Ngành in Việt Nam: Đầu tư hay thu hẹp?
Đứng trước sự biến động phi mã của chi phí đầu vào và lãi suất ngân hàng, các doanh nghiệp in Việt Nam đang chịu áp lực lớn của thị trường. Đầu tư, dừng lại hay thu hẹp quy mô sản xuất đang là bài toán trăn trở đối với các doanh nghiệp in hiện nay, công nghệ lạc hậu. Sự tăng trưởng quá nhanh về số lượng doanh nghiệp in thời gian qua cũng tạo nên sức ép trong ngành, cung tăng nhanh hơn cầu dẫn đến sự cạnh tranh giữa nội bộ các doanh nghiệp in trong nước, sự cạnh tranh với các doanh nghiệp in có vốn đầu tư nước ngoài. Sản xuất của các doanh nghiệp in đang gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh doanh thấp, đời sống lao động ngành in giảm sút. Một số khách hàng được lợi từ sự mất cân đối này, đã chiếm dụng vốn hoặc ép giá công in. Qua tìm hiểu tại Hội in Hà Nội, giá công in không tăng, có khách hàng là con nợ khó đòi của nhiều doanh nghiệp in, có việc mà thêm mắc nợ thì doanh nghiệp khó trụ lại trong tình hình lạm phát hiện nay.
Phân xưởng in báo – Nhà in báo Nhân Dân Hà Nội
Tôi đọc và tâm đắc bài viết “thiêu vốn mà chẳng giám vay” của nhóm tác giả Trần Khâm, Quốc Thắng, Băng Châu, Kiều Hương, Ngọc Quân đăng trên báo Nhân dân ngày 26 tháng 6 năm 2008. Những giải pháp mà các doanh nghiệp kiến nghị là phù hợp mà cần được cấp có thẩm quyền xem xét. Cơ thể mạnh khi các tế bào mạnh và dồi dào sức sống mà mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế.
Trở lại nội dung cần trao đổi, tiếp tục đầu tư hay thu hẹp quy mô của các doanh nghiệp in hiện nay? Bài viết chỉ mang tính gợi mở nhằm giúp cho các đồng nghiệp nghiên cứu thêm, tiếp tục tham gia diễn đàn vì sự phát triển chung của ngành và từng doanh nghiệp.
Ngành in Việt Nam trong tiến trình hội nhập, công nghệ in phải đạt trình độ quốc tế, đội ngũ lao động phải được đào tạo chuyên nghiệp. Đó là mục tiêu và hướng đầu tư ngành in cần duy trì và không ngắt đoạn. Tại hội chợ DRUPA 2008, hội chợ ngành in lớn nhất hành tinh diễn ra tại CHLB Đức, hơn 100 doanh nghiệp in Việt nam tham gia, thể hiện sự quan tâm của các doanh nghiệp in nhằm tìm hiểu và đón bắt công nghệ in tiên tiến trên thế giới. Xu hướng chất lượng và tốc độ bao trùm hội chợ, công nghệ in đạt trình độ tự động hoá cao. Do vậy, muốn đáp ứng thị trường in cao cấp, với số lượng lớn, thời gian nhanh cần có bài toán đầu tư dài hạn. Nếu dừng lại ở công nghệ cũ, năng suất thấp, chất lượng không đáp ứng thì thị trường in cao cấp tại Việt nam là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhu cầu đầu tư thì cần, dừng đầu tư thì doanh nghiệp tụt hậu, nhưng nếu dùng nguồn vốn vay ngân hàng hiện nay thì phương án thu hồi vốn gặp khó khăn. Những doanh nghiệp có vốn tự có đủ nhu cầu đầu tư thì căn cứ thị trường nên duy trì tiến độ đầu tư cùng với việc nâng cao chất lượng quản lý doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp in quy mô vừa và nhỏ cần xem xét lại thị trường, rà xét hạn mục đầu tư, nên đầu tư theo hướng chuyên môn hoá. Trong lúc khó khăn về vốn, lãi suất ngân hàng trên 20% thì đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp sẽ khó khăn và khó thu hồi vốn. Bài toán các doanh nghiệp đang áp dụng là co cụm, rà xét chi phí, tăng cường đào tạo nội bộ, giữ vững thị trường truyền thống nhằm giảm bớt sức ép trong cán cân thanh toán. Tăng cường liên kết trong Hiệp hội in, giảm cạnh tranh bằng phá giá công in, giảm nợ khó đòi. Khắc phục bài toán đầu tư giai đoạn này, liên doanh liên kết và chuyên môn hoá là hướng nhằm tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp và khai thác triệt để lợi thế của mỗi doanh nghiệp.
Bài toán đầu tư và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp in lúc này cần có các giải pháp vĩ mô, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp in ổn định sản xuất. Giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn bằng cách miễn giảm thuế giấy nhập khẩu để các doanh nghiệp in giảm chi phí đầu vào, chủ động vật tư với các đơn hàng dài hạn. Nhà nước tiếp tục có chính sách cho vay ưu đãi với các dự án đầu tư chiều sâu, in gia công xuất khẩu.
TS Bùi Doãn Nề