Trong hơn 2 tuần qua, NĐT cũng như giới quan tâm đến lĩnh vực chứng khoán tại Việt Nam đã chứng kiến sự lên ngôi ngoài dự kiến của các cổ phiếu mà tên tuổi cũng như quy mô giao dịch ít được nhắc đến từ sau khi thị trường chạm đáy hồi cuối tháng 2 đến nay.
Hàng loạt cổ phiếu có mức giá thấp hơn 20.000 đồng/CP với tính thanh khoản thấp đồng loạt tăng giá.
Dòng tiền liên tục đổ vào các mã cổ phiếu có thị giá thấp đã nhanh chóng phân hóa thị trường thành nhiều con sóng chia theo các ngành nghề khác nhau.
Hoạt động này đã đưa chỉ số VN-Index từ mức 467,9 điểm ngày 3/8 lên ngưỡng 500 điểm vào ngày 13/8 và xoay quanh mốc này khi kết thúc thời hoàng kim của các cổ phiếu "họ" penny.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/8, VN-Index tăng 8,3% so với thời điểm đầu tháng, đạt 506,99 điểm; HNX-Index chạm mức 157,2 điểm, tăng 4,2%. Trong khi đó, không ít mã cổ phiếu thuộc họ penny đã có mức tăng giá cao gấp nhiều lần so với sự thành công "khiêm tốn" của các chỉ số chứng khoán.
Điển hình là trường hợp của cổ phiếu HMC (CTCP Kim khí TP. HCM). Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm 2009 của HMC đạt 8,34 tỷ đồng, giả sử giá thép vẫn tiếp tục tăng cao và 6 tháng cuối năm đạt lợi nhuận gấp đôi 6 tháng đầu năm thì với mức vốn điều lệ hiện tại là 210 tỷ đồng, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2009 của Công ty cũng chỉ nằm trong khoảng 1.100 – 1.200 đồng.
Tuy nhiên, với tính chất đầu cơ cao trên thị trường, NĐT tập trung dòng tiền vào các cổ phiếu thuộc ngành thép, đã đẩy mức giá của cổ phiếu HMC từ 15.600 đồng/cổ phiếu vào ngày 3/8 lên đến 21.700 đồng/CP vào ngày 14/8, tăng 39,1% trong vòng 10 phiên giao dịch. Nhiều mã khác thuộc họ penny cũng có mức tăng giá mạnh trong cùng khoảng thời gian như VGS, SJC, DIC…
Trong khi sự hưng phấn của giới đầu cơ thể hiện ở các mã có thị giá thấp, thì không ít mã blue-chip "vang bóng một thời" nằm trong trạng thái giao dịch cầm chừng, số phiên giảm giá áp đảo số phiên tăng giá, như ACB, VPL, BVH…
Thực tế thì với chuyển biến khả quan của nền kinh tế và TTCK thế giới, trong khoảng thời gian từ cuối tháng 7 đến nay, TTCK Việt Nam đã có những diễn biến tích cực. Trong chuỗi tăng điểm của VN-Index vừa qua, vai trò của các mã blue-chip khá mờ nhạt.
Phần lớn các mã có mức vốn hóa thị trường lớn và chiếm tỷ lệ quan trọng trong "rổ" VN-Index không được NĐT tranh mua như những đợt tăng điểm trước đó.
Chính việc dòng tiền tập trung quá nhiều vào các mã không mang tính dẫn dắt thị trường nên mặc dù có đi lên nhưng VN-Index vẫn chưa thể vượt qua đỉnh 512 điểm mà chỉ số này đã xác lập trong tháng 6.
Tuy nhiên, trong hai phiên giao dịch 13 và 14/8, dòng tiền đã chuyển hướng trở lại vào các mã blue-chip, đặc biệt là các mã có vốn hóa thị trường lớn như SSI, STB… Điều này có thể giúp thị trường giữ vững mốc 500 điểm trong thời gian tới.
Cũng cần nói thêm, hiệu quả của việc đầu tư không phải thể hiện ở những mã cổ phiếu có thị giá thấp hay là mã cổ phiếu có mức giá cao. Điều quan trọng là sự lựa chọn đầu tư như thế nào để đảm bảo đem lại mức lợi nhuận theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần vào sự ổn định thị trường.
Trong cơn sóng cổ phiếu nhỏ vừa qua, có những mã có triển vọng khá tốt, trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều chuyển biến tích cực thì dòng tiền nào đổ vào những mã này là sự lựa chọn hợp lý.
Nhưng có những mã mà kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm cũng triển vọng các tháng còn lại của năm 2009 kém sáng sủa thì sự kỳ vọng quá mức của NĐT vào những mã này có thể dẫn đến sự thất vọng vì thua lỗ.
Một yếu tố khác cũng rất quan trọng là tính đầu cơ trên thị trường khá cao. Trong khi đó, thị trường vẫn đang thiếu những NĐT trung và dài hạn. Ngoài ra, việc các CTCK cho NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính đã tạo nên một lượng "tiền ảo" khá lớn trong giá trị giao dịch khớp lệnh ở những phiên gần đây.
Điển hình là phiên giao dịch ngày 13/8 vừa qua, giá trị giao dịch tại sàn TP. HCM đạt trên 2.700 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 2 tháng qua. Trong giá trị giao dịch này, nhiều khả năng có một tỷ lệ lớn lượng tiền theo T+.
Có thể nói, áp lực bán mạnh để chốt lời và nộp lại tiền mua chứng khoán cho CTCK khi cổ phiếu về tài khoản của NĐT hiện nay là rất lớn. Xuất phát từ thực tế này, cho dù kinh tế Việt Nam thực sự đi vào quỹ đạo ổn định thì TTCK vẫn phải thường xuyên đối diện với những đợt điều chỉnh ngắn hạn.