Bất cập trong đào tạo nhân lực ngành chế bản in

Bất cập trong đào tạo nhân lực ngành chế bản inNgành in là một trong những ngành đi đầu trong việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến của thế giới vào thực tiễn sản xuất. Điều này đã làm thay đổi diện mạo ngành in và chúng ta có thế tự hào là không hề thua kém các nước trong khu vực và thậm chí trên thế giới nếu so sánh về trang thiết bị. Nhưng trong quá trình phát triển càng ngày những điểm yếu kém càng bộc lộ và chính nó đang kìm hãm sự phát triển của ngành, làm cho những dự án đầu tư lớn hay nhỏ gặp khó khăn khi phát huy hết công năng tác dụng của thiết bị. Vấn đề này trở nên bức thiết trong lãnh vực chế bản in và bài viết này muốn gióng lên một hồi chuông cảnh báo về thực trạng tay nghề và kiến thức của nguồn nhân lực đang làm việc trong ngành.

Trong một thời gian ngắn nhiều ngành nghề mất đi và nhiều ngành nghề mới xuất hiện

Với việc ứng dụng Desktop Publishing mà cụ thể là máy tính MAC với phần mềm PageMaker cùng với công ty Liksin và CINOTEC với font chữ postscript cho tiếng Việt vào những năm 1989 – 1990 việc sắp chữ thủ công bằng con chữ chì đã có thể đưa vào quá khứ. Khi Ventura trên máy PC cùng với Coreldraw trở nên phổ biến với việc in giấy can thì năm 1994 xi nghiệp đúc chữ chì đã giải thể đánh dấu một cột mốc quan trọng của ngành In Việt nam đó là quá trình offset hóa đã hoàn thành.

Trong thời gian này Desktop publishing mới chỉ giải quyết được vấn đề dàn trang và sắp chữ.Việc tách màu hình ảnh bắt đầu được ứng dụng công nghệ mới với máy tách màu điện tử Hell ER 399 ( 1989)  tại  Xí nghiệp chế bản Liksin và tiếp sau đó là máy Hell DC 380. Các máy tách màu điện tử này đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành in khi việc tách màu quá dễ dàng và nhanh chóng, kết quà là chúng ta có các sản phẩm in 4 màu nhiều hơn và một ngành nghề mới xuất hiện đó là nghề vận hành máy tách màu điện tử, kèm theo đó là cái chết của nghề tách màu quang cơ với máy chụp phim. Trong một thời gian ngắn hàng chục máy tách màu điện tử được nhập về hai trung tâm lớn của ngành In là Hà nội và Sài gòn. Mặc dù vậy vẫn chưa có bất cứ một cơ sở đào tạo nào có đào tạo về công nghệ này, việc vận hành thiết bị chuyển giao công nghệ hoàn toàn dựa vào nhà cung cấp.  

Máy ghi film Herkules

Máy ghi film Herkules

Trong thời gian cực thịnh của máy tách màu điện tử vẫn có những con người tiên phong và mong muốn ứng dụng các kỹ thuật mới nhất vào Việt Nam. Đó là Xí nghiệp Chế bản Liksin. Trong hoàn cảnh bị cấm vận ngặt nghèo Liksin vẫn nhập về một hệ thống chế bản CtF Agfa Selectset 3600 với đầy đủ Postscript RIP và trạm làm việc SunSparc. Tiếc rằng không có được sự hỗ trợ đầy đủ từ phía nhà cung cấp và kỹ thuật quá mới hệ thống này không được ứng dụng một cách thật sự vào thực tế sản xuất. Nó như một dấu hiệu báo trứơc sự cáo chung của các máy tách màu điện tử và quá trình đó đã thật sự diễn ra với việc đưa vào hoạt động hệ thống CtF Linotronic 330 với hardware RIP 50 tại nhà in báo Nhan Dân Hà nội vào khoảng thời gian 1994. PageMaker, QuarkXPress, AI, FreeHand, CorelDraw vv cùng với máy PC trở nên phổ biến và các cơ sở đào tạo trình ứng dụng trên cũng xuất hiện nhiều. Nó tạo tiền đề cho việc CtF dần dần thay thế hoàn toàn máy tách màu điện tử. Trong khi CtF vẫn còn là một thiết bị hiện đại và chỉ các nhà in lớn mới sở hữu thì tại Drupa 2000 một làn sóng mới đã xuất hiện – CtP.

