Nói đến TTTT người ta hay nhắc đến cơ sở hạ tầng vì đối với TTTT, Internet và viễn thông được ví như huyết mạch giao thông của một quốc gia. Với năng lực và thực tế triển khai của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này trong thời gian qua có thể nói, hạ tầng Internet và viễn thông ở Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của TTTT. Hiện cáp ADSL đã được kết nối đến tận các xã; các công ty viễn thông di động cũng đã phủ sóng khắp 63 tỉnh, thành, thậm chí ra cả đảo xa. Một số công nghệ cao như Wimax, 3G đang được các công ty Internet, viễn thông thử nghiệm và sẽ đưa vào khai thác trong tương lai gần. Không những thế, với tỷ lệ thuê bao Internet và viễn thông lớn như hiện nay (48 thuê bao ĐTDĐ/100 dân và 24 thuê bao Internet/100 dân), Việt Nam là một thị trường TTTT hấp dẫn.
Về chính sách, TTTT cũng nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng thể hiện qua Nghị Định 92 về TT không dùng tiền mặt, các nghị định về chữ ký số và dịch vụ chữ ký số, Internet… Bộ TTTT còn thành lập 2 tổ chức là trung tâm Chứng Thực Số Quốc Gia và trung tâm Ứng Cứu Khẩn Cấp Máy Tính Việt Nam để khắc phục các sự cố.
Bắt kịp thời cơ của TMĐT, rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ (DV) TTTT ra đời như Paynet, Payoo, MobiVi, Vietpay, Onepay… Ngay cả các ngân hàng cũng tham gia vào thị trường này với nhiều DV TT qua Internet, qua ĐTDĐ. Tập đoàn TT hàng đầu thế giới Master Card mới đây cũng đã ký hợp tác với liên minh thẻ Smartlink, cho ra đời Cổng TT Smartlink – Master Card cho phép các chủ thẻ nội địa của các ngân hàng thành viên Smartlink thực hiện TTTT với các website bán hàng bằng các loại thẻ quốc tế thông dụng như Visa, MasterCard, American Express, JCB, Diners Club.
Những tín hiệu trên cho thấy sự hấp dẫn của thị trường TTTT. Tuy nhiên, để TTTT thực sự không còn là rào cản của TMĐT thì vẫn còn nhiều việc cần tháo gỡ.
Xu hướng thanh toán di động
TTTT gồm nhiều hình thức như: TT qua thẻ, Internet, điện thoại di động (ĐTDĐ), tại các POS (Points of Sale – điểm bán lẻ)… Trong đó, TT trên ĐTDĐ là hình thức khá phổ biến ở các nước đang phát triển. Đây cũng là xu hướng đang hình thành tại Việt Nam. Trong khi ở các nước phát triển, người dân đã quen với thẻ tín dụng thì ở Việt Nam, rất ít người dân có thẻ tín dụng (phân biệt với thẻ ATM). Trong khi đó, số lượng người sử dụng ĐTDĐ ở Việt Nam rất cao (hơn 40 triệu thuê bao, chiếm 45% dân số). Thêm vào đó, ĐTDĐ ngày càng có nhiều tính năng. Đây là lý do để nhiều nhà cung cấp DV TTTT nhắm đến thị trường này.
Ngoài các lý do về thói quen tiêu dùng và tiềm năng của thị trường TT qua ĐTDĐ ở Việt Nam thì xu hướng phát triển TMĐT trên thế giới hiện nay cũng đang chuyển từ e-commerce (TMĐT) sang m-commerce (thương mại trên ĐTDĐ). Nhiều nhà cung cấp DV viễn thông trong nước cũng đang chạy đua để phát triển ĐTDĐ thành phương tiện TT mới. Ông Tống Việt Trung, phó tổng giám đốc Viettel cho biết: DV TT di động được dự báo sẽ trở thành phương thức TT chính trong tương lai. Và ông Trung lý giải: Điều này do tính phổ cập của DV; tính di động và khả năng kết nối ở mọi lúc mọi nơi; khả năng kết nối dễ dàng và dễ kiểm chứng với các hệ thống ngân hàng với các hệ thống thanh toán khác. Ngoài ra, giải pháp TT qua di động có tính khả thi cao do chi phí cho việc triển khai thấp và tính bảo mật cao khi ứng dụng nhiều công nghệ mới như USSD, DSTK.
Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là hầu hết các giao dịch trực tuyến hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc mua thẻ trả trước cho tài khoản di động, TT tiền điện, nước hàng tháng. Để mở đường cho DV TTTT, mạng di động Viettel, MobiFone đã triển khai DV TT cước trả sau bằng thẻ trả trước, DV chuyển tiền giữa các thuê bao di động, DV mua thẻ trả trước qua điện thoại… Mạng Viettel cũng đang phối hợp với Smartlink để nghiên cứu và thử nghiệm DV TT trên điện thoại di động hướng đến việc cung cấp DV cho đối tượng khách hàng chưa có tài khoản tại ngân hàng.
