Lần đầu tiên trong gần 9 năm hoạt động của TTCK, thông tin về hoạt động môi giới, tự doanh của các công ty CTCK đã được Sở GDCK công bố trong Báo cáo thường niên năm 2008 mới đây. Không có gì bất ngờ khi vị trí số 1 vẫn là SSI (Công ty Chứng khoán Sài Gòn), nhưng điều gợi lên nhiều suy nghĩ là bức tranh chung về hoạt động của các CTCK mới.
Khá nhiều công ty có số tài khoản chưa đến 200, cá biệt có công ty mới có 69 tài khoản!

TTCK tăng mạnh là cơ hội tuyệt vời cho khối CTCK, nhưng như lời ông Nguyễn Hồng Nam, Phó tổng giám đốc SSI, thì thị trường đã tăng quá nhanh so với những yếu tố nội tại của nền kinh tế và nếu tăng tiếp sẽ là sự tăng điểm không lành mạnh, có thể mang lại hậu quả xấu trong tương lai. Với khối CTCK, ông Nam cho rằng vẫn chưa hết khó khăn, thậm chí đâu đó, khó khăn còn diễn ra một cách phức tạp và khó lường…

VN-Index đã tăng trên 100% so với mức đáy vào ngày 24/2 vừa qua. Khả năng thị trường đảo chiều trong ngắn hạn liệu có xảy ra không, theo ông?

Nếu nhìn lượng tiền hiện đang đổ vào thị trường theo số dư tiền ở các CTCK thì khả năng Index giảm sâu trong ngắn hạn là không thể có. Tuy nhiên, sự tăng điểm quá nhanh và quá mạnh của VN-Index như hiện nay là không bền vững, do những yếu tố nội tại trong nền kinh tế Việt Nam đến nay tuy đã có những chuyển biến tích cực hơn, nhưng không đủ để đẩy TTCK lên gấp đôi như vậy.

Theo quan sát của chúng tôi, dòng tiền đổ vào TTCK chủ yếu từ nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài hầu như chưa có sự gia tăng đầu tư vào TTCK Việt Nam. Việc giao dịch của khối ngoại kể từ khi TTCK tăng nóng cũng sôi động hơn nhiều, nhưng tựu trung, họ vẫn bán ra nhiều hơn mua vào. Một dấu hiệu bất thường khác là tất cả các loại cổ phiếu, dù tốt, dù xấu đều tăng giá theo đà tăng chung của thị trường. Sự tăng điểm không có cơ sở này nếu tiếp tục diễn ra sẽ là một biểu hiện không lành mạnh và có thể mang lại hậu quả xấu cho tương lai thị trường.

Khi tất cả mọi người đang hào hứng với sự tăng trưởng của Index thì ông lại nói về khả năng xảy ra hậu quả xấu từ sự tăng điểm không bền vững…

Đây không phải là lần đầu tiên VN-Index tăng theo chiều thẳng đứng. Nếu so với lần tăng điểm trước đó (cuối năm 2006 và cả năm 2007), thì lần tăng này hàm chứa rất nhiều yếu tố cho thấy sự không bền vững. Trong lần tăng trước, TTCK đã tạo cơ hội rất tốt giúp nhiều DN huy động vốn để củng cố nội lực, phát triển kinh doanh. Nhưng trong lần tăng này, hầu như không có DN nào huy động được vốn, nghiệp vụ bảo lãnh phát hành tuy được khởi động trở lại, nhưng chưa có vụ nào được làm thành công. Tâm lý chung của nhà đầu tư hiện nay là sẵn sàng đầu tư, nhưng cũng sẵn sàng rút chạy. Đây là yếu tố thứ nhất cho thấy khả năng không bền vững của thị trường.

Thứ hai, tại TTCK nước ngoài, giai đoạn khủng hoảng luôn là giai đoạn nền kinh tế và các DN được cơ cấu lại. Sau khủng hoảng, những DN xấu buộc phải rời khỏi thị trường, trong khi tại Việt Nam, quá trình cơ cấu lại của các DN nói chung còn rất mờ nhạt, có DN đáng phá sản, nhưng vẫn cứ tồn tại. Đây cũng là yếu tố cho thấy sự kém bền vững hơn của đà tăng trên TTCK Việt Nam.

Thứ ba, khi TTCK lên điểm, vòng luẩn quẩn về hoàn nhập dự phòng sẽ xuất hiện. Các DN sở hữu cổ phiếu của nhau sẽ được hoàn nhập dự phòng. Các chỉ số tài chính của DN sẽ trở nên đẹp hơn, hiệu quả hoạt động của DN nếu chỉ nhìn trên số liệu tài chính sẽ thấy tốt hơn, nhưng thực tế không phải đến từ mảng kinh doanh chính, mà chỉ là theo những con số báo cáo. Nếu vòng quay này quay ngược lại (như đã từng xảy ra) sẽ ra sao? Chắc chắn rất nhiều DN sẽ lại rơi vào vòng điêu đứng vì thị trường.

Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán đang tăng giá rất nhanh, ngoài yếu tố tăng chung theo thị trường, nhà đầu tư còn đặt nhiều kỳ vọng vào mức “lãi khủng” mà các DN trong ngành sẽ đạt được. Ông nghĩ gì về kỳ vọng này?

Cách đây chưa lâu, báo chí đưa tin chỉ có 15 CTCK có doanh thu từ phí môi giới được trên 1 tỷ đồng/tháng, phần còn lại (gần 100 công ty khác) có doanh thu từ phí môi giới dưới mức này. Môi giới – mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi của các CTCK là như vậy, còn về tự doanh, thật khó để kỳ vọng sẽ mang lại mức lợi nhuận vượt trội cho các CTCK. CTCK khi sở hữu một danh mục đầu tư lớn có thể ghi nhận khoản lãi lớn theo giá thị trường, nhưng khoản lãi chỉ là thực khi danh mục đầu tư đó được bán. Đây là vấn đề không đơn giản trên một thị trường phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố tâm lý như Việt Nam.

Với SSI, chúng tôi đã đứng vững trong thời kỳ thị trường xấu nhất, nên với thị trường hiện nay, SSI không có lý do gì không hoàn thành kế hoạch năm 2009, nhưng không đến mức đạt được “lãi khủng” từ thị trường này. Từ thực tế SSI như vậy, nhà đầu tư nên thận trọng trước thông tin các công ty trong ngành này lãi lớn.

Nhiều CTCK nhỏ từng đứng trên bờ vực phá sản khi họ hầu như không thể xác lập được chỗ đứng trên thị trường. Theo ông, sự phục hồi của TTCK như hiện nay liệu đã cho thấy những khó khăn đối với khối CTCK nói chung đã qua?

TTCK tăng mạnh có thể giúp giảm bớt số CTCK có khả năng phải phá sản, chủ yếu nhờ nghiệp vụ tự doanh. Tuy nhiên, tự doanh tại CTCK luôn có 2 mặt. Khi danh mục đầu tư tại CTCK lớn, nếu TTCK tăng điểm sẽ mang lại hiệu quả, nhưng nếu giảm điểm sẽ lại là gánh nặng cho các công ty này.

Ngoài những khó khăn cơ bản, đây đó trên thị trường bắt đầu xuất hiện những khó khăn mới, diễn biến một cách phức tạp và khó lường. Chẳng hạn, một số công ty đã phá vỡ quy tắc vàng trong tư vấn cho nhà đầu tư khi họ khuyến cáo những mốc điểm rất cụ thể về Index cũng như mức giá của các cổ phiếu. Mặc dù các công ty này sử dụng nhiều cách để né tránh trách nhiệm, nhưng chính những khuyến cáo kiểu này đang gây hiệu ứng đẩy thị trường đi lên. Khi diễn biến thực tế không đúng như mong đợi, nhà đầu tư mất tiền, mất niềm tin vào CTCK sẽ ảnh hưởng đến cả thị trường. Một hiện tượng khác là ngày càng có nhiều CTCK sử dụng đội ngũ môi giới tự do để kiếm tìm khách hàng và khuyến khích họ giao dịch. Những đội ngũ này cũng đang gián tiếp đẩy thị trường đi lên. Bản thân TTCK không sinh ra tiền, khi ai đó lãi thì chắc chắn sẽ có người khác lỗ. TTCK lên càng cao sẽ rơi càng sâu và khi lao dốc, không chỉ có nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại hơn, mà tất cả các chủ thể tham gia sẽ đều thiệt hại…

Tại sao ông lại nói nhiều đến yếu tố tiêu cực trong bức tranh chung của thị trường? Phải chăng ông lo ngại về áp lực cạnh tranh? Nếu có thể, xin ông cho biết chiến lược hoạt động môi giới của SSI năm 2009 là gì?

Nếu nhìn những con số mà HOSE công bố sẽ thấy chúng tôi không có gì đáng ngại về áp lực cạnh tranh do có một khoảng cách khá xa giữa SSI với ngay cả công ty ở vị trí thứ hai thị trường. Với SSI, chất lượng dịch vụ là quan trọng nhất và cũng vì vậy mà trong các năm trước, SSI chưa dám mở rộng khách hàng. Cùng với việc tổ chức lại hệ thống và hoàn thiện sản phẩm dịch vụ, năm 2009, chiến lược của SSI là mở rộng khối khách hàng cá nhân với mục tiêu giữ vị trí số 1 trong khối khách hàng tổ chức và cá nhân tại Việt Nam.

Điểm tựa cho sự tăng quá nhanh và mạnh của VN-Index chưa vững là lý do khiến tôi thấy nhiều yếu tố tiêu cực hơn trong bức tranh chung có vẻ đang sáng hơn về thị trường. Chúng tôi luôn quan niệm rằng, vị trí số 1 của SSI chỉ có ý nghĩa khi TTCK Việt Nam thực sự lớn mạnh và bền vững.