Cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên bắt đầu tại Anh vào cuối thế kỷ XVIII, với sự ra đời cơ chế sản xuất của ngành công nghiệp dệt. Công việc mà trước đó được làm thủ công trong hàng trăm hộ gia đình đã được đưa vào chỉ trong một nhà xưởng sản xuất cotton duy nhất. Và từ đó, nhà máy ra đời.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai bắt đầu từ đầu thế kỷ XX, khi Henry Ford phát minh ra những “cỗ máy biết đi” với động cơ đốt trong, dẫn đường cho hoạt động sản xuất hàng loạt.
Hai cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên này khiến người ta giàu có hơn, “thành thị” hơn. Và giờ, một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba cũng đang tới. Quá trình sản xuất sẽ được số hóa, điều sẽ khiến thay đổi không những hoạt động kinh doanh, mà còn nhiều vấn đề xã hội khác nữa.
Một số lượng đáng kể các công nghệ đang được tích hợp với nhau: các phần mềm thông minh hơn, những vật liệu lạ, những người máy tinh vi, những dây chuyền sản xuất mới (kỹ thuật in 3D) và một loạt những dịch vụ online.
Các nhà máy trong quá khứ dựa trên nền tảng sản xuất hàng tỉ tỉ sản phẩm giống nhau. Nhưng nay chi phí cho những gói sản phẩm cá biệt hóa nhằm đáp ứng từng nhu cầu của mỗi khách hàng đang giảm dần, tạo điều kiện cho các nhà máy của tương lai sẽ tập trung vào những đặc tính riêng biệt – giống như từng hộ gia đình riêng lẻ hơn là một dây chuyền sản xuất của Ford.
Hướng tới không gian 3 chiều
Phương thức sản xuất cũ là chế tác từng bộ phận riêng lẻ, rồi khâu, hàn hay lắp ghép lại với nhau. Giờ đây, một sản phẩm có thể được thiết kế trên máy tính và “in ra” từ một máy in 3D, chiếc máy tạo ra vật thể nguyên khối bằng cách phun từng lớp, từng lớp vật liệu nối tiếp nhau. Thiết kế điện tử có thể được chỉnh sửa chỉ với vài cái click chuột.
Sẽ không còn cảnh những người thợ người đầy dầu máy, đứng cạnh
những chiếc máy dệt, thay vào đó, các công xưởng vắng hoe, chẳng khác gì sa mạc
Một máy in 3D có thể chạy tự động và tạo ra bất kì thứ gì mà có thể bị coi là quá phức tạp đối với một nhà máy. Dần dần, những chiếc máy kì diệu này có thể tạo ra gần như mọi thứ, tại mọi nơi – từ garage nhà bạn đến mội ngôi làng nhỏ ở châu Phi.
Ứng dụng của in 3D là cực kì rộng lớn. Hiện tại, các loại máy trợ thính hay các bộ phận trong máy bay quân sự đã sử dụng công nghệ này để cá biệt hóa hình dạng. Bản chất của dây chuyền cung cấp sẽ thay đổi.
Một kỹ sư đang làm việc giữa sa mạc, khi anh ta nhận ra thiếu một dụng cụ nào đó thì cũng không cần lao ngay tới một thành phố gần nhất nữa. Đơn giản, anh ta chỉ cần tải thiết kế xuống và sử dụng máy in 3D để tạo ra nó. Sẽ không còn cái cảnh khách hàng phàn nàn vì không tìm thấy các bộ phận nhỏ, long ra từ sản phẩm.
Những thay đổi khác cũng theo đó mà diễn ra. Những vật liệu mới nhẹ hơn, bền hơn. Sợi carbon đang thay thế dần nhôm, thép trong các sản phẩm từ xe đạp cho tới máy bay.
Kỹ thuật mới cũng sẽ giúp định hình được những sản phẩm vi mô một cách chính xác. Công nghệ nano đang đem tới cho các sản phẩm những tính năng nâng cao, như loại băng giúp liền vết thương, động cơ chạy hiệu quả hơn hoặc bát đĩa sứ được làm sạch dễ dàng hơn.
Với internet, các nhà thiết kế có thể hợp tác với nhau mà không còn gặp phải vấn đề khoảng cách. Ford thay vì xây dựng hẳn một nhà máy tại River Rouge, hoàn toàn có thể cho ra sản phẩm mới chỉ với một chiếc laptop.