Còn vướng nhiều khâu
Đây là nhận định chung của nhiều website bán hàng qua mạng. Ông Phùng Minh Bảo, giám đốc điều hành website Vietco cho biết trang web này đã áp dụng khá nhiều hình thức TTTT như thu tiền qua SMS, ví điện tử Payoo… nhưng cho đến giờ vẫn chủ yếu là nơi cung cấp thông tin cho khách hàng tham khảo, số lượng giao dịch có TT trực tuyến chiếm tỉ lệ rất thấp. Hay như công ty cổ phần Thương Mại Xuất Nhập Khẩu Chọn và Mua hiện đang hầu như áp dụng tất cả các hình thức TTTT có ở Việt Nam nhưng ông Dương Ngọc Hiếu, giám đốc công ty vẫn cho rẵng “vướng mắc lớn nhất của TMĐT ở Việt Nam là khâu TT”
Theo báo cáo của Frost & Sullivan thì doanh thu DV thương mại di động toàn cầu năm 2008 đạt mức 60 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2007. Dự báo đến năm 2009 doanh thu thương mại di động sẽ đạt mức 80 tỷ USD, trong đó riêng khu vực châu Á chiếm 1/3.
Theo lý giải của ông Hiếu, tuy có rất nhiều công ty TTTT ra đời nhưng DV này vẫn chưa phát triển được do thủ tục kết nối ngân hàng quá phiền phức. Hiện có rất ít ngân hàng chấp nhận để các công ty TTTT kết nối để nạp tiền hoặc rút tiền từ các giao dịch online. Bên cạnh đó, nhiều website bán hàng qua mạng đưa ra các thủ tục nộp vào tài khoản để TT hoặc các bước TT còn quá phức tạp. Đây cũng là lý do khiến người dùng vốn có thói quen dùng tiền mặt càng xa lạ với TTTT. Trong khi đó, thông tin về các công ty TT trực tuyến lại mờ nhạt, mơ hồ khiến họ không có đủ niềm tin để sử dụng DV.
Một nguyên nhân khác theo ông Bảo là do phí kết nối giữa website bán hàng với DV xử lý thẻ quá cao so với mặt bằng doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí cao hơn cả mức phí DV tương tự ở nước ngoài. Được biết, tại Việt Nam, nếu một website bán hàng muốn sử dụng DV trung gian xử lý thẻ phải trả 1.000 USD phí thiết lập và 100 USD/tháng phí duy trì. Chi phí này nếu so với doanh thu của một website bán hàng là quá cao vì phần lớn các website mua bán qua mạng hiện vẫn ở giai đoạn đầu tư chứ chưa dám nghĩ đến hoàn vốn và sinh lời.
Về những vướng mắc trên, bà Tú Anh, đại diện liên minh thẻ Smartlink cho biết, nền tảng của Smartlink là kết nối hệ thống POS và ATM giữa các NH và các mạng chuyển mạch khác trên thị trường. Những năm trước đây Smartlink tập trung vào hoàn chỉnh việc kết nối hệ thống, kể từ đầu 2009 Smartlink bắt đầu tham gia vào thị trường TMĐT. DN sẽ không phải tham gia kết nối với từng NH tạo ra kết nối mạng nhện khổng lồ mà thông qua những công ty cung cấp cổng TT như Smartlink, DN chỉ cần 1 đầu mối kết nối để kết nối được với tất cả các NH. Tuy nhiên, chất lượng kết nối phục vụ TTTT còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: mạng, dung lượng đường truyền. Ngoài ra, tùy thuộc vào năng lực DN, quản trị website bán hàng ra sao, nguồn nhân lực hỗ trợ việc TTTT như thế nào, các chính sách cho khách hàng, hậu mãi, giải quyết khiếu kiện… Bản thân DN cũng phải nâng cao năng lực pháp lý, các điều kiện, điều khoản khi bán hàng để khi mua hàng khách hàng thấy an toàn, tiện lợi và bảo mật.
“Đối với thị trường TT tại Việt Nam hiện nay, với tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng còn thấp (chưa đến 10%), hạ tầng mạng lưới ngân hàng với hệ thống ATM, POS còn ít thì giải pháp TT qua di động sẽ có tiềm năng lớn và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc gia tăng điểm chấp nhận TT. Mỗi chiếc ĐTDĐ sẽ trở thành một điểm chấp nhận TT và mỗi đại lý, cửa hàng sẽ trở thành điểm giao dịch để đăng ký, rút tiền/nộp tiền”, ông Tống Viết Trung, phó tổng giám đốc Viettel.