bán chứng khoán không đủ trả ngân hàng đã buộc phải bán nhà  để trả nợ.

Phong trào đi vay tiền để đầu tư chứng khoán đã tác động đến kinh tế vỹ mô: Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra lạm phát, bởi vì từ tín dụng dễ dàng trong đầu tư chứng khoán, dẫn tới TTCK phát triển nóng, từ đó hệ thống doanh nghiệp và hệ thống các ngân hàng dễ dàng huy động được vốn và dẫn tới nhu cầu đầu tư và tiêu dùng tăng đột biến… Gây ra những rủi ro hệ thống như làm cho TTCK bất ổn định, nhiều nhà đầu tư thua lỗ hay hệ thống ngân hàng bị đe doạ nợ xấu tăng.

Rất may là đến tháng 6/2008, hệ thống ngân hàng thương mại đã xử lý được cơ bản dư nợ đầu tư chứng khoán và gần như bảo toàn được vốn cho vay, một điểm may mắn nữa là tiến trình xử lý dư nợ chứng khoán kết thúc trước khi nền kinh tế Việt Nam (VN) chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.

Cho vay đầu tư chứng khoán trong giai đoạn hiện nay  

Sau thời kỳ hoàng kim của phong trào tín dụng đầu tư chứng khoán, việc cho vay đầu tư trở lại vào tháng 7/2008 khi tiến trình xử lý nợ vay kết thúc, đồng thời lạm phát đã được kiểm soát, đi cùng với TTCK phục hồi từ 360 điểm đến 570 điểm, tuy nhiên hoạt động cho vay chứng khoán nhanh chóng bị ngừng trệ từ tháng 9/2008 do VN bắt đầu chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Sau quí 1/2009, kinh tế VN chạm đáy, TTCK đã xuống ở mức thấp và bắt đầu phục hồi đi lên thì hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán khởi động trở lại, tuy nhiên đã có nhiều đặc điểm khác biệt căn bản so với thời kỳ "hoàng kim" đó là: Tất cả các tổ chức đầu tư chứng khoán trong nước không đi vay tiền để đầu tư chứng khoán; Hầu như các công ty chứng khoán đã cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư theo hướng dành 1 tỷ trọng vốn đáng kể đầu tư vào trái phiếu hay dùng tiền mặt để chi tiêu hoạt động hay phục vụ hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán dưới nhiều hình thức, chỉ dành một khoản tiền tự có phục vụ cho công tác đầu tư tự doanh ngắn hạn và dài hạn; Các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, công ty chứng khoán đã có kinh nghiệm xương máu nên nhìn chung đều tính toán tăng giá trị tài sản cầm cố, lựa chọn danh mục cổ phiếu hay thời hạn cho vay… Tuy nhiên do sự cạnh tranh về khách hàng, một số công ty chứng khoán có sự cạnh tranh không lành mạnh về hạn mức cho vay.

Trong thời gian qua, khi TTCK phục hồi đi lên từ mức thấp thì đã có 1 lượng tiền tín dụng đáng kể được đổ vào TTCK, với đỉnh cao dư nợ tín dụng chứng khoán khoảng 10.000 tỷ – 12.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng lần này chủ yếu tập trung cho thị trường niêm yết, ít có dòng tín dụng đổ vào thị trường OTC.

TTCK tăng nóng đi cùng với “dòng tiền nóng" tăng lên, trước tình hình đó ngày 19/6/2009, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã có văn bản nhắc nhở các công ty chứng khoán phải thực hiện đúng pháp luật hiện hành,  thời điểm SSC ra văn bản cũng là lúc Vn Index đạt ngưỡng 500 điểm, đây là ngưỡng có nhiều rủi ro cho hoạt động đầu tư chứng khoán bằng tiền đi vay.

Tại thời điểm hiện tại, TTCK điều chỉnh và phân hoá, cũng là thời điểm giảm đáng kể các “dòng tiền nóng”. Tuy nhiên, điều đáng mừng là các nhà đầu tư chứng khoán đầu tư bằng tiền đi vay đã sớm tỉnh táo, nhanh chóng cơ cấu lại nguồn tiền đầu tư, không tiếp tục vay mượn hoặc giảm đáng kể lượng tiền đi vay khi TTCK bước vào giai đoạn điều chỉnh. Chúng ta đã không chứng kiến cảnh nguồn cung cổ phiếu cầm cố được các công ty chứng khoán chất đầy từ lúc mở cửa.

Bài học về sử dụng đòn bẩy tài chính vẫn còn nóng hổi và tốt nhất không sử dụng đòn bẩy tài chính khi Vn Index đã qua ngưỡng 350 điểm hoặc không an toàn cho các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.

Có ý kiến cho rằng do SSC có văn bản hạn chế các công ty chứng khoán cho vay đầu tư chứng khoán nên dòng tiền vào thị trường giảm dẫn đến TTCK điều chỉnh, như vậy văn bản của SSC là có tác động tiêu cực đến thị trường, quan điểm này không đúng: Tín dụng đầu tư chứng khoán giảm, làm giảm giá trị giao dịch hàng ngày, tuy nhiên những dòng tiền cực kỳ ngắn hạn theo kiểu T + cũng giảm đáng kể, nhà đầu tư bớt nhiều lo lắng với các dòng tiền nợ, điều đó làm tăng tín ổn định cho thị trường. Khi dư nợ chứng khoán giảm đáng kể (ở thời điểm hiện tại, ước chừng chỉ còn khoảng 5000 tỷ đồng) sẽ không có nhiều nguồn cung cổ phiếu cầm cố tiềm tàng, điều này có tác động không làm cho TTCK giảm sâu. Một khi nhà đầu tư không vay muợn hoặc ít vay mượn thì tâm lý đầu tư vững hơn nhiều.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường đang ở trạng thái điều chỉnh và sẽ phân hoá theo kết quả kinh doanh quý 2/2009, tuy nhiên ở trạng thái ổn định hơn nhiều so với thời gian trước đó do “dòng tín dụng nóng" gần như đã đuợc xử lý đáng kể.