Chỉ qua một kỳ Drupa năm 2004 tại Việt nam đã xuất hiện gần như cùng thời điểm hai hệ thống CtP hoàn toàn khác nhau đó là BasysPrint HS 710 tại Xí Nghiệp In Lê Quang Lộc và PTR 8000 II tại Nhà In Báo Quân Đội Nhân Dân II Tp HCM. Với một khoảng thời gian không dài tới ngày nay Nhà In Báo Quân Đội Nhân Dân II với máy CtP thứ 2 Heidelberg Suprasetter đã chuyển đổi công nghệ chế bản của mình 100% sang CtP và máy xuất phim Katana đã được đưa vào kho. Việc không sử dụng máy xuất phim nữa phù hợp với xu hướng chung của thế giới là chuyển sang CtP. Ngày nay câu hỏi không phải là CtP hay CtF mà là khi nào thì đầu tư CtP ? Tổng số máy ghi bản CtP ở Việt Nam hiện nay là 36 hệ thống trong đó chiếm thị phần lớn nhất là các máy CtP ghi bản nhiệt với 28 hệ thống.

Việc ứng dụng CtP đem lại nhiều thay đổi triệt để trong thị trường lao động. Nghề bình phim, phơi bản mất đi và thay vào đó là nghề bình trang điện tử. Các bộ phận thiết kế tạo mẫu không sinh lời và công việc này được chuyển sang các cơ sở chuyên thiết kế tạo mẫu. Các kỹ năng và kiến thức được đòi hỏi là hoàn toàn mới vd như việc ứng dụng bản nhiệt hay Photopolymer.

Như chúng ta đã thấy chỉ trong một quãng thời gian ngắn ngành in Việt Nam đồng hành cùng ngành in thế giới rất nhiều nghề truyền thống trong ngành in đã mất đi như sắp chữ chì, bình phim, phơi bản, tách màu điện tử , thậm chí sắp chữ điện tử ra giấy can cũng đi vào giai đoạn cuối cùng. Cùng lúc đó là nhiều nghề mới thậm chí chưa có tên trong việc vận hành thiết bị CtP hay CtF.

Phần mềm, thiết bị, công nghệ thay đổi quá nhanh  

Máy in AniColor

Máy in AniColor

Một chu kỳ nâng cấp phần mềm ngày nay thông thường là 9 tháng tới 1 năm, trong khi chúng ta còn chưa nắm vững Adobe CS2 thì CS3 đã ra đời. PDF từ những ngày đầu tiên ứng dụng CtF là 1.2 thì ngày nay đã là 1.7 với Acrobat 8. PDF Print Engine sẽ cho Postscript về hưu. Tiêu chuẩn ngành in ISO 12647 được cập nhật hàng năm thì tại Việt nam các nhà in vẫn còn không biết đến sự tồn tại của nó hay thậm chí còn nhầm với ISO 9000 !? JDF và CIP4 cùng với quá trình tích hợp các công đoạn trong ngành in thành một quá trình CIM đang diễn ra mạnh mẽ thì chúng ta vẫn còn dừng ở mức dùng file PPF để thiết lập các thông số mực trước trên máy in. Thông tin về các công nghệ mới hàng ngày tràn ngập trên Internet nhưng chúng ta vẫn tiếp tục nhập máy CtF cũ và tiếp tục sử dụng theo kiểu dàn đầy một "doc" các hình TIFF hay eps rồi in ra máy xuất phim. Kỹ thuật tram hóa hình ảnh đã tiến rất xa với postscript level 3- 4096 mức thang xám nhưng chúng ta vẫn nghĩ là nếu muốn có 256 mức thang xám cho tram 175 thì cần 3386 dpi ?!. Tất cả những điều này dẫn đến khó khăn khi ứng dụng các công nghệ mới trong hoàn cảnh người dùng không cập nhật kiến thức mặc dù thông tin thì rất phong phú và dễ dàng truy cập. Để tìm hiểu đầu ghi bản nhiệt GLV chúng ta chỉ cần gõ từ khóa GLV trên google và từ đó có thể biết chi tiết ngọn ngành của công nghệ này với đầy đủ mặt mạnh hay mặt yếu mà không phải dựa hoàn toàn vào quảng cáo của nhà cung cấp thiết bị.

