Ứng dụng CNTT, đặc biệt là thương mại điện tử để mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm truyền thống không phải là vấn đề mới, nhưng ứng dụng như thế nào để mang lại hiệu quả lại chưa bao giờ là câu chuyện cũ. Không phải đến bây giờ, những đặc sản của làng nghề Việt Nam mới được đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới, nhưng cho đến bây giờ, cách thức quảng bá và tiếp thị những sản phẩm này trên môi trường online vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề cần được tháo gỡ.
Ứng dụng thương mại điện tử : Từ các làng nghề…
Bắc Ninh được biết đến là một địa phương có nhiều sản phẩm truyền thống có giá trị như Tranh Đông Hồ, Gốm Phù Lãng, Đồ gỗ Đồng Kỵ. Nếu như trước đây, những sản phẩm này chủ yếu được phân phối trực tiếp đến những cửa hàng lưu niệm trong nước, bán trực tiếp cho khách du lịch về thăm làng nghề… hay cao cấp hơn là tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm cả ở trong và ngoài nước, thì nay, mỗi cơ sở sản xuất đều có website riêng.
Mẫu mã mới, sản phẩm độc đáo được chụp hình và đăng tải trên website kèm theo những mô tả khá chi tiết… đã giúp những cơ sở làng nghề này bán được hàng cho khách hàng ngoài nước thông qua website.
Theo chị Phạm Thanh Hương, Phó Giám đốc Công ty gốm Nhung: “Chúng tôi bắt đầu thành lập trang web từ cuối năm 2007, ban đầu cũng có đơn hàng đầu tiên từ khách hàng Thái Lan. Tổng số đơn hàng qua website đến thời điểm này chiếm khoảng 35% tổng số đơn hàng. Đầu năm 2008, số đơn hàng nhiều hơn gồm những đơn hàng của Thái Lan, Đài Loan, Hà Lan”.
Không chỉ những doanh nhân trẻ như chị Phạm Thanh Hương mới thấy được hiệu quả và mạnh dạn ứng dụng CNTT để mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm của cơ sở mình mà người đã ở cái tuổi xưa nay hiếm như Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cũng quyết tâm đưa “Lợn âm dương”, “Đám cưới chuột”, “Hứng dừa” ra khỏi lũy tre làng thông qua môi trường internet.
Nghệ Nhân Nguyễn Công Chế cho biết: “Sở Công thương Bắc Ninh giúp cho chúng tôi có được trang web và tôi cũng phân công cho con cháu học hỏi, cập nhật những thông tin của tranh Đông Hồ cho khách hàng ở trong và ngoài nước”.
Câu chuyện doanh nghiệp làng nhận đơn hàng online từ khách nước ngoài không còn là câu chuyện hiếm ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, dù nhận thức của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tăng lên, thì cũng mới chỉ dừng ở việc biết sử dụng email, biết đưa những thông tin cần thiết lên website của mình, còn việc làm như thế nào để website đó được nhiều người biết đến thì không phải doanh nghiệp nào cũng nghĩ đến.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại, Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Nhiều doanh nghiệp chưa quen với ứng dụng CNTT nên hoạt động thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề đó đòi hỏi phải có thời gian”.
Còn theo ông Trần Đình Toản, Phó Giám đốc OSB: “Khi tham gia những gian hàng trên mạng, hay xây dựng website cũng giống như một vài doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm. Nhà cung cấp chỉ cung cấp cho chúng ta một gian hàng cơ bản, còn việc gian hàng bày trí ra sao, việc bố trí đội ngũ tiếp tân tiếp xúc với khách hàng như thế nào là rất quan trọng, nếu các gian hàng chỉ lèo tèo vài sản phẩm, dịch vụ, cách thức tiếp xúc với khách hàng không chuyên nghiệp thì chắc chắn là không thu hút được khách hàng so với những gian hàng khác”.
… Đến những doanh nghiệp xuất khẩu
Việc sử dụng email trong giao dịch thương mại, lướt web để tìm kiếm thông tin thị trường có thể coi là một kỳ tích tại các doanh nghiệp làng, thì câu chuyện tại những doanh nghiệp xuất khẩu lại không thể chỉ dừng ở đó. Với 33 thành viên; lại có thị trường tại hơn 60 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, nhưng CNTT và đặc biệt là thương mại điện tử vẫn rất quan trọng với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội nhằm thực hiện mục tiêu mở rộng kênh tiếp xúc với khách hàng, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường.
Ông Chu Xuân Kiên – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho rằng: “Thông qua trang web, chúng tôi có những thông tin đối với khách hàng, giới thiệu những sản phẩm của Tổng Công ty đến khách hàng. Ngược lại chúng tôi cũng có những giao dịch thường xuyên thông qua email và hợp đồng thương mại điện tử thông qua thương mại điện tử. Trước đây thông qua bản fax nó mất rất nhiều thời gian mà chi phí rất cao”.
