Giải quyết mâu thuẫn khi đặt tên con
Đôi khi, việc chọn tên cho đứa trẻ sắp sinh cũng đủ gây xào xáo trong gia đình vì ai cũng giành phần đặt tên cho cục cưng của mình.
"Nó là cháu đích tôn, tên của nó phải do bố đặt. Không bàn cãi lôi thôi nữa". Chị Bảo vẫn còn nhớ câu nói đầy quyền uy của bố chồng khi chị vừa mở lời với ông về cái tên mà bên ngoại gợi ý cho đứa cháu sắp sinh.
Bố chồng chị Bảo là người ít nói, nhưng mỗi lời ông nói ra đều như quân lệnh. Từ khi có kết quả siêu âm, ông nội bé đã tra cứu gia phả, nghiền ngẫm sách vở để tìm cái tên thật hay cho đứa cháu nối dõi mà vẫn chưa ưng bụng tên nào. Hễ ai đưa ra gợi ý là ông lại gạt phắt, bảo rằng đó là việc của ông, "người ngoài" không có phần.
Cứ thế, gần một tháng trước ngày dự sinh của thằng cháu đích tôn, ông nội nó vẫn chưa chọn được cái tên nào. Chẳng may, chị Bảo lại trở dạ sinh sớm hơn dự định. Lúc làm thủ tục bệnh viện, do quýnh quáng, chị đã chọn cái tên đầu tiên bật ra trong đầu. Đáng ghét, nó lại là tên ghép của hai trong những cái tên chị không bao giờ có ý định đặt cho con: Tuấn Dũng.
Đặt tên là quyền của ai?
Theo thông lệ ngày xưa, tên con cháu sẽ do ông bà hay người có vai vế trong họ (nhất là bên nội) đặt cho. Thế nhưng, cùng với sự thay đổi và phát triển của xã hội hiện đại, những người làm bố, làm mẹ thời nay luôn có ý thức rất cao về quyền lợi này. Vì vậy, họ dễ phát sinh cảm giác tự ái, bất bình khi bị lấy mất quyền đặt tên cho con.
Trong khi đó, ông bà lại quan niệm cặp vợ chồng sắp sửa lên chức bố mẹ phải hỏi ý kiến mình để đặt tên cho con. Có như vậy mới thực đúng phép tắc, quy củ. Nếu không, ông bà sẽ hờn dỗi hoặc dùng quyền hành của mình để đưa mọi việc về đúng lề thói cũ. Không chỉ ông bà, cả cô, chú, bác, dì, cậu… của đứa trẻ cũng nhiệt tình đưa ra ý kiến. Ai ai cũng muốn danh sách đề xuất của mình phải được chú ý. Thay vì hạnh phúc với niềm vui chuẩn bị chào đón thêm thành viên mới, nhiều gia đình lục đục vì "tranh chấp" quyền đặt tên".
Mỗi người lùi một bước
Khi sinh con, cha mẹ nào cũng đặt vào con nhiều kỳ vọng. Cái tên là phương tiện chuyển tải rõ nét nhất cho những kỳ vọng đó.
Ông bà của bé phải là người hiểu rõ nhất điều đó và chỉ nên đóng vai trò người tư vấn chứ không nên áp đặt. Đừng tỏ thái độ giận dỗi hay phiền muộn, trách móc khi cái tên mình ưng ý lại không được "bọn trẻ" chấp nhận.
Theo các chuyên gia tâm lý, các cặp vợ chồng cũng không nên quá cứng nhắc trong việc ai đặt tên cho trẻ. Hãy tôn trọng và lắng nghe ý kiến của ông bà. Nếu sau khi cân nhắc mà vẫn quyết định dùng tên mình chọn, nên khéo léo giải thích lý do của