Mất cân đối cung cầu về giấy, ai thiệt?

Mất cân đối cung cầu về giấy, ai thiệt?Việc giá giấy và các nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất giấy tăng liên tục trong thời gian qua đã khiến cho nhiều nhà in, các cơ quan báo chí và người tiêu dùng gặp không ít khó khăn. Mặc dù các bộ ngành chức năng đã triển khai một số giải pháp nhằm giải quyết tình trạng “sốt” giấy, thế nhưng đó mới chỉ là những biện pháp trước mắt, về lâu dài, nếu chúng ta không kịp thời điều chỉnh để có kế hoạch và chiến lược phát triển ngành giấy thì việc bị tác động về giá và những cơn “sốt” giấy sẽ còn tiếp tục xảy ra.

"Bất ổn" thị trường giấy

Dấu hiệu thiếu giấy không chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây mà đã xuất hiện từ cuối năm 2007, ban đầu là giấy bao bì công nghiệp, đến nay đã lan sang cả giấy in báo, giấy in và giấy viết.

Giấy tại nhà máy giấy Tân Mai, Biên Hòa

Giấy cuộn tại nhà máy giấy Tân Mai, Biên Hòa

Theo phản ánh từ các nhà in, từ đầu năm đến nay, mặt hàng giấy đã 5 lần tăng giá liên tục và đẩy giá giấy tăng lên gần 43% so với thời điểm trước tháng 12/2007. Đã vậy, nguồn cung lại khan hiếm khiến cho các nhà in trở nên khốn đốn vì không mua được giấy in. ThS. Nguyễn Quỳnh Thắng, Giám đốc nhà in báo Nhân dân Hà Nội cho biết, nhà in hiện đang hợp đồng in ấn cho gần hai chục tờ báo trên địa bàn Hà Nội, mỗi tháng nhà in phải sử dụng từ 550-600 tấn giấy. Trong đó, Công ty CP giấy Tân Mai chỉ đáp ứng được khoảng 65% -70%, số còn lại phải phụ thuộc vào giấy nhập. Tuy nhiên, trước các biến động về giá, nhà in đã gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, hầu hết các nhà in ở phía Bắc khi thỏa thuận, ký kết hợp đồng với các đối tác đều lấy mức giá của Công ty CP giấy Tân Mai làm chuẩn. Trong bối cảnh Công ty Tân Mai không đáp ứng được một nửa so với nhu cầu thì sẽ cực kỳ khó khăn cho các nhà in vì giá nhập khẩu giấy của nước ngoài rất cao, thường có sự chênh lệch từ 3 triệu đến gần 4 triệu/ tấn so với giá giấy cùng loại trong nước.

Không chỉ giấy in báo khó khăn, các loại giấy khác cũng đồng loạt tăng giá. Theo lãnh đạo Công ty văn phòng phẩm Hồng Hà cho biết, giá giấy tăng cao và thiếu nguồn cung như hiện nay sẽ là nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch cung cấp sách vở cho năm học mới của ngành giáo dục.

Sẽ đáp ứng đủ nhu cầu?

Trước thực trạng giá giấy liên tục leo thang, ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng Kế hoạch – TCT giấy Việt Nam cho biết, việc tăng giá giấy trong thời gian qua là trường hợp bất khả kháng. Bởi trong bối cảnh tất cả các nguyên liệu đầu vào để sản xuất giấy đều tăng. Ngoài ra, giá giấy in báo tăng cao cũng một phần do giá trên thị trường thế giới tăng, cộng thêm thuế nhập khẩu mặt hàng này ở mức cao cho nên các doanh nghiệp không dám nhập về do sợ giá cao và không bán được hàng đã gây ra hiện tượng "sốt" giấy như vừa qua. Để chuẩn bị cho kế hoạch cung cấp giấy trên thị trường 6 tháng cuối năm không còn các nào khác, TCty Giấy Việt Nam phải mở rộng nhập khẩu giấy, đặc biệt là giấy in báo, đồng thời gửi các văn bản tới các cơ quan chức năng đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này. Dự kiến trong thời gian tới sẽ có khoảng 100 nghìn tấn giấy in báo được nhập về đáp ứng nhu cầu trong nước, còn các loại giấy khác sẽ tiếp tục nhập khẩu với khối lượng vào khoảng 500-600 nghìn tấn. Tuy nhiên về lâu dài, ông Ngọc cũng cho biết: TCty sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất giấy in báo với công suất 130.000 tấn/năm do Công ty CP giấy Tân Mai thực hiện (đầu năm 2009 sẽ đi vào hoạt động và cung cấp giấy ra thị trường), qua đó sẽ đáp ứng được 70% – 80% nhu cầu). Đồng thời, để tận dụng nguồn gỗ nguyên liệu làm giấy và phát triển ngành, TCty sẽ đầu tư xây dựng một số nhà máy sản xuất bột giấy với công suất lớn như nhà máy sản xuất bột giấy của Công ty CP giấy Tân Mai 150.000 tấn/năm, nhà máy bột giấy Tuyên Quang 130.000 tấn/năm, nhà máy bột giấy Long An 400.000 tấn/năm, nhà máy bột giấy Bình Dương 200 tấn/năm. Tuy nhiên, về trước mắt, giá giấy sẽ tiếp tục tăng nhưng ở mức không cao với sự dao động vào khoảng từ 400 nghìn đến 500 nghìn đồng/tấn, ông Ngọc khẳng định.

Tổng công ty giấy Việt Nam, Hiệp hội giấy Việt Nam và CTCP giấy Tân Mai vừa có biên bản bàn các biện pháp sản xuất giấy để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo đó, Tổng công ty Giấy tập trung sản xuất giấy in, giấy viết và cam kết cung cấp 70.000 tấn giấy in, giấy viết trong 6 tháng cuối năm 2008, CTCP giấy Tân Mai tập trung sản xuất giấy in báo và cam kết cung cấp 42.000 tấn giấy in báo và 25.000 tấn giấy in, giấy viết, Hiệp hội Giấy kêu gọi các nhà in sách/báo và sản xuất vở viết cùng các cơ quan liên quan tham gia nhập khẩu giấy để bù lượng giấy còn thiếu đáp ứng nhu cầu trong nước.

Theo Sức khỏe và đời sống