Hiện nay, việc chia sẻ video trên mạng đã trở nên hết sức phổ biến. Cùng một bộ film, một video clip ca nhạc, bạn có thể thấy đến cả chục kiểu mã hóa khác nhau, với dung lượng, và tất nhiên, cả chất lượng, cũng khác nhau. Làm thế nào để chọn được kiểu mã hóa có chất lượng hình ảnh tốt nhất trong khi vẫn đảm bảo kích thước nhỏ gọn. Để có thể thực hiện được điều này, bạn cần hiểu về các loại mã hóa video phổ biến và đặc điểm của chúng.

Những chuẩn mã hóa thông dụng

 Đầu tiên, phải nhắc đến "anh cả" MPEG-2: nhiều người hiện vẫn nhầm lẫn đây là chuẩn video không nén. Thực tế, đây vẫn là chuẩn nén video có mất, tuy nhiên, chất lượng hình ảnh vẫn được đặt lên hàng đầu, thế nên tỉ lệ nén là rất nhỏ. MPEG-2 hiện được dùng để lưu trữ video trên đĩa DVD/Bluray với chất lượng cao nhất (và dĩ nhiên là kích thước cũng lớn nhất). MPEG-2 lý tưởng để thưởng thức, tuy nhiên lại thật sự thích hợp để lưu trữ và chia sẻ vì kích thước quá lơn, chính vì vậy, đã có nhiều chuẩn nén video khác ra đời, trong đó tiêu biểu phải kể đến MPEG-4.

Thực tế, MPEG-4 là một chuẩn mã hóa tổng quát, thường được gọi là MP4, là một chuẩn mã hóa video được dùng phổ biến hiện nay, nó bao quát cả DivX/Xvid, h.264…Hiện MP4 đã được phát triển rộng rãi với nhiều profiles (cấu hình) khác nhau. Chúng ta sẽ điểm qua 2 profiles phổ biến nhất hiện nay là DivX/Xvid và h.264:

 

 

DivX/Xvid: Có lẽ đây là 2 loại codec mà bạn thường gặp nhất. Divx là một chuẩn phổ biến có thể nén video xuống còn 1/4- 1/5 dung lượng ban đầu mà chất lượng suy giảm không đáng kể, tuy nhiên nó không miễn phí.
Để có thể nén video theo DivX, bạn phải mua bản quyền phần mềm Dr. DivX (codec để giải mãi DivX thì lại miễn phí). Chính vì sự bất tiện này mà cộng đồng các nhà mã nguồn mở đã đưa ra Xvid, coi như một lời đáp trả đối với DivX Inc, công ty đã tạo ra DivX. Xvid là một chuẩn tương đương với DivX, nhưng là mã nguồn mở và hoàn toàn miễn phí (nếu để ý, bạn sẽ thấy Xvid chính là cách viết ngược của DivX). Xvid tương thích với DivX nhưng ngược lại thì không, nghĩa là nếu một đầu đĩa đọc được định dạng Xvid thì nó cũng chắc chắn đọc được DivX, nhưng nếu đọc được DivX thì chưa hẳn đã đọc được Xvid.
 
Mặc dù miễn phí, nhưng nhược điểm khá lớn của Xvid so với DivX là thời gian mã hóa (encoding) chậm hơn khá nhiều. Đây là chuẩn video phổ biến và được hỗ trợ rộng rãi nhất hiện nay. Các film DVDrip xuất hiện trên mạng hầu hết được nén với 2 chuẩn này.

            H.264: Một chuẩn mới và được đánh giá là tốt hơn DivX/Xvid. Hầu hết các file HD (film độ phân giải cao) và một số DVDRip được mã hóa theo chuẩn này. Một số người thường nhầm lẫn giữa 2 khái niệm h.264 và x264. Chúng rất gần gũi với nhau nhưng vẫn có sự khác biệt: h.264 là codec còn x264 là một phần mềm (chính xác hơn là một thư viện phần mềm) phục vụ mã hóa video theo chuẩn h.264. h.264 hiện được coi là chuẩn nén có cho chất lượng tốt nhất so với các chuẩn nén thông dụng khác.

