Những chủ trương và các giải pháp đã được Chính phủ ban hành nhằm triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 2009 đã phát huy hiệu quả tốt trong thời gian gần đây góp phần kìêm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, song hành cùng các gói giải pháp mà Chính phủ đang triển khai cần có đánh giá đầy đủ về thực trạng thất nghiệp hiện nay đồng thời xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thời kỳ hậu suy thoái.

Áp lực lớn

Theo ước tính của Bộ LĐTBXH có khoảng 80 nghìn người trong nước ở trong các DN mất việc làm năm 2008 và năm 2009 con số này dự báo lên tới 400 nghìn người. Việc làm và thu nhập cho người lao động đang là thách thức lớn đối với nền kinh tế nước ta, nếu không được giải quyết, quan tâm thì vấn đề xã hội sẽ càng trở lên phức tạp.

Đánh giá về tác động của khủng hoảng kinh tế đến việc làm trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Phong – Lâm Đồng cho rằng: Từ cuối năm 2008 nhiều DN bị đình trệ sản xuất, hàng trăm nghìn công nhân thiếu việc làm hoặc mất việc làm. Số này từ nông thôn ra đi nay lại quay về nông thôn, làm cho khu vực nông thôn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, số đối tượng nghèo tăng lên đáng kể. Song trong Báo cáo của Chính phủ chưa có báo cáo cụ thể về tình hình này. Vì vậy cần có cuộc điều tra để xác định số lượng công nhân mất việc làm ở các DN vừa qua trong cả nước và đối tượng tái nghèo, phát sinh nghèo do tác động khủng hoảng, từ đó có chính sách thỏa đáng đối với các đối tượng này.

Tại TP HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, theo thông báo của 533/742 DN có nhu cầu tuyển dụng lao động trong 6 tháng đầu năm 2009 cần 61.527 việc làm, trong đó ngành dệt may, da giày chiếm 38%, cơ khí chiếm 3,87%, điện tử chiếm 2%, giao thông vận tải chiếm 1,98%. Đối với số lao động mất việc làm là 25.608 người có nhiều cơ hội tìm được việc làm và đến nay đã có 80,49% lao động trong tổng số 25.608 lao động mất việc làm đã tìm được việc làm mới. Điều này dẫn đến thu ngân sách quý I năm 2009 tại TP HCM tuy đạt khá ở mức 27,16% so với dự toán năm nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước đạt ở mức chỉ 96,48%. Theo đại biểu Dương Kim Anh – Trà Vinh: Một vấn đề nữa là chúng ta cần phải chú ý quan tâm đó là thất nghiệp gián tiếp. Khi nhiều công nhân nghỉ việc, mất việc các dịch vụ khác cũng bị ảnh hưởng theo không nhỏ như: các chủ quán cơm, chủ hàng tạp hóa, chủ nhà trọ, xe thồ, cô nuôi dạy trẻ ở xung quanh các khu công nghiệp, nhà máy cũng thất nghiệp theo.

Động lực hậu suy thoái

Để tạm thời tháo gỡ khó khăn cho DN nhiều đại biểu đề nghị: Phần lớn các DN gặp khó khăn, song những tháng cuối năm 2008 công nhân mất việc làm nhiều, trong khi đó chính sách cho vay lãi suất 0% chỉ được áp dụng trong năm 2009. Vì vậy đề nghị Chính phủ xem xét để người lao động mất việc làm trong năm 2008 được vay với lãi suất ưu đãi nhằm giải quyết bớt khó khăn và có điều kiện tạo thêm việc làm mới.

Riêng trong lĩnh vực nông thôn, vấn đề đào tạo lao động trong nông nghiệp, mục tiêu đào tạo đến năm 2020 của Nghị quyết 26 đề ra, lao động nông nghiệp còn khoảng 30% trong lao động xã hội. Tỷ lệ lao động nông dân qua đào tạo đạt trên 50% và số xã đạt tiêu chuẩn thôn nông mới 50%. Hiện nay Chính phủ đang xây dựng đề án đối với lĩnh vực này, hầu hết các địa phương đang triển khai chương trình này gặp khó khăn lớn về cơ sở trường, lớp đào tạo nghề, các loại thiết bị phục vụ cho học tập, ngành nghề đào tạo, đặc biệt là giáo viên đào tạo đang thiếu. Do đó, khi triển khai đề án này đối với lĩnh vực đào tạo lao động, Chính phủ cần có cơ chế chính sách hướng dẫn để các địa phương thực hiện tránh lãng phí trong đào tạo. Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An) thì đề nghị Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên triển khai kích cầu đầu tư cho các dự án, tạo thêm nhiều việc làm, trong đó quan tâm hơn nữa đến khối DN vừa và nhỏ, vì đây là khu vực giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm.

Nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu và có kế hoạch chi tiết để phát triển nguồn nhân lực vững vàng hơn sau khi nền kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng và cấu trúc lại nguồn lực nhằm phát huy sức mạnh nội lực. Phát triển kinh tế hậu khủng hoảng trong đó tâm điểm của phát triển vẫn là con người, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó dạy các yêu cầu chuyên môn cho công nhân và người lao động dôi dư nếu không nói là thiếu việc làm hay thất nghiệp, giáo dục ngắn hạn và dài hạn, tình trạng thất nghiệp tiếp diễn sẽ làm phá vỡ sự quân bình của cung cầu. Đặc biệt cần có sự gắn kết hơn nữa giữa nhu cầu thực tiễn của từng địa phương, từng ngành với hoạt động đào tạo tránh lãng phí.