Giấy in tăng giá, ngành in lao đao
Thị trường giấy in trong vài tháng trở lại đây đang thật sự lên "cơn sốt" vì giá tăng nhưng cũng khó có hàng để mua. Sau đợt tăng giá hồi đầu tháng ba, giá giấy in các loại lại tăng thêm ít nhất 400.000 đồng/tấn. Dự báo giá giấy sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới, trong đó tăng mạnh là giấy in báo, giấy viết.
Tháng 1-2008, giấy in, giấy viết (loại định lượng trên 70g/m2) của Công ty cổ phần giấy Tân Mai giá chỉ ở mức 15,1 triệu đồng/tấn, đến ngày 15-4 sau hai lần điều chỉnh đã tăng lên 17 triệu đồng/tấn.
Các loại giấy bìa so với thời điểm đầu năm 2008 cũng tăng ít nhất 10%, hiện giá các loại giấy này trên thị trường khoảng 17,3 triệu đồng/tấn. Ông Văn Đức Hiếu, giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần giấy An Bình, cho biết các loại giấy bìa cactông, giấy lớp mặt… tăng chóng mặt. Tính từ tháng 10-2007 đến nay đã có sáu đợt tăng giá đối với các loại giấy này. Hiện trên thị trường giá giấy cactông lớp mặt đang ở mức 7,8 triệu đồng/tấn, tăng gần 40%; giấy cactông lớp sóng giá 6,9 triệu đồng/tấn, tăng xấp xỉ 17%.
Cơn sốt giấy không chỉ dừng ở mặt hàng giấy thành phẩm mà còn lan sang cả giấy tái chế (giấy vụn). Nếu thời điểm tháng 1-2007 chỉ cần 2 triệu đồng đã mua được 1 tấn giấy vụn, hiện nay mức giá này là 3,5 triệu đồng/tấn, tăng đến 75%.
Mặc dù giá giấy tăng cao như vậy nhưng thị trường giấy hết sức khan hiếm. Theo phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của một công ty giấy ở khu vực phía Nam: “Hiện các nơi có nhu cầu cần mua đều phải xếp hàng mới đến lượt. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn nguyên liệu nhập từ các nước trong và ngoài khu vực ASEAN đang rất khan hiếm, giá cả đắt đỏ vì hàng loạt chi phí đầu vào tăng mạnh, chưa kể lại bị Trung Quốc tranh mua nên muốn bán cũng không biết làm sao cho đủ hàng để bán".
Giá giấy in tăng đã khiến các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, báo chí phục vụ cộng đồng gặp không ít khó khăn. Theo ông Vũ Văn Bình – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM, chỉ tính từ đầu năm đến nay, với ba lần tăng giá giấy, mức tăng lên đến 12,9%, tương đương 1,32 triệu đồng/tấn.
Theo một cán bộ của Tổng công ty Giấy VN, trình độ công nghệ, thiết bị máy móc của ngành giấy chỉ ở mức trung bình thấp, nên giá bán khó có cạnh tranh. Chủng loại giấy bao bì công nghiệp, dù giá giấy nhập khẩu cao hơn giấy trong nước sản xuất trung bình 25-30 USD/tấn (khoảng 460 USD/tấn) nhưng các doanh nghiệp vẫn có xu hướng dùng giấy nhập do chất lượng cao hơn hẳn giấy trong nước. Đây cũng là nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp sản xuất chủng loại giấy này hiện chỉ đang chạy 60-70% công suất thiết kế. Theo ông Hàn Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần giấy An Bình: "Nếu không triệt để thay đổi công nghệ, dứt khoát dẹp bỏ tình trạng đầu tư nhỏ lẻ, manh mún thì thị phần giấy trong nước sẽ mất dần là điều khó tránh".
Nói về nguyên nhân tăng giá, theo các chuyên gia, giá giấy tăng là do các doanh nghiệp trong nước phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Chỉ riêng giấy in báo, năm 2007 nhu cầu cả nước ước khoảng 110.000 tấn, nhưng chỉ duy nhất Công ty giấy Tân Mai sản xuất đáp ứng cho thị trường được 45.000 tấn, còn lại toàn bộ phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Tâm – Phó Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam – Giám đốc Công ty in Tạp chí Cộng sản – cho biết: Ngành in VN đang phải đứng trước khó khăn chưa có biện pháp khắc phục. Ngoài việc phải chịu sức ép biến động tăng giá chung của thị trường, các sản phẩm ngành in rất khó có điều kiện tăng được giá.
Theo chủ trương của Chính phủ, mảng sách giáo dục chiếm tới 80% thị trường in sách sẽ không được tăng giá trong năm 2008, trong lúc giấy đầu vào lại đang phải chịu tăng giá 10%. Các sản phẩm sách, báo, tạp chí… cũng chưa thể tăng được giá trong quý I/2008.
Toàn ngành in đang có khoảng trên 500 doanh nghiệp nên hoạt động cạnh tranh rất cao. Để giữ việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp chỉ còn biết giảm giá, chấp nhận các đòi hỏi của khách hàng… nên sức ép cạnh tranh sẽ dồn cả gánh nặng lên thu nhập người công nhân.
Để khắc phục ách tắc, Hiệp hội In VN đã có kiến nghị với Chính phủ đề nghị các Công ty giấy trong nước phải đảm bảo nguồn giấy cho các doanh nghiệp in trong nước hoạt động trước khi tính đến xuất khẩu.
[Theo Hiệp hội nhà in HCM]