Ngoài MPEG-4, không thể không kể đến WMV – Windows Media Video. Đây là định dạng được Microsoft đưa ra năm 1999 và hỗ trợ cho đến ngày nay, với phiên bản mới nhất WMV 9. Microsoft quảng bá rằng WMV 9 nén video hiệu quả gấp 2 lần MPEG-2 và gấp 3 lần MPEG-4, đồng thời hiệu quả hơn WMV 8. Tuy nhiên, để đạt được chất lượng vượt trội so với DivX thì WMV lại yêu cầu bitrate cao hơn hẳn, đồng nghĩa với việc dung lượng lớn hơn nhiều lần. Nếu cùng một bitrate thì WMV tỏ ra thua kém DivX ở độ nét của hình ảnh cũng như độ mịn của màu sắc.

Container và codec

 

Đôi khi, bạn vẫn nghe đến các khái niệm như mã hóa AVI, mã hóa MKV,…Tuy nhiên, cách gọi này là không chính xác. Cần phải phân biệt giữa 2 khái niệm là codec và container. Codec là mã hóa dùng để nén video (tham khảo thêm tại đây), còn container, đúng như tên gọi của nó, là “thùng chứa” cho video. Container có thể chứa cả video, âm thanh và phụ đề. Một số dạng container mới còn cho phép chứa đồng thời nhiều track âm thanh và phụ đề. Có thể điểm qua một số loại container phổ biến:

            AVI- Audio Video Interface: đây là định dạng container phổ biến nhất hiện nay. Được Microsoft đưa ra từ năm 1992, AVI đã trở thành một chuẩn được hỗ trợ rộng rãi trên các thiết bị nghe nhìn. Tuy nhiên, do đã khá cũ nên AVI không hỗ trợ hoàn toàn cho các video thuộc chuẩn nén mới (MP4), cũng như thiếu khả năng hỗ trợ đồng thời nhiều track audio hay phụ đề. Hiện AVI đang dần được thay thế bằng Mastroka video.
            Mastroka video (MKV): đây là container mới (được đưa ra năm 2002) và hiện đang trở thành “ngôi sao” trong lĩnh vực video. MKV tỏ ra vượt trội so với AVI ở việc cho phép một file có thể chứa nhiều track video, audio hay sub, cũng như hỗ trợ rất tốt các file video được nén theo chuẩn MPEG-4.  Hiện việc sửa đổi file MKV (thêm bớt file audio, phụ đề hay chia, nối file,…) được thực hiện một cách rất đơn giản và dễ dàng nhờ công cụ MKV-toolnix miễn phí:

 

 

Mov: là định dạng do Apple đưa ra và được tích hợp với Quicktime. Tương tự như MKV, Mov cho phép một file chứa nhiều track, mỗi track có thể là video, audio hay phụ đề. Ưu điểm vượt trội của Mov là cho phép xử lý từng track một cách riêng rẽ, đặc biệt thích hợp cho việc biên tập và chỉnh sửa video.

Lựa chọn mã hóa nào:

            Trong các kiểu mã hóa hiện nay thì H264 cho chất lượng tốt nhất trên cùng một dung lượng. Mặc dù các đầu đĩa dân dụng đọc được h264 không nhiều, nhưng bù lại, các loại media-box, thiết bị giải trí cho phép chơi các file multimedia từ ổ cứng lại hỗ trợ rất tốt cả h264 và MKV. Nếu bạn dự định xem film trên máy tính hoặc media-box thì đây là lựa chọn tốt nhất.

           DivX/Xvid tuy không so sánh được với h264 về chất lượng, nhưng hiện đang được hỗ trợ hết sức phổ biến, từ các đầu đĩa dân dụng cho đến các thiết bị cầm tay. Nếu bạn muốn xem film "mọi lúc, mọi nơi" thì mã hóa DivX/Xvid với container AVI sẽ làm hài lòng bạn.

           Còn WMV? Định dạng này chỉ thích hợp khi bạn buộc phải xem film trên thiết bị "độc quyền" của Microsoft, như XBox 360 chẳng hạn. Trong trường hợp không bị ràng buộc vì điều này, h264 hay DivX/Xvid sẽ tốt hơn.