Trước áp lực tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo sức bật mới cho doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng đây là lúc mà lĩnh vực thương mại điện tử sẽ thật sự “vươn mình”. Cũng đã có vài dấu hiệu chứng tỏ khuynh hướng đó, chẳng hạn như thương mại điện tử được nói đến nhiều hơn, quảng cáo trực tuyến tăng lên … Trong một hội thảo về “Kinh doanh trên internet” do báo Người Lao Động và Sở Công Thương Tp. HCM tổ chức tuần qua, lĩnh vực này tỏ rõ sức hút khi có khá đông doanh nghiệp tham gia, kể cả những doanh nghiệp có vẻ rất “xa” internet (như doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chay). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần đông doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa sẵn sàng để vận dụng ngay công cụ trực tuyến nhằm mang lại hiệu quả cho việc kinh doanh của mình.

Thương mại điện tử thường được hiểu là hoạt động mà trong đó mọi công đoạn mua, bán đều được diễn ra trên internet. Một số quan điểm lại cho rằng, chưa thể thanh tóan trực tuyến thì chưa phải là thương mại điện tử thực sự. Tuy nhiên, theo Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Vũ Hòa – giảng viên của Đại học New York, Hoa Kỳ, hễ có hoạt động tương tác trên internet thì đó chính là thương mại điện tử. Theo nghĩa này rất đông doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào lĩnh vực này khi có website riêng.

Ông Trần Hữu Linh, Phó cục trưởng Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin – Bộ Công Thương, dẫn nguồn báo cáo của Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết, hiện Việt Nam đã có khoảng 6 triệu thuê bao internet, được qui đổi thành 20 triệu người dùng thường xuyên, tức lượng người tiếp cận internet đã đạt gần ¼ dân số. Bộ Thông tin – Truyền thông dự đoán trong 5 năm tới, con số người dùng sẽ tăng lên gấp đôi. Hiện nay, internet đã chi phối khá mạnh hành vi tiêu dùng, nhất là trong giới trẻ. Khoảng 65% khách hàng cho biết đã tham khảo trên mạng internet thông tin, giá cả về sản phẩm định mua trước khi đến siêu thị hoặc điểm mua hàng.

Trong giới kinh doanh, 45% doanh nghiệp Việt Nam đã có website riêng. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều nước khác, song cũng được xem là khá cao đối với một thị trường mới nổi như nước ta. Đồng thời, phần lớn doanh nghiệp đã chấp nhận đơn đặt hàng qua mạng… Những số liệu trên cho thấy, có cơ sở khá vững cho thương mại điện tử phát triển nhanh. Tuy vậy, hiện doanh nghiệp trong nước vẫn ở khoảng cách rất xa so với điều kiện để đẩy nhanh công cụ này, với những nhược điểm sau:

Ông Linh nhận xét phần lớn website hiện nay của doanh nghiệp trong nước không có nội dung hướng đến khách hàng. Trên đó chỉ toàn những thông tin nội bộ như hội thao cán bộ, công chức; hội nghị cơ quan – tức những nội dung mà người đọc sẽ không thấy hấp dẫn hay bổ ích đối với mình. Thứ hai là nhiều website chỉ chú trọng về hình thức mà không đầu tư cho tính tiện dụng. Vì vậy, mỗi lần truy cập, khách hàng đều phải chờ tải dữ liệu rất lâu, có khi sau nhiều giây nhấp nháy “làm điệu” rồi “chết cứng”. Đặc biệt, vấn đề chung lớn nhất là website của doanh nghiệp Việt Nam rất kém trong cập nhật thông tin. Có những trang mà thông tin mới nhất cũng đã có từ cả năm trước đó. Điểm yếu chung nữa là thông tin chỉ có tiếng Việt, kể cả đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu…

Những nhược điểm này khiến website phản tác dụng, có lượng truy cập thấp, dẫn tới kết quả là doanh nghiệp không thu nhận được gì từ đó nên lại tiếp tục lơ là, thậm chí cắt đầu tư.

Thực tế đã chứng minh rằng, internet ngày nay có thể cung cấp rất nhiều ứng dụng cho những người làm kinh doanh, nhất là ứng dụng trong marketing, truyền thông, bán hàng… Vì thế, để biến internet thành công cụ kinh doanh hiệu quả cho mình, doanh nghiệp phải có cách nhìn và sự đầu tư khác, tiêu biểu là cách nhìn và sự đầu tư cho website.

Giáo sư Tiến sĩ Trần Vũ Hòa lưu ý: “Doanh nghiệp phải hiểu như thế nào là một website chuẩn và đã làm thương mại điện tử là phải nghĩ đến vấn đề an ninh mạng”. Ông Thomas Wanhoff, tư vấn truyền thông cao cấp về thương mại điện tử đến từ Đức, khẳng định: “Để có một website hấp dẫn, bạn phải lắng nghe sở thích của khách hàng để biết yêu cầu của họ là gì. Đồng thời, bạn phải trả lời câu hỏi: Mình phải làm gì với website ấy? Điều này quan trọng hơn là chuyện cứ làm website”.

Nhiều người có cùng quan niệm là kinh doanh với internet nghĩa là không tốn tiền. Thực ra, phải hiểu đúng là ít tốn, chứ không phải không tốn. Để biến internet thành công cụ kinh doanh, càng cần phải “chịu tốn” để đầu tư. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là đầu tư về con người. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp bỏ vài triệu đồng làm website xong rồi … để đó cho vui vì không có người biết kỹ thuật chăm sóc, cập nhật. Với những doanh nghiệp mà bước đầu quy mô ứng dụng chưa nhiều, không nhất thiết phải tuyển hẳn một vài người để chăm chút cho website, mà có thể đào tạo người kiêm nhiệm việc này. Nếu không có con người thì việc biến website hay internet thành lợi thế chắc chắn chỉ xảy ra trong giấc mơ