Nếu so sánh với năm 2011, lợi nhuận năm 2012 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã giảm 1.500 tỷ đồng.
Năm 2011, theo số liệu báo cáo của VNPT, lợi nhuận của tập đoàn này đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 6,15% so với năm 2010. Còn lợi nhuận năm nay, theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT Phạm Long Trận, chỉ đạt 8.500 tỷ đồng.
Vì sao lợi nhuận của tập đoàn được coi là “ăn nên làm ra” trong nhiều năm qua lại “tụt dốc” mạnh đến như vậy, dù rằng “trong năm nay, VNPT đã đưa ra những kế hoạch để doanh nghiệp ngày càng phát triển tốt hơn nhưng kết quả đạt được không tốt và Tập đoàn đã có cố gắng rất nhiều”, như chia sẻ của Chủ tịch Phạm Long Trận?
Ông Trận cho rằng, mức tăng trưởng lợi nhuận của VNPT năm nay là kém, tuy “ở mức trung bình của doanh nghiệp viễn thông trên thế giới, nhưng kém so với nhiều doanh nghiệp viễn thông khác làm ăn tốt”.
Một loạt nguyên nhân dẫn đến việc VNPT đạt mức tăng trưởng kém đã được ông Phạm Long Trận lý giải:
Thứ nhất, theo vị Chủ tịch VNPT, 2012 là năm đặc biệt khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có VNPT. Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên đã tác động đến sản xuất kinh doanh, đến khả năng phát triển của doanh nghiệp, khiến kết quả kinh doanh của VNPT không được như mong muốn.
Theo ông Trận, khách hàng, thuê bao của VNPT “có tính chất đặc thù”, nhiều doanh nghiệp là thuê bao của VNPT trong năm qua làm ăn thua lỗ, phá sản nên đã tác động rất lớn tới doanh thu của tập đoàn.
Thứ hai, do điện thoại cố định là mạng chủ lực của VNPT từ xưa đến nay, mang lại nhiều doanh thu và đóng vai trò quan trọng, nhưng đến giai đoạn hiện nay đã giảm đi nhanh chóng. Doanh thu cũng từ đó giảm theo.
Lãnh đạo VNPT phân tích, VNPT là doanh nghiệp phát triển từ rất lâu cho nên mạng lưới, mô hình tổ chức chủ yếu dựa trên cấu trúc của mạng điện thoại cố định, viễn thông các tỉnh, điện thoại cố định không có lợi nhuận mà đang “sống” bằng di động.
Vì thế, vấn đề lớn của tập đoàn là “phải ép những người trước đây làm cố định ở các tỉnh thành phối hợp với kinh doanh của điện thoại di động để vừa nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, nâng cao doanh thu, vừa giải quyết công ăn việc làm”.
Nguyên nhân thứ ba là vì VNPT phải hoàn thành các nhiệm vụ viễn thông công ích, những dịch vụ Nhà nước giao trong lĩnh an ninh, chống thiên tai, bão lụt… nên cũng tác động đến tăng trưởng lợi nhuận, doanh thu.
Dù có nhiều nguyên nhân, nhưng Chủ tịch Phạm Long Trận cũng thẳng thắn cho rằng, tác động lớn nhất là tự bản thân VNPT, vì VNPT tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước nên mô hình cấu trúc, bộ máy, kể cả phương pháp, thái độ phục vụ còn đâu đó mang tính chất không được đổi mới cho nên chậm chạp, phục vụ không tốt. Mô hình tổ chức là vấn đề rất lớn, tác động đến sản xuất kinh doanh, lợi nhuận.
Do điều kiện kinh tế còn khó khăn và khó được cải thiện nhiều nên VNPT “chỉ dám” đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 10% so với năm nay, là “mức tăng trưởng nếu đạt được cũng tốt lắm rồi”.
Thêm nữa, theo ông Trận, do trong năm qua, VNPT cố gắng đầu tư, mở rộng mạng lưới với những dịch vụ mới, giá trị lớn, nhưng doanh thu từ dịch vụ mới chưa bù đắp lại được khoản đầu tư, mà chủ yếu làm nhiều cho các mục tiêu xã hội, an ninh quốc phòng, vùng sâu vùng xa, viễn thông công ích…, trong khi VNPT lại chưa làm đề xuất mới để có chế độ bù vào những đầu tư lớn này.
“Với những hạn chế trên, kết quả doanh thu năm nay của VNPT chưa đạt được như mong muốn, chỉ đạt 130.500 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng chỉ 10% so với năm 2011. Lợi nhuận cũng ít, đạt 8.500 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đảm bảo là 7.500 tỷ đồng”, ông Trận nói với “âm hưởng” không vui.
Nhưng lãnh đạo VNPT kỳ vọng, với mô hình sản xuất kinh doanh mà VNPT đã gửi lên Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông, dù hiện tại chưa có tín hiệu từ Chính phủ và cơ quan quản lý để VNPT có thể bắt tay vào triển khai, nhưng “với mô hình mới thay cho mô hình còn nhiều hạn chế lâu nay, VNPT sẽ có điều kiện đổi mới sản xuất kinh doanh, có điều kiện phát triển hơn, hiệu quả lợi nhuận cao hơn”, Chủ tịch Phạm Long Trận nói.
Theo VnEconomy