Như mọi cuộc cách mạng khác, cuộc cách mạng lần này cũng sẽ tạo ra những cú sốc. Công nghệ điện tử đã làm rung chuyển ngành truyền thông và công nghiệp bán lẻ, cũng như các nhà máy dệt sợi đã từng tác động đến những khung cửi tại các hộ gia đình hay mô hình chữ T đã từng khiến những người thợ đóng móng ngựa mất việc. Rất nhiều người đang nghĩ về mô hình nhà máy mới mà rùng mình.
Sẽ không còn cảnh những người thợ người đầy dầu máy, đứng cạnh những chiếc máy dệt, thay vào đó, các công xưởng vắng hoe, chẳng khác gì sa mạc. Chỉ trong một thấp kỷ, các nhà sản xuất xe hơi có thể tạo ra sản lượng gấp đôi những gì đã từng được sản xuất.
Hầu hết nghề nghiệp đều làm tại các văn phòng thay vì các nhà máy, với toàn nhà thiết kế, kỹ sư, chuyên gia IT, logistics, nhân viên marketing… Những công việc liên quan tới sản xuất trực tiếp sẽ đòi hỏi những kỹ năng chuyên sâu hơn.
Cuộc cách mạng này sẽ không chỉ làm thay đổi cách người ta tạo ra sản phẩm, mà còn là địa điểm sản xuất. Nếu các nhà máy từng được di dời đến các quốc gia có nguồn lao động giá rẻ thì với cuộc cách mạng này, chi phí nhân công ngày càng trở nên ít quan trọng hơn.
Trong chiếc iPad đời đầu trị giá 499 USD thì chỉ có 33 USD chi phí nhân công sản xuất, trong đó 8 USD thuộc về khâu lắp ráp cuối cùng tại Trung Quốc.
Các dây chuyền sản xuất thuê ngoài đang được chuyển dần về các nước giàu hơn, không phải vì giá nhân công Trung Quốc đang tăng lên, mà vì họ muốn về gần với khách hàng của mình, để có thể phản ứng nhanh nhạy với những thay đổi trong nhu cầu. Hơn nữa, có những sản phẩm có kết cấu ngày càng phức tạp đang đòi hỏi người thiết kế và sản xuất ở cùng một nơi.
Tập đoàn Boston Consulting Group nhận ra rằng các lĩnh vực như giao thông vận tải, sản xuất máy tính, hợp kim và máy móc, hiện đang chiếm 10-30% giá trị hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc có thể được sản xuất hoàn toàn trong nước vào năm 2020, đẩy sản lượng nền kinh tế Mỹ tăng thêm 20-55 tỷ USD mỗi năm.
Cú sốc đổi mới
Người tiêu dùng sẽ không mấy khó khăn để thích nghi với các sản phẩm chất lượng cao của thế hệ mới. Nhưng các chính phủ thì có. Bản năng của họ là bảo vệ những nền công nghiệp và các công ty hiện có, chứ không phải nâng cấp để phá hủy những gì đang có.
Họ bơm tiền trợ cấp các doanh nghiệp cũ, kìm kẹp những ông chủ muốn đưa dây chuyền sản xuất ra nước ngoài, tiêu hàng tỷ hỗ trợ những công nghệ mới mà họ cho là sẽ thắng thế trong tương lai. Và họ đang cố níu giữ niềm tin rằng sản xuất thì tốt hơn dịch vụ.
Nhưng trên thực tế lại không như mong muốn của các chính phủ. Ranh giới giữa sản xuất và dịch vụ đang dần mờ đi. Rolls-Royce đã không còn bán động cơ phản lực, mà nó bán số thời gian mà mỗi động cơ bay qua bầu trời.
Chính phủ không giỏi trong việc chọn ra những xu hướng cho tương lai, đặc biệt là khi một đội quân các doanh nhân và chuyên gia trao đổi thiết kế trực tuyến, biến chúng thành sản phẩm tại nhà và quảng bá chúng trên toàn cầu chỉ từ một chiếc garage.
Khi cuộc cách mạng bùng nổ, tốt hơn hết là các chính phủ dựa vào những giá trị cơ bản: tạo ra môi trường đào tạo tốt hơn cho lực lượng lao động có tay nghề, những luật lệ rõ ràng và một sân chơi công bằng cho mọi doanh nghiệp, và để phần việc còn lại cho những người cải cách.
Nguồn: TTVN