Mỗi dự án dưới đây đều từng được ca tụng như những “bước ngoặt”, “cột mốc”… trong lĩnh vực CNTT. Cùng với thời gian, hiệu quả của chúng đã được minh chứng qua thực tế. Rốt cuộc, chúng không được như kỳ vọng.
Vì những nguyên nhân khách quan, chủ quan và cả… ăn gian, những dự án sau đều đang ở “bên kia con dốc”. Một số đã kết thúc, thậm chí còn kết thúc khi chưa ra mắt chính thức. Tuy nhiên, mỗi thất bại đều để lại những bài học.
1. Monava.vn – Chết vì đạo code?
Movana.vn – sau tuyên bố hùng hồn “sẽ lấy lại 2 triệu người dùng Việt của Google” thì bị tố là đạo code và sử dụng kết quả
của chính gã khổng lồ tìm kiếm của Mỹ. Website đã “ra đi” không kèn không trống khi nhà đầu tư quyết định rút vốn.
Ra mắt tháng 12/2007, cỗ máy tìm kiếm Monava.vn khi đó được gọi với cái tên “Google của Việt Nam” với lời hứa “sẽ lấy lại 2 triệu khách hàng từ tay Google” của Giám đốc Nguyễn Quang Huy. Website này được Nguyễn Hoàng Group hứa đầu tư tới 500.000 USD – một khởi đầu đáng mơ ước cho nhiều dự án phần mềm.
Đây là kết quả “sau 6 tháng làm việc cật lực” của nhóm thiết kế gồm 4 người. Kết quả tìm kiếm của Monava.vn được chia thành 2 cột dựa theo nguồn tài liệu Việt Nam và quốc tế. Khả năng liệt kê kết quả của trang này lên tới hàng triệu chứ không giới hạn ở 1.000 kết quả như Google – mặc dù người dùng chỉ duyệt kết quả của vài trang đầu.
Vài tháng sau khi ra mắt, ban quản trị Monava.vn tuyên bố con số truy cập lên tới hàng triệu lượt mỗi ngày. Tuy nhiên, thứ hạng trên Alexa của Manava chưa bao giờ vượt quá con số 5.000.
Từ tháng 1 đến tháng 3/2008, Monava.vn bị dính vào những rắc rối: Cư dân trên mạng “tố” Monava.vn chỉ là một trang meta search (sử dụng lại kết quả tìm kiếm) của Google. Các đoạn mã nguồn của Monava được tung lên mạng. Một số kết quả tìm kiếm “giống nhau đến từng dấu chấm dấu phẩy” giữa Google và Monava.
Trước những lời đồn thổi rùm beng của giới công nghệ, Giám đốc Monava vẫn khẳng định đó là cỗ máy tìm kiếm “của người Việt và dành cho người Việt”. Để chứng minh điều đó, ông Huy dự kiến sẽ tổ chức họp báo vào tháng 3/2008 để làm sáng tỏ mọi việc. Tuy nhiên, cuộc họp báo đó không được tổ chức như dự kiến.
Ngày 15/5, Nguyễn Hoàng Group tuyên bố ngừng tài trợ cho dự án này vì Ban Quản trị không giải thích được những điểm khuất tất mà dư luận đã nêu.
Mất nguồn tài trợ, Monava.vn cũng không còn hoạt động nữa. Sau nửa năm, tên miền Monava.vn cũng đã đổi tên người sở hữu. Hiện tại, domain này trỏ về địa chỉ của isi.com – một sàn giao dịch vàng ảo đang trong giai đoạn thử nghiệm.
2. Dự án game Chaos Age – Từ hỗn mang trở về với hỗn mang
Cảnh trong game Chaos Age trước thời điểm Close Beta. Sau khi “nổ” là
sản phẩm game đầu tiên của Việt Nam, trò chơi chưa một lần được chào game thủ Việt.
Được ca tụng và bàn tán nhiều vào năm 2005 – thời điểm game online đang lên cơn sốt tại Việt Nam – nhưng game Chaos Age (Thuở Hỗn Mang) chưa một lần được ra mắt chính thức.
Xuất phát từ game Tướng Quân – một sản phẩm dự thi Trí tuệ Việt Nam 2003, trò chơi lấy ý tưởng từ những huyền thoại dân gian như chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh, chuyện Nỏ thần,… và có xu hướng chơi kiểu nhập vai online (MMORPG). Người chơi sẽ lựa chọn nhân vật của mình thuộc 4 bộ tộc: Nhân tộc, Sơn tộc, Thủy tộc và Ma tộc. Chaos Age là một trò chơi 3D hoàn toàn – một tiến bộ rất hấp dẫn tại thời điểm năm 2005.
Theo ông Trương Hải Nam, trưởng dự án game Chaos Age cũng tác giả game Tướng Quân, trò chơi này sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2005 và dự kiến thử nghiệm Close Beta vào tháng 6/2006. Cả nhóm phát triển gồm 22 người làm việc từ năm 2004 với sự tài trợ của FPT hăng say cho ngày ra mắt.
Tại thời điểm đó, mọi việc gần như đã xong xuôi. Nếu thành công, đây sẽ là sản phẩm game 3D đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Trong hoàn cảnh game online đang lên cơn sốt thì trò chơi lại càng được mong đợi. Những hình ảnh trình diễn đầu tiên đã ra mắt công chúng. Trưởng dự án game còn cho biết sẽ phát triển 2 phiên bản: một bản tiếng Anh để xuất khẩu, còn 1 bản tiếng Việt để phát hành trong nước.
