Khổng Giáo, hay còn gọi là Nho Giáo là học thuyết chính trị đạo đức với hạt nhân là đường lối Đức trị. Mặc dù ra đời cách đây 2.500 năm, tư tưởng của Khổng Tử vẫn mang những giá trị thời đại. Không chỉ răn dạy đạo lý làm người, suy ngẫm về tư tưởng của Khổng Tử còn giúp tìm ra những bài học hữu ích cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (DN).

Luận bàn trên Tạp chí Forbes về cách thức lãnh đạo công ty trong thời kỳ khó khăn, Shaun Rein (CEO, sáng lập viên Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc đã phân tích những tư tưởng Khổng Tử có thể áp dụng cho người lãnh đạo DN. Trong đó, Đạo đức; Quan tâm tới người dưới và Quyết đoán trong hành động là 3 chìa khóa cho nhà lãnh đạo thành công.

Đạo đức: giá trị tối thượng

Trong tư tưởng của Khổng Tử, đạo đức là nền tảng cho mọi hoạt động của con người trong xã hội. Mỗi vị trí trong xã hội cần theo đuổi những quy chuẩn đạo đức riêng biệt là thước đo cho mọi hành động phù hợp với các mối quan hệ xoay quanh họ.

Khổng Tử ủng hộ giao thương, nhưng nhấn mạnh mọi hoạt động giao dịch cần dựa trên cơ sở tôn trọng các giá trị đạo đức. Một người đạo đức tốt sẽ có được sự tôn trọng của người khác, dù họ ở vị trí nào trong xã hội.

Ngay tại các nước phát triển, bất chấp nhiều người lo ngại sự xuất hiện của làn sóng phản đối và sự thù địch với những người giàu có, nhưng thực tế điều này không đe dọa những doanh nhân có đạo đức. Ba trong số những người giàu nhất thế giới là Oprah Whitney, Warren Buffet và Donald Trump vẫn luôn là thần tượng của nhiều người. Không ai có thể phê phán họ ngay khi họ hưởng thụ cuộc sống một cách xa xỉ nhất, bởi đó là thành quả chính đáng từ sự nỗ lực của chính họ. Shaun Rein cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi như hiện nay, các nhà lãnh đạo rất cần chú trọng vấn đề đạo đức như răn dạy của Khổng Tử.

Quan tâm lợi ích chung

Trong Luận ngữ, Khổng Tử răn dạy các học trò của mình phải biết quan tâm tới những người dưới quyền. Người cầm quyền cần có tài năng và đức độ, lấy mình làm tấm gương cảm hóa dân chúng, tạo nên tôn ti trật tự xã hội. Phát triển từ quan điểm này, người lãnh đạo DN cũng cần chú trọng hành động trên cơ sở đạo đức, quan tâm tới lợi ích của cấp dưới. Nhiều nhà lãnh đạo chỉ quan tâm tới quyền lợi và sự giàu có của chính mình, thậm chí trong thời kỳ khủng hoảng họ đều muốn bảo toàn vị trí của mình bằng mọi giá. Hành động này hoàn toàn trái ngược với những điều nhà lãnh đạo nên làm vì nhân viên và tổ chức của mình.

Dung hòa giữa lợi ích bản thân và lợi ích tập thể là con đường duy nhất để đạt được sự cân bằng trong tổ chức. Sự bất mãn của người lao động dẫn tới các cuộc đình công: biểu tình làm đình trệ hoạt động xã hội không chỉ làm tổn hại mối quan hệ nền tảng bằng tổ chức mà còn gây ra nhiều hậu quả xã hội khác nữa.

Các nhà lãnh đạo cần suy nghĩ thấu đáo nhưng sau đó cần hành động quyết đoán. Chờ đợi quá lâu sẽ khiến cho cơ hội tuột khỏi tầm tay. Khổng Giáo khuyến khích con người suy nghĩ chín chắn trước khi hành động, nhưng đồng thời cũng răn dạy đừng suy nghĩ quá lâu.

Hành động quyết đoán

Sự ra đời và phát triển của netbook là một minh chứng cho sự thành công nhờ quyết đoán. Năm 2007, sau khi xem xét thị trường máy tính xách tay, nhận thấy các hãng máy tính như Dell không cung cấp cho khách hàng mọi thứ họ cần. Asus và Acer đã sản xuất thế hệ máy tính nhỏ hơn với mục đích chủ yếu là lướt web trong khi đó nhiều hãng máy tính lớn còn đang phân vân liệu phân khúc thị trường này có đáng để đầu tư.

Năm 2008, doanh số bán hàng của netbook tăng đỉnh điểm và dự tính sẽ tiếp tục tăng trong năm 2009. Những công ty mới bắt đầu vào cuộc nhưng họ không thể lấy lại thời gian đã mất và không thể cạnh tranh với vị thế của Asus và Acer trong phân khúc này. Cân nhắc giữa các chọn lựa là việc cần thuyết, tuy vậy lãnh đạo DN cần quyết đoán và nắm hất được yêu cầu của thị trường.

Các nhà lãnh đạo DN trên khắp thế giới đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó tiên đoán. Nghiên cứu tư tưởng Khổng Tử mang lại những gợi ý hữu ích cho đường lối lãnh đạo DN trong thời kỳ khủng hoảng. Đó là sự chú trọng đạo đức, lợi ích chung và quyết đoán trong hành động.