Kỹ năng tìm kiếm, lọc thông tin là một kỹ năng không thể thiếu trong môi trường làm việc ngày nay. Chỉ với kỹ năng này chúng ta mới làm chủ được kỹ thuật và công nghệ trong hoàn cảnh tất cà đều thay đổi hầu như qua đêm.

prepress

Công việc chế bản

Thiết bị mới công nghệ mới tự thân nó đặt ra những yêu cầu mới về con người sử dụng nó.

Về mặt quản lý sản xuất

Nhiều công đoạn trong ngành in đã mất đi, ngày nay quãng thời gian từ khi có ý tưởng đến sản phẩm in đại trà đã được rút xuống cực ngắn. Nó đem lại vô số khả năng mới trong thực tế. Giảm giá thành, rút ngắn thời gian thực hiện, nâng cao chất lượng in, tạo ra các dịch vụ mới tất cả có thể rút gọn vào một khái niệm " Tích hợp các công đoạn sản xuất". Công nghệ mới thiết bị mới cần một sự đầu tư ban đầu lớn, nếu so sánh chỉ giá thành một tấm bản CtP với một tờ phim hay giấy can thì hiển nhiên tấm bản CtP có giá thành cao hơn nhưng nếu so sánh trong cùng một quỹ thời gian bao nhiêu sản phẩm in có thể được hoàn thành, chất lượng in, giá thành in, lượng phế phẩm thì CtP có ưu thế tuyệt đối. Đầu tư CtP không chỉ có nghĩa là ghi bản trực tiếp từ máy tính mà ta đã chuyển toàn bộ công đoạn chế bản sang kỹ thuật số. Nó đòi hỏi một tư duy quản lý mới, cách tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, tiếp cận khách hàng.  

Cạnh tranh là vấn đề chúng ta phải đối mặt hàng ngày nhưng cạnh tranh bằng cách nào. Con đường dễ nhất là hạ giá bằng cách hạ chi phí đầu vào bất chấp chất lượng. Nó như một vòng xoáy không có điểm dừng và lợi nhuận càng ngày càng suy giảm. Ví dụ rõ nhất cho trường hợp này là dịch vụ xuất phim tại thành phố Hồ Chí Minh. Với các máy ghi phim cũ, vật tư trôi nổi, nguồn nhân công lương thấp giá thành 1 cm2 phim đã chỉ còn trên dưới 20 VND. Nếu chúng ta nhớ lại giá cách đây 4-5 năm thì sẽ thấy nó đã giảm còn 1/3 hay 1/4 nhưng chất lượng có còn tương đương hay không thì là một dấu hỏi. Cũng chính tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi có giá xuất phim thấp nhất cả nước lại là nơi đầu tư mạnh mẽ nhất cho CtP.  Khai phá các đối tượng khách hàng mới bằng các dịch vụ mới, giảm giá thành bằng cách tối ưu hoá các công đoạn, nhân lực, nâng cao chất lượng in thông qua tiêu chuẩn hoá, tất cả những điều này cần phải được đào tạo và đối tượng là các nhà quản lý sản xuất chứ không phải người trực tiếp vận hành.

Trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Tp Hồ Chí Minh với khoa In và Truyền Thông đã bắt đầu tổ chức các lớp bồi dưỡng quản lý in ngắn hạn cho cán bộ quản lý. Thời lượng và nội dung đào tạo vẫn còn nhiều bất cập. Quản lý sản xuất in là một ngành học và nó không thể gói gọn trong những khóa bồi dưỡng ngắn hạn. Việc đào tạo bậc đại học cho ngành In không thể chỉ tập chung vào công nghệ mà còn phải bổ xung các kiến thức quản lý.

Tiêu chuẩn hoá bậc thợ cho ngành chế bản in

Chúng ta đã thấy trong một thời gian ngắn nhiều ngành nghề đã mất đi và nghề mới xuất hiện. Một vấn đề luôn được đặt ra khi đầu tư thiết bị chế bản mới là nguồn nhân lực nhưng nguồn nhân lực đó cần phải đạt các tiêu chuẩn nào thì lại không có câu trả lời. Để vận hành một hệ thống CtP chúng ta không thể đăng báo tuyển người " Cần thợ CtP bậc 5/7". Các tiêu chuẩn bậc thợ trong ngành in đã quá lạc hậu và không theo kịp đà tiến bộ của công nghệ. Việc tổ chức thi nâng bậc mang nặng tính hình thức và giải quyết quyền lợi của người lao động là chính. Hậu quả là chúng ta có rất nhiều thợ bậc cao nhưng không thể vận hành thiết bị mới.  

