Khi bạn muốn lập kế hoạch cho một chuyến dã ngoại, bạn cần phải có kế hoạch chi tiết và cụ thể về nơi đến, điểm xuất phát, lộ trình và kế hoạch đi ra sao cũng như nhiều điều phải tính toán khác. Một kế hoạch tốt sẽ là công cụ quan trọng giúp bạn định hướng tốt cho chuyến đi. Lập kế hoạch cho sự nghiệp cũng như thế!
Bạn cần bắt đầu từ điểm xuất phát, đưa ra những quyết định quan trọng để tiến tới đích là đỉnh cao của sự nghiệp mà bạn mong đợi. Và “Chuyến đi” quan trọng này cũng cần phải có lộ trình rõ ràng, đó chính là Lộ trình của sự nghiệp.
Ngay từ những ngày còn trên ghế giảng đường, bạn hãy lập kế hoạch theo 4 bước dưới đây để bạn có thể đạt được thành công trên con đường sự nghiệp sắp tới.
Bước 1: Hiểu rõ chính mình
Bạn cần biết mình thích gì, năng lực đang ở đâu và mình có những giá trị gì liên quan tới nghề nghiệp mong đợi. Đây chính là những nền tảng ban đầu cho việc lập kế hoạch sự nghiệp của mình. Bạn có thể sử dụng nhiều cách thức để tìm hiểu về chính mình như tự đánh giá năng lực bản thân, làm bài kiểm tra để đánh giá khả năng nghề nghiệp trên máy tính… Đây là những bước cụ thể bạn có thể sử dụng để hiểu rõ bản thân mình hơn:
Trao đổi với những chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, hoặc những người đi trước thành công để tìm hiểu và xem bạn nên tập trung vào lĩnh vực gì khi còn đang học.
Tự xác định những sở thích, năng lực và giá trị cốt lõi của bạn xem phù hợp với những nghề nghiệp nào. Giáo viên, người thân, những người thật sự hiểu về bạn sẽ là nguồn tham khảo quí giá.
Tự tìm hiểu thông tin về nghề nghiệp trên sách báo hay internet.
Bước 2: Xác định rõ nghề phù hợp thật sự
Sau khi đã hiểu rõ mình hơn, bạn có thể bắt đầu tìm hiểu thêm về những lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp nhất với bạn. Tìm hiểu về những ngành nghề phù hợp là bước rất quan trọng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, và thường bị bỏ qua trong quá trình đưa ra quyết định. Bạn nên dành nhiều thời gian và công sức cho bước này vì nó giúp tạo tiền đề cho bước kế tiếp và giúp bạn tự tin hơn trong định hướng nghề nghiệp của mình. Đây là những cách cụ thể bạn có thể làm:
Tìm sự hướng dẫn từ những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bạn chọn lựa và trao đổi với họ về những lựa chọn nghề nghiệp của mình.
Tham gia các buổi hội thảo hay thuyết trình về nghề nghiệp hay định hướng nghề nghiệp.
Làm các công việc bán thời gian hay thực tập có liên quan tới những lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai và để tích lũy thêm những kĩ năng cần thiết.
Bước 3: Khẳng định lại định hướng
Việc khẳng định lại mục tiêu nghề nghiệp đòi hỏi phải có sự áp dụng những kết quả từ bước 1 và bước 2 vào môi trường trải nghiệm thực tế. Điều này có nghĩa là bạn nên tìm những cơ hội thực tập, công việc bán thời gian liên quan tới nghề nghiệp mà bạn đã chọn lựa. Những kinh nghiệm này sẽ cho biết bạn có phù hợp với những định hướng nghề nghiệp hay không. Đây là những cách bạn có thể làm:
Tìm hiểu các tài liệu về nghề nghiệp từ các tổ chức có uy tín.
Dành thời gian tìm kiếm những cơ hội hay việc làm thêm trong những ngành nghề liên quan tới lựa chọn của bạn.
Tham gia các hội trợ việc làm hay tình nguyện tham gia vào những dự án thực tế có liên quan.
Phát triển mối quan hệ với những người có thể cho bạn những giới thiệu và đánh giá tốt trong lĩnh vực.
Bước 4: Thẳng tiến theo lộ trình
Đối với các bạn Sinh viên, “đích đến tạm thời” là thời điểm khi bạn tốt nghiệp và đó cũng là khởi đầu cho một hành trình mới: Hành trình xây dựng sự nghiệp. Vào thời điểm này bạn sẽ phải vận dụng những việc đã làm từ bước 1 đến bước 3 để có thể tìm được công việc như đã định hướng.
Trao đổi với những người có kinh nghiệm về kế hoạch tìm việc của bạn.
Thường xuyên tìm hiểu thông tin tuyển dụng.
Tham dự các buổi hội thảo về kĩ tìm kiếm và phát triển nghề nghiệp.
Xây dựng mối quan hệ.
Tiếp cận với nhà tuyển dụng thông qua các chương trình tuyển dụng tại trường, hội chơ việc làm hay các chương trình nghề nghiệp.