Có nhiều ý nghĩ cho rằng người đứng đầu nắm trong tay quyền lực và có thể sử dụng nó mọi lúc mọi nơi. Nhưng có mấy ai hiểu cho khi đã là người đứng đầu thì phải chấp nhận cả những "thiệt thòi". Phải là người có đầy đủ bản lĩnh của một nhà lãnh đạo thì mới có sức ảnh hưởng đến những người xung quanh, mối quan hệ và các nhân viên của mình.

 

Nhà lãnh đạo giỏi không chỉ phát huy hết khả năng trong lĩnh vực quản lý mà đôi khi họ phải "nhập vai" một cách xuất sắc ở những địa vị khác.

Người hòa giải khéo léo

Cuộc điều tra của Hiệp hội Quản lý Hoa Kỳ (AMA) 2003 đã cho thấy một nhà lãnh đạo giỏi phải biết cách phối hợp những người có công việc và mục đích khác nhau cùng nhau làm việc. Tất nhiên, sự phối hợp này sẽ nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Khi đó, khả năng hoà giải của nhà lãnh đạo mới cần được thể hiện. Nếu là người lãnh đạo giỏi, bạn phải biết lắng nghe những ý kiến khác nhau sau đó tìm ra sự nhất trí và mục tiêu chung để mọi người có thể làm việc cùng nhau.

Người có sức ảnh hưởng

Người ta ví von nhà lãnh đạo giỏi giống như động cơ của một chiếc máy. Nếu động cơ này hoạt động một cách tích cực, nhiệt tình với công việc, điều này sẽ ảnh hưởng tới các nhân viên. Ngược lại, nếu người lãnh đạo có thái độ tiêu cực đối với công việc thì cũng có tác động tương tự. Nếu bạn luôn than phiền rằng công việc thật nhàm chán và vô nghĩa thì chắc hẳn cấp dưới của bạn cũng không thể có động lực để cố gắng thực sự.

Hình mẫu lý tưởng

Nếu bạn có thời gian để nghĩ ra hàng trăm nội quy trong công ty mà lại không chịu bỏ ra 5 phút mỗi ngày để thực hiện một trong số đó thì bạn sẽ nhận được những cái nhìn không mấy thiện cảm từ nhân viên. Cấp dưới của bạn sẽ điều chỉnh tư chất của họ theo như những chuẩn mực mà bạn đặt ra. Cuộc điều tra AMA đã chỉ ra rằng việc cư xử gương mẫu là điều kiện tiên quyết giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo giỏi bởi mọi người sẽ nhìn vào bạn để biết họ nên làm việc như thế nào.

Người dũng cảm

Bà Rosalynn Carter – cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ đã từng phát biểu: "Lãnh đạo là người dẫn mọi người tới nơi mà họ muốn tới, còn lãnh đạo giỏi là người dẫn mọi người tới nơi mà họ không muốn nhưng nên tới". Đôi khi bạn phải đưa ra một quyết định mà các nhân viên của bạn không đồng tình. Cũng có khi bạn cần phê phán nhân viên, nhưng phê phán một cách có tính xây dựng. Một lãnh đạo giỏi không thể là người nhu nhược và mềm yếu.

Người có tầm nhìn rộng

Tổ chức của bạn cần đi tới dâu, và sẽ đi tới đó bằng cách nào? Đó là câu hỏi mà không ai khác chính bạn phải là người trả lời. Bạn cần truyền đạt những kinh nghiệm và kiến thức của mình với cấp dưới. Điều này không phải để chứng tỏ bạn có cái đầu thông minh hơn người khác. Khi trao đổi với nhân viên, cùng với những ý kiến của họ, bạn sẽ nhận thấy những điều thú vị và có được nhiều thiện cảm của cấp dưới. Khoảng cách không quá xa của người lãnh đạo và nhân viên cũng là một trong những yếu tố giúp công việc được giải quyết một cách thuận lợi hơn.

Người đáng tin cậy

Bạn có phải là chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp, tổ chức của mình không? Họ có thể tin tưởng để bạn là người dẫn đường không? Mọi người chỉ có thể sẵn sàng đi theo một người nếu như họ biết anh ta sẽ đem lại lợi ích cho họ, quan tâm đến quyền lợi của họ. Một nhà lãnh đạo giỏi không chỉ làm việc cho bản thân anh ta, hơn thế, anh ta phải bảo đảm cho tổ chức có được sự thành công. Nếu như tổ chức thất bại, anh ta phải là người đứng ra nhận trách nhiệm. Ngược lại, khi tổ chức thành công, anh ta sẽ tạo dựng được lòng tin và uy tín trong nhân viên của mình. Và tất nhiên, một nhà lãnh đạo giỏi phải luôn kiên định mục tiêu, dẫn dắt tổ chức đi đến mục tiêu đã đề ra, và là người tiên phong đi đầu trong mọi hoạt động.