prepress

Bình trang

Việc xây dựng tiêu chuẩn bậc thợ mới đã được tiến hành nhưng nó gặp phải những khó khăn rất lớn. Một cuộc khảo sát sâu rộng về thực tế đào tạo trên toàn quốc , tình trạng trang thiết bị, năng lực của các cơ sở đào tạo vv, còn chưa được tiến hành. Xây dựng tiêu chuẩn bậc ảnh hưởng tới một lực lượng lao động đông đảo trong ngành in với các môi trường làm việc rất khác biệt. Một nhà in ở các tỉnh thì không thể có các yêu cầu về nguồn nhân lực giống như các nhà in lớn ở thành phố. Hà nội có các yêu cầu khác Sài gòn ? Xây dựng một tiêu chuẩn bậc thợ chung cho ngành in đòi hỏi phải có sự tham gia rộng rãi của các người sử dụng lao động và bản thân người lao động. Nó phải có tính định hướng và dễ dàng thay đổi theo sự phát triển của công nghệ.

Công bố một tiêu chuẩn bậc thợ luôn phải đi kèm theo chương trình đào tạo thích hợp với tiêu chuẩn bậc thợ đó. Người thợ phải được đào tạo rồi mới thi nâng bậc. Các chương trình đào tạo phải có tính thống nhất và liên thông. Đào tạo là quyền lợi của người lao động và là sự đầu tư của người sử dụng lao động. Các dự án đầu tư mới thiết bị trong ngành in thường không có một kế hoạch chi tiết về đào tạo nguồn nhân lực và không dành kinh phí cho nó.

Một lực lượng không nhỏ lao động trong ngành chế bản in là các kỹ sư công nghệ in. Việc đào tạo nâng cao và chuẩn hóa lực lượng lao động này chưa được đặt ra. Tại rất nhiều cơ sở in kỹ sư công nghệ in cũng phải đi thi nâng bậc ?!  

Căn cứ theo những gì mà chúng tôi biết được thì những kiến thức sau đây là cần thiết cho một người làm việc trong môi trường chế bản CtP hiện nay. Nó cũng chính là những khó khăn mà chúng tôi gặp phải khi huấn luyện cũng như đưa vào sản xuất các hệ thống CtP trong Tp. Hồ Chí MInh. Hà nội có thể có những yêu cầu khác và đặc thù khác.

Kiến thức căn bản về máy tính

Yêu cầu kiến thức về máy tính trong lĩnh vực chế bản đã được tranh luận từ rất lâu và chưa ngã ngũ. Một xu hướng là để những gì thuộc về máy tính cho dân chuyên ngành IT đảm trách. Ý kiến khác là dân chế bản phải biết máy tính vì máy tính là công cụ lao động của họ. Chúng tôi ủng hộ ý kiến thứ hai này. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu kiến thức căn bản về máy tính dùng cho chế bản in nó sẽ bao gồm những gì.

Hệ điều hành: Có thể sử dụng được các hệ điều hành thông dụng Windows XP, MAC OS 10.x , biết cài đặt các thiết bị ngoại vi như máy in, màn hình, cài đặt các ứng dụng chế bản như Photoshop, Acrobat, AI, Corel …

Mạng máy tính: Thiết lập được một mạng LAN với TCP/IP, có phân quyền, bảo mật, thiết lập được kết nối internet, config được router và tạo được các dịch vụ đơn giản như ftp server. Bảo mật và phòng chống virus là công việc hàng ngày của người làm chế bản và là kiến thức bắt buộc.

Kiến thức về In và thành phẩm.

Khác với việc ra film chỉ có một yêu cầu là ra đúng tầng thứ và đủ  nội dung, chế bản CtP đòi hỏi nhiều hơn thế mà đặc biệt là việc thực hiện process calbration ( bù trừ tăng tầng thứ khi in). Muốn làm được điều này người thợ chế bản phải có kiến thức về các quá trình in vd in offset tờ rời, in offset cuộn vv. Thực hiện process calibration còn là điều bắt buộc và đặc biệt quan trọng trong CtP cho flexo. Do không được đào tạo và chưa nhận thức được tầm quan trọng của process calibration nên hầu như tất cả các hệ thống CtP hiện nay đều hoạt động mà không có bù trừ tăng tầng thứ khi in. Hậu quả là các kỹ thuật tram mới như FM hay Spekta không được ứng dụng thành công trong thực tế in.