Nhận thức về thương mại điện tử, cách thức để ứng dụng thương mại điện tử không phải là vấn đề quá lớn tại các doanh nghiệp có kinh nghiệm với hoạt động xuất nhập khẩu như Tổng Công ty Thương mại Hà Nội nhưng cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu hiện nay đã thu hẹp đáng kể thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam và lúc này, Internet trở thành một môi trường lý tưởng để tìm kiếm đối tác mới.
Ông Trần Đình Toản, Phó Giám đốc OSB cho rằng: “Trước kia người ta có thể dễ dàng tham gia một vài hội chợ triển lãm, đi một vài chuyến công tác nước ngoài chi phí cũng khá lớn, bây giờ người ta không thể làm điều đó, người ta phải tìm ra cái gì mới để làm sao chi phí nó hợp lý, hiệu quả cao, chính vì thế người ta ứng dụng thương mại điện tử. Đó là giải pháp tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh hiện nay”.
Cần những kênh xúc tiến hiệu quả
Hanoi Moment là một trong những cửa hàng lưu niệm đã có thương hiệu với khách du lịch nước ngoài khi đến Hà Nội. Với 3 cửa hàng nằm trên những tuyến phố quen thuộc với khách du lịch nước ngoài, lại có hệ thống website được đầu tư chuyên nghiệp, nhưng doanh nghiệp này vẫn quyết định tham gia chương trình thử nghiệm bán lẻ trực tiếp xuyên biên giới sang thị trường Mỹ thông qua mạng thương mại điện tử eBay.
Chỉ sau hơn 1 tháng tham gia, doanh nghiệp này đã bán được những chiếc xe máy hay đồng hồ làm bằng giấy lên đến 40 USD, gấp 4 lần giá bán tại cửa hàng VN, đạt tỷ lệ lợi nhuận tới 400%. Ông Lê Xuân Yên, Chủ cửa hàng Hanoi Moment cho biết: “Chúng tôi có 3 cửa hàng chuyên trưng bày các sản phẩm thủ công Mỹ nghệ của Việt Nam bán trực tiếp cho khách nước ngoài . Chúng tôi nhận thấy Chodientu – Ebay cũng là 1 kênh có thể tiếp thị sản phẩm của chúng tôi đến khách nước ngoài tốt hơn. Qua thời gian thử nghiệm cũng đã có 1 số phản hồi tương đối tích cực từ khách hàng, trong thời gian tới chúng tôi có kế hoạch lựa chọn những sản phẩm đặc trưng hơn nữa để đăng tải thêm lên và hi vọng sẽ có những kết quả khả quan hơn”.
Bán hàng trực tiếp ra nước ngoài không chỉ giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường mà còn tối đa hóa lợi nhuận. Nắm bắt được nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam, những sàn thương mại lớn trên thế giới như Alibaba, Ebay đã đẩy mạnh các hình thức quảng bá nhằm thu hút các khách hàng Việt Nam thông qua các đối tác uy tín tại thị trường này.
Liên doanh giữa những sàn Thương mại lớn trên thế giới và những website mua bán trong nước không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể bán hàng trực tiếp đến người dùng trên toàn thế giới, mà thông qua đó cũng được rèn luyện các kỹ năng bán hành xuyên biên giới và nắm bắt được thông tin về thị trường bán lẻ.
Song song với việc bán hàng trực tiếp, thì việc tìm kiếm thông tin về bạn hàng tiềm năng tại các thị trường trọng điểm cũng như tìm kiếm thông tin về đối thủ cạnh tranh cũng là những lợi thế mà Internet có thể mang lại cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong vô số những thông tin trôi nổi trên Internet, thông tin nào chính xác và đáng tin cậy, kênh xúc tiến nào sẽ mang lại hiệu quả là vấn đề các doanh nghiệp mon muốn được tiếp cận.
Cho đến thời điểm này nhận thức về thương mại điện tử không còn là rào cản để đưa ứng dụng này vào hoạt động xuất nhập khẩu, tuy nhiên những nhận thức để có thể kinh doanh hiệu quả trên môi trường mạng vẫn là một hành trình gian nan. Sức ép tìm kiếm bạn hàng mới, sức ép từ yêu cầu đừng vững và phát triển trong khủng hoảng đang thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tìm đến những kênh xúc tiến hiệu quả. Mặc dù vậy, để trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để xuất khẩu online thực sự mang lại hiệu quả” thì câu trả lời không chỉ phụ thuộc vào bản thân các doanh nghiệ