Tên con cần hay về ngữ âm lẫn ngữ nghĩa
Việc đặt tên cho con tưởng như bình thường, tùy thuộc vào ý muốn của cha mẹ. Thực tế, đây là một lĩnh vực khoa học lý thú, thuộc bộ môn Nhân danh học – Một nghành của Ngôn ngữ học, ra đời và phát triển rất sớm ở các nước tiên tiến, ở nước ta.
PGS.TS Lê Trung Hoa, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội – Nhân văn TPHCM đã dày công nghiên cứu trong gần 40 năm qua để cho ra đời công trình khoa học "Họ và tên người Việt Nam".
Xin ông cho biết đôi điều về Nhân danh học?
Ở các nước Ây Mỹ, Nhân danh học ra đời trong những năm cuối thế kỷ 19 và rất phát triển với hàng trăm công trình đã được công bố. Ở nước ta, trước đây chỉ có vài cuốn sách đề cập về một vài vấn đề của họ và tên người Việt Nam như: Đại Việt lục triều đăng khoa lục của Nguyễn Hoản (1779), Quốc triều đăng khoa lục của Cao Xuân Dục (1894), Sơ thảo tự điển biệt hiệu Việt Nam của Nguyễn Nhật Tịnh, Nguyễn Thị Khuê Giung (1975)… Nhưng những cuốn sách kể trên không bàn luận kỹ mà chỉ có tính liệt kê. Năm 1964, trong một lần gác thi Tú tài, tôi tình cờ đọc cuốn Tên họ của người Việt Nam của Lê Bạt Tụy. Tôi đặc biệt thích thú với cuốc sách này, nhưng tự hỏi: Ủa, sao cuốn sách chỉ có 40 trang và chỉ thống kê được 308 tên họ? Thế là, tôi bắt đầu lao vào nghiên cứu về tên họ của người Việt Nam. Năm 1992, tôi công bố công trình nghiên cứu với 679 họ và in thành sách với tên gọi Họ và tên người Việt Nam. Năm 2002, sách của tôi tái bản bổ sung với 938 họ. Đến khi sách tái bản lần 3 vào năm 2005, tôi đã sưu tập được 1.050 họ của người Việt Nam.
Qua công trình này, chúng ta biết rõ nguồn gốc, diễn biến của các họ, tên đệm, tên chính của người Việt. Chẳng hạn, rất nhiều họ của người Kinh có nguồn gốc Trung Quốc; Các tên đệm như "Văn" dành cho nam và "Thị" dành cho nữ ngày càng ít dùng; Nhiều họ của đồng bào dân tộc mượn của người Kinh…
Theo ông, họ tên người Việt Nam bắt đầu có từ lúc nào?
Từ thế kỷ 2 trước Công nguyên, người Việt đã có họ và tên. Ví dụ như: Thục Phán, Cao Lỗ, Đào Nồi… Tên người Việt ngày xưa thường chỉ 2 tiếng. Sau này, họ tên người Việt đa dạng hơn. Theo thống kê, trong 448 nhân vật lịch sử trước CMT8, chỉ 1 người có họ tên 4 tiếng là Lương Thị Minh Nguyệt (tức Kiến Quốc Phu nhân, thời Lê Lợi). Ngày nay, tên họ nam giới có 4 tiếng chiếm 12,97% tên họ phụ nữ có 4 tiếng chiếm đến 71,15%.
Theo ông thì chức năng của tên họ là gì?
Nếu ai đó không có họ, tên thì chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi sống trong cộng đồng xã hội. Theo tôi, chức năng họ và tên nói chung dùng để phân biệt người này với người khác trong xã hội. Riêng tên chính và nhất là tên đệm dùng để phân biệt giới tính (tên đệm là "Văn" có nghĩa là trai, "Thị" có nghĩa là nữ). Ngoài ra, họ, tên còn có chức năng thẩm mỹ nên thường được chọn lựa khá kỹ về mặt ngữ âm, ngữ nghĩa.
Có nguyên tắc nào để đặt tên không, thưa ông?
Không có một nguyên tắc nào trong việc đặt tên, nhưng đối với tâm lý của người Việt, việc đặt tên rất quan trọng vì mỗi cái tên gắn chặt với mỗi con người. Điều này thể hiện qua câu tục ngữ: "Coi mặt đặt tên". Bởi vậy, trước khi đặt tên cho con, các bậc cha mẹ chọn rất kỹ. Họ căn cứ vào đặc điểm, giới tính của con, hoàn cảnh gia đình, dòng họ, quê hương, xã hội và cả ước vọng của chính bạn thân họ để gửi gắm vào cái tên đó.
Tên họ của người Việt có những đặc điểm gì?