Tuy nhiên, việc thử nghiệm Close Beta không diễn ra như dự định và dự án game này cũng “chìm xuồng” luôn sau đó. Toàn bộ các thành viên của nhóm làm game này và chính bản thân trò chơi không còn bất cứ thông tin nào thêm.
3. Chợ Điện Tử – “Đi trước đón đầu” quá xa
Sau nhiều năm, Chợ Điện tử vẫn không vượt lên được những website thuần rao vặt khác.
Ra đời năm 2005, Chợ Điện tử là một trong những dự án nhận tài trợ từ Quỹ Đầu tư mạo hiểm IDG. Tại thời điểm ra mắt, Chợ Điện Tử là giải pháp thương mại điện tử chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam với những công cụ chuyên nghiệp.
Tuy vậy, những lợi thế này cũng chỉ giúp Chợ Điện tử có mức truy cập tương đương với trang phục vụ nhu cầu rao vặt, xem hàng, khảo giá tự phát MuaRe.VN – một diễn đàn con tách từ box Thị trường của mạng TTVN. Việc tham gia liên kết với thương hiệu eBay – một website thương mại hàng đầu thế giới không giúp Chợ Điện tử cải thiện nhiều vị trí của mình. Những website mua bán trên Internet xuất hiện sau như Vatgia.com, 5giay.vn đều đã “qua mặt” Chợ Điện tử trên bảng xếp hạng Alexa.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân khiến Chợ Điện tử không tiến “nhanh và mạnh” như kỳ vọng bởi khó khăn về khâu thanh toán. Thiếu phương tiện thanh toán trực tuyến cũng là khó khăn chung về thương mại điện tử tại Việt Nam.
Không thanh toán được, các website TMĐT chỉ còn là những website rao vặt. Đương nhiên những diễn đàn hướng vào cộng đồng như Muare.vn và 5giay.vn có lợi thế hơn Chợ Điện tử khi hướng vào doanh nghiệp và thu tiền từ gian hàng ảo. Nắm bắt xu hướng này, trang Vatgia.com đưa ra thêm công cụ để so sánh giá cả giữa các cửa hàng với nhau – một yếu tố hữu ích rất nhiều cho những người đi khảo giá.
Chính vì thế, mặc dù cùng lọt vào Top 100.000 website của Alexa năm 2007, nhưng hiện nay, Vatgia.com chễm chệ ở mức thang 1.000, còn Chợ Điện tử vẫn giao động ở hạng 10.000 và xu hướng giảm trong 3 tháng gần đây.
4. NhacSo.net – Quá già cho thú vui trẻ?
Vì những ràng buộc bản quyền, NhacSo.net thiếu hẳn mảng nhạc quốc tế.
Là một trong những dự án được FPT đầu tư tại “Vườn ươm công nghệ”, Nhạc Số.NET ra đời tháng 6/2005 và lập tức được chào đón. Tại thời điểm đó, những website nghe nhạc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhạc Số.NET lập tức “ghi điểm” với yếu tố “nghe nhạc bản quyền” với nhiều ca khúc mới cập nhật liên tục.
Website này cũng nhận sự hợp tác, giúp đỡ, ủng hộ và cổ vũ nhiệt tình từ những giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, nghệ sĩ có uy tín trong ngành văn hóa nghệ thuật như GS Trần Văn Khê, GS Thái Kim Lan, TS Nguyễn Thuyết Phong, Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Nhạc sĩ Phú Quang, Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn… Cơ sở dữ liệu của Nhạc Số.NET khá đồ sộ với hơn 10.000 bài nhạc chất lượng cao có lời và thông tin chi tiết cùng với lý lịch đầy đủ của gần 1.000 ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, website 4 năm tuổi này không cưỡng lại được sự tụt dốc trong thời gian gần đây. Thứ hạng trên Alexa của Nhạc Số.NET giảm “đều đặn” từ xấp xỉ 1.000 giữa năm 2008 xuống dưới 10.000. Các chỉ số về page view giảm 33% và thời gian người xem ở lại với Nhạc Số.NET cũng giảm 10%.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng của Nhạc Số.NET bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Website vẫn giữ nguyên thiết kế từ nhiều năm. Những gò bó về bản quyền khiến website này thiếu mất mảng nhạc quốc tế, thỉnh thoảng cho người nghe… 1 nửa bài hát. Ca khúc cũng chỉ để nghe chứ không thể download về máy tính người dùng cũng là một hạn chế. Mặt khác, cho đến thời điểm này, công cụ chia sẻ nhạc trên blog của Nhạc Số.NET vẫn là … Yahoo 360 – một dịch vụ đã đóng cửa hoàn toàn.
Bên cạnh đó, khá nhiều website nghe và tìm kiếm âm nhạc khác nhưng MP3 Zing, Baamboo hay Nhaccuatui.com đang vươn lên mạnh mẽ. Với nguồn tư liệu dồi dào và thiết kế uyển chuyển hơn, những website ra sau đã thuyết phục được giới trẻ.
Các thành viên sáng lập Nhạc Số.NET hiện nay đã rời khỏi dự án này. Mặc dù chưa bị lãng quên, nhưng Nhạc Số.NET hiện không còn hấp dẫn. Nhiều người phỏng đoán FPT đang dự tính một dịch vụ bán nhạc kiểu iTune tại Việt Nam, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có hành động cụ thể.