Khủng hoảng – một lý do khiến phong trào xanh hoá có nguy cơ đi xuống đặc biệt trong giới kinh doanh. Nhiều nhà kinh doanh cố bám lấy cách suy nghĩ đã mòn lối rằng các hoạt động vì môi trường luôn khiến họ phải hao tốn tiền của.
Vì vậy, tại thời điểm kinh tế khó khăn, họ chẳng thể thoát mình ra khỏi mối băn khoăn: “Liệu đây có phải là lúc để nghĩ đến bảo vệ môi trường hay không? Và liệu rằng chúng ta có thể trang trải các chi phí phát sinh hay không?”
Lúc này, các diễn đàn toàn cầu đều xoay quanh chủ để làm thế nào để ổn định nền kinh tế thế giới; mọi người hăng hái đưa ra sáng kiến về các gói kích thích kinh tế toàn diện trên quy mô ngành và quy mô quốc gia. Thế nhưng, làm sao toàn bộ nền kinh tế có thể phục hồi nếu từng công ty riêng lẻ không tự tìm được hướng đi cho mình?
Tôi chắc rằng câu hỏi về việc làm thế nào để chúng ta vừa tiếp tục bảo vệ môi trường vừa có thể trụ vững qua khủng hoảng là một bài toán khó với mọi nhà kinh doanh. Vậy tại sao bạn không hướng tới các hoạt động của mình theo hướng bền vững, chắc chắn chúng sẽ đưa bạn ra khỏi sự rối ren này.
Một trong những mục tiêu chủ chốt của định hướng vì môi trường chính là giúp chúng ta làm được nhiều việc hơn chỉ với một khoản đầu tư thấp hơn để từ đó tiết kiệm được cả nguồn lực tài chính và vật chất. Đừng để lối nghĩ thiển cận cũng như cuộc khủng hoảng hiện giờ khiến bạn chùn bước khỏi những nỗ lực bảo vệ môi trường bởi đó rõ ràng là một sai lầm nghiêm trọng.
Các doanh nghiệp chẳng những không được trì hoãn những nỗ lực vì môi trường mà ngược lại, họ càng cần kiên trì theo đuổi những định hướng đã đề ra để nhanh chóng tiết kiệm chi phí và chuẩn bị cho tương lai. Những doanh nghiệp có khả năng vượt qua điều kiện ngặt nghèo sẽ sống sót qua khủng hoảng và tạo dựng được vị thế cạnh tranh hơn hẳn các đối thủ của mình.
Sự thực là, bất chấp những mối lo toan hiện tại về kinh tế, từng ngày từng giờ, các doanh nghiệp vẫn bị hối thúc phải dành một phần trong các hoạt động của mình cho môi trường. Hiện tượng môi trường suy thoái như biến đổi khí hậu toàn cầu và khan hiếm nước sạch tiếp tục làm đau đầu những người có trách nhiệm.
Những động lực có tác động vô cùng mạnh mẽ như đòi hỏi về sự minh bạch dựa trên nền tảng công nghệ, sự mất cân đối bấy lâu giữa cung và cầu dầu mỏ cùng hầu hết các nguồn lực thiết yếu khác chẳng phải vẫn liên tục thúc ép giới kinh doanh phải hành động đó sao?
Đi sâu hơn vào những vấn đề của cuộc sống, các bên có liên quan về mặt quyền lợi với doanh nghiệp đặc biệt là đối tượng khách hàng doanh nghiệp – những tổ chức cũng đang xanh hoá chính các chuỗi cung ứng của mình – đặt ra đòi hỏi ngày càng khắt khe với các đối tác về việc bảo vệ môi trường; họ yêu cầu các nhà cung cấp của mình phải giảm thiểu lãng phí, kiểm soát việc sử dụng năng lượng và chi phí.
Các nhân viên của bạn, thậm chí cả những cá nhân đang chịu áp lực tài chính, vẫn muốn công ty mà họ đang làm việc hoặc đang sử dụng hàng hóa/dịch vụ phải theo đuổi một chuẩn mực môi trường và thể hiện trách nhiệm xã hội ở mức độ nào đó. Thực chất, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vượt lên trên cả mối bận tâm về mặt tài chính, những nỗ lực vì môi trường của doanh nghiệp chính là điều nhân viên của bạn mong mỏi hơn cả.
May sao, ở các doanh nghiệp, giải pháp cho các vấn đề kinh tế và môi trường đôi khi là một. Một chiến lược và chiến thuật có thể được dùng để giải quyết đồng thời những thách thức môi trường lâu dài và khó khăn về mặt kinh tế.
Nếu tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, bạn vừa hạ thấp được chi phí sản xuất vừa giảm được lượng khí thải carbon ra môi trường. Chưa hết, khi giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng thì bạn còn góp phần nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp mình so với tương quan trên thị trường bất chấp sự lên xuống thất thường của giá năng lượng. Có bao giờ bạn nghĩ rằng một việc mình làm sẽ giúp công ty của bạn vừa giành được thị phần vừa chủ động giúp khách hàng kiểm soát được các tác động của môi trường và tiết kiệm chi phí chưa?
Như vậy, rõ ràng, bạn đã có thể góp phần ngăn chặn nhiều thách thức về mặt môi trường hơn là khi chỉ chăm chăm giải quyết các vướng mắc môi trường của riêng mình. Chỉ khi gắn kết được mọi người trong những dự án đem lại lợi ích đôi bên bao gồm việc vừa tiết kiệm tiền của cho công ty vừa bảo toàn được lợi ích và tài sản chung của chính bản thân người lao động thì bạn mới có thể vực dậy được tinh thần của nhân viên và giữ vững doanh nghiệp trước sóng gió.
Trong nhiều trường hợp, thách thức về kinh tế và môi trường là một. Chẳng hạn với cùng môt hoạt động cụ thể, một mặt chúng ta gia tăng quá đà các nguồn lực tài chính nhưng đồng thời, cũng với chính hoạt động đó, chúng ta đã bành trướng quá đỗi, xâm chiếm dần và đe doạ môi trường xung quanh. Và đó chẳng phải là sai lầm chúng ta đang mắc phải với việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên sao? Đây chẳng phải là thời điểm loại bỏ những gì không còn cần thiết để sáng tạo và phát triển theo hướng đi mới tiến bộ và khôn ngoan hơn sao?
Mỗi doanh nghiệp, mỗi nền kinh tế đòi hỏi cách thức đương đầu với khủng hoảng khác nhau bởi vậy, tôi không hề có tham vọng đưa ra liều thuốc chữa bách bệnh. Vì thế, việc này đòi hỏi bạn phải linh hoạt trong tình huống cụ thể xảy ra với chính mình.
Như vậy, rõ ràng, bạn đã có thể góp phần ngăn chặn nhiều thách thức về mặt môi trường hơn là khi chỉ chăm chăm giải quyết các vướng mắc môi trường của riêng mình. Chỉ khi gắn kết được mọi người trong những dự án đem lại lợi ích đôi bên bao gồm việc vừa tiết kiệm tiền của cho công ty vừa bảo toàn được lợi ích và tài sản chung của chính bản thân người lao động thì bạn mới có thể vực dậy được tinh thần của nhân viên và giữ vững doanh nghiệp trước sóng gió.