Với CtP thì bình trang điện tử là công đoạn then chốt. Không có bình trang điện tử thì không có  CtP. muốn bình trang được thì phải có kiến thức về các công đoạn thành phẩm, gấp, đóng xén. Trong thực tế hiện nay người bình trang điện tử thường là các nhân viên chế bản chuyển qua với các kiến thức chủ yếu trong việc ứng dụng phần mềm chế bản mà không biết về bình trang. Những người làm công việc montage, bình trang thủ công thì có đủ kiến thức nhưng lại quá yếu về kiến thức máy tính. Chính vì những mâu thuẫn như vậy mà việc tăng tỷ lệ sử dụng CtP trong một cơ sở in lên 50-70% công việc cần một quãng thời gian dài để làm chủ kỹ thuật bình trang điện tử. Các khóa đào tạo sử dụng Preps hay Signa Station có thể được thực hiện trong một thời gian tương đối ngắn nhưng đào tạo các kiến thức về thành phẩm cần có một thời gian dài. Vấn đề trở nên phức tạp hơn nhiều trong lãnh vực bao bì với các nhu cầu chuyên biệt như tráng phủ từng phần, nesting, khuôn bế etc. Kết hợp CAD với bình trang điện tử là một lãnh vực mới hoàn toàn tại Việt nam và chưa có ai đào tạo. File CFF2 là vẫn còn lạ lẫm và chưa có ứng dụng.

Kiến thức về tram:

 Kiến thức  về tram của những người làm việc trong ngành chế bản hoàn toàn thiếu và yếu. Khi nhà cung cấp lắt đặt và thiết lập những thông số khởi điểm cho RIP thì những thông số này tồn tại mãi và trong suốt quá trình sử dụng hầu như không có thay đổi. Tần số tram, hình dạng hạt tram, hệ thống góc xoay tram là những kiến thức cần thiết khi muốn có sản phẩm in với chất lượng hoàn hảo. Người viết bài đã từng gặp những câu hỏi đại loại " tại sao in tram 175 lpi mà nó lại không ra đúng 175 lpi ?" Để trả lời câu hỏi này người ta phải có kiến thức về moiré và các giải thuật tạo tram của postscript. Một ví dụ khác về sự không hiểu biết về các kỹ thuật tạo tram là đến postscript level 3 rồi mà ngày nay trong trường hay các tài liệu vẫn rao giảng muốn có 256 bậc thang xám người ta cần 3386 dpi cho tram 175 ?!

Kiến thức về tram là kiến thức nền tảng trong chế bản điện tử nhưng việc huấn luyện và các tài liệu tiếng việt về nó còn rất thiếu và sơ sài. Nhu cầu cấp bách hiện nay là phải cải thiện việc đào tạo trong lĩnh vực này. CtP đang cung cấp một điều kiện cần cho việc ứng dụng các giải thuật tạo tram tiên tiến nhưng điều kiện đủ là phải có con người hiểu biết về nó.

Kiến thức về RIP:

RIP cũng chỉ là một trình ứng dụng trong chế bản điện tử nhưng nó quan trọng vì quá trình tram hóa được thực hiện tại đây. Trong các cơ sở chế bản hiện nay RIP giống như một cái hộp đen và rất ít người khai thác được hết các tính năng của RIP. Ngày nay RIP đã trở thành một hệ quản trị chu trình làm việc với vô số các chức năng cộng thêm như preflight, in thử, quản trị màu, trapping vv. Thiết lập các thông số, cài đặt RIP, tìm lỗi hiện nay đang khoán trắng cho nhà cung cấp.  RIP luôn luôn có những điểm chung nhất và khi sử dụng bất kỳ RIP nào cũng vậy chúng ta luôn luôn có những chức năng để làm cùng một công việc. Nếu được đào tạo tốt về RIP chúng ta sẽ thấy RIP Harlequin cũng hoàn thành công việc của nó tốt như RIP mang tên XXX nào đó. Mặc dù vậy để đánh giá được một RIP hay một workflow này hơn RIP kia hay workflow kia cần có những kiến thức rất chuyên sâu. Trong lĩnh vực này đang tồn tại quá nhiều những kiến thức không chính xác hay đã quá cũ Vd ngày nay vẫn cón có người quảng cáo cấu trúc Adobe extreme là một cấu trúc đã chết yểu khi xuất hiện Adobe Print Engine và JDF. Tìm một phương cách huấn luyện, đào tạo người lao động trong lãnh vực chế bản về RIP là một việc khó và cần có sự kết hợp giữa nhà cung cấp thiết bị và các cơ sở đào tạo.

Kiến thức về PDF:

PDF ngày nay là tấm film điện tử trong chế bản nhưng khác với tấm film, PDF cho phép làm nhiều điều. Kiến thức về PDF hoàn toàn thiếu vắng trong ngành in Việt nam mặc dù có những cơ sở in đang làm việc 100 % với PDF file. Không có một cơ sở đào tạo nào có chương trình giảng dạy về  PDF ứng dụng trong chế bản in. Việc sử dụng PDF hoàn toàn tự phát và mò mẫm. Các plugin quan trọng như Enfocus Pitstop Pro, Quite, Heidelberg Toolbox được ứng dụng rất hạn chế và thậm chí Acrobat 8 cũng không được ứng dụng rộng rãi. Tạo ra một file PDF đúng chuẩn dùng cho chế bản cũng là một công việc khó khăn khi vẫn còn tranh luận nên lưu thành file PDF hay in ra "máy in ảo"

Quản trị màu:

Ứng dụng quản trị màu trong ngành in Việt nam vẫn còn rất nhiều hạn chế mà lý do duy nhất chỉ là thiếu kiến thức. Nếu hiểu quản trị màu chỉ đơn giản là biết trước được kết quả in và giữ ổn định chất lượng in thì việc ứng dụng nó sẽ dễ dàng và thông dụng hơn nhiều. Với cách đặt vấn đề quản trị màu không gắn với quá trình in trên máy in nên hầu như tất cả các thử nghiệm quản trị màu ở Việt nam đều thất bại. Chúng ta không thể có một tờ in thử giống như tờ in thật khi quá trình in trên máy in offset không được tiêu chuẩn hoá, không thể có  màu trên màn hình máy tính giống mẫu in khi không biết sẽ in bằng mực gì trên giấy loại nào.  Quản trị màu là một vòng lặp giữa chế bản và in. Với quản trị màu CtP sẽ đem lại những ưu thế vượt trội so với CtF trong sản xuất in vì các yếu tố giảm giá thành, tiết kiệm chi phí chủ yếu từ quá trình in chứ không phải từ bản thân CtP. Yêu cầu về quản trị màu là một yêu cầu cấp bách và bước đầu tiên là là đào tạo không chỉ trong nhân viên chế bản mà còn cho tất cả các người có liên quan từ quản lý cho đến thợ in.

Kiến thức về vật liệu

Bản kẽm nhiệt hay bản kẽm Photopolymere có những đặc tính khác với với bản PS. Các quá trình lý hoá xảy ra khi ghi bản cũng như xử lý trên máy hiện cũng cần có kiến thức chuyên ngành. Các hóa chất dùng trong xưởng in cũng là một vấn đề. Trong lĩnh vực này thì nguồn tài liệu tương đối phong phú và có thể đoài hỏi từ phía nhà cung cấp. Một lãnh vực rất quan trong liên quan đến vật liệu trong CtP là khả năng thiết lập các thông số ghi bản tùy theo từng loại vật liệu. Tại điểm này có rất ít cơ  sở in có CtP làm được mà thường nhờ nhà cung cấp. Khi đó tính linh hoạt trong việc lựa chọn vật tư bị giảm đi rất nhiều.


Kết luận

Trên đây là cái nhìn của chúng tôi về sự cần thiết phải có cách tiếp cận mới trong đào tạo phục vụ một ngành mới là chế bản với CtP. Hầu như trong mọi lĩnh vực đều còn thiếu và yếu kém nhưng điều quan trọng là chúng ta nhận biết mình thiếu gì và phải làm gì. Khoa In và Truyền thông Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật tp. Hồ Chí Minh đang là người đi tiên phong trong lĩnh vực này với những khóa học chính khóa cũng như theo nhu cầu của từng đơn vị được thực hiện bởi một đội ngũ giảng viên có kiến thức được cập nhật liên tục cùng với trang thiết bị , phần mềm mới nhất.

Làm tốt công tác đào tạo là chúng ta đã có một nửa thành công khi ứng dụng CtP vào thực tiễn sản xuất 

(theo hiệp hội ngành in HCM)