Tâm lý của người Việt đã thể hiện rất rõ qua cách đặt tên chính cho con của mình. Một số người hiếm muốn hoặc đã có nhiều con gái mà chưa có con trai, khi đẻ được con trai đầu mừng quá mà đặt tên là Có. Người đông con con quá, không muốn đẻ nữa những "lỡ" đẻ thì đặt tên là Thôi, Dư, Thừa… Cha mẹ muốn nói lên mối quan hệ giữa mình với con cái hoặc muốn chúng giống mình thì đặt tên con cùng phụ âm đầu (Cha tên Biên thì con tên Bình, Bồng, Bưởi…); cùng vần (Mẹ tên Hà đặt tên con là Kha, Thoa…); cùng bộ chữ Hán (Mẹ tên Giang thì đặt tên con thuộc bộ Thủy như: Hà, Dương…). Cha mẹ mong ước con trở thành người đạo đức thì đặt tên con là Hiền, Thảo, Lương, Ngoan, Nhân, Lễ, Nghĩa… Muốn con cái mình tài giỏi thì đặt tên con là: Tài, Tuấn, Kiệt… Người muốn con khỏe mạnh thì đặt tên là: Cường, Tráng, Mạnh, Khỏe… Cha mẹ là nông dân thì đặt tên con là: Mùa, Màng, Bưởi, Bồng… Cha mẹ đặt tên con trùng với tên của các danh nhân, văn nghệ sỹ mà mình ái mộ. Có người còn lấy tên người yêu cũ để đặt tên cho con. Thậm chí, có người còn lấy tên người mình óan ghét đặt tên cho con để trả thù.
Nhưng tâm lý đặt tên con cũng thay đổi theo mỗi thời đại?
Đúng! Mỗi thời đại đều có một tân lý đặt tên khác nhau. Ngày xưa, đặt tên con trùng với tên người trên, người thân là điều cấm kỵ. Người bình dân sợ con mình bị "ma, quỷ bắt" thì đặt những tên xấu xí như: Đẹt, Còm, Chó, Mèo… Các nho sỹ thích đặt tên tự, hiệu, biệt hiệu cho con. Ngày nay, tâm lý lấy họ mẹ đặt tên đệm cho con dần dần phổ biến. Bên cạnh đó, đa số cha mẹ thời nay không muốn đặt tên con có đệm là "Văn", "Thị" nữa vì nó không còn chức năng thẩm mỹ nữa (theo khảo sát ngẫu nhiên ở trường PTTH Lê Hồng Phong, chỉ còn hơn 40% nữ sinh có tên đệm là Thị và 2,5 % nam sinh có tên đệm là Văn). Tên tục còn rất hiếm, chỉ có ở nông thôn. Tên chính là từ Hán Việt như Hùng, Anh, Minh, Nguyệt… ngày càng chiếm đa số. Trong khi đó, tên thuần Việt như Giàu, Có… thì ngày càng hiếm.
Ông có nghĩ rằng cái tên cha mẹ đã gửi gắm có ảnh hưởng đến cuộc đời của đứa trẻ?
Theo tôi, các bậc cha mẹ đặt tên cho con để gửi gắm ước mong hay để ghi dấu một điều gì đó có nghĩa với cuộc đời của họ là một việc chính đáng. Có người đặt tên con là Thống Nhất để ghi dấu sự kiện 30/04/75, ngày đất nước thống nhất. Có người đặt tên con là Trường Sơn để kỷ niệm những tháng ngày hành quân gian khổ trên đường Trương Sơn. Có những cái tên rất hay, rất ấn tượng như: Hạnh Phúc, Hòa Bình… Tuy nhiên, có những bậc cha mẹ quá kỳ vọng vào con cái nên đặt nhữung cái tên rất kêu khiến cho con cái đôi khi cảm thấy khó xử. Tôi ví dụ: Trường hợp có tên học sinh tên là Lê Xuất Sắc nhưng lực học em này chỉ ở mức bình thường nên thường bị bạn bè trêu chọc.
Ông có lời khuyên gì đối với những cặp vợ chồng trẻ khi đặt tên cho con?
Việc đặt tên con phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố tâm lý của bậc cha, mẹ và những người thân trong gia đình đóng vai trò quan trọng, không ai có thể can thiệp được. Dù vậy, các bậc phụ huynh khi đặt tên cho con cái của mình cũng cần dựa vào các yêu tố xã hội sau: Ngắn gọn để có thể làm tốt nhiệm vụ giao tế. Tên cần được chọn sao cho ít trùng người khác để có chức năng phân biệt. Tên nên thể hiện được sự khu biệt cơ bản của tự nhiên trong giới hữu sinh: Sự khu biệt giữa nam và nữ. Xã hội ngày càng thông minh thì nhu cầu thẩm mỹ càng cao. Do vậy, tên người cũng phải đặt sao cho hay về ngữ âm lẫn ngữ nghĩa.
Xin cảm ơn ông!
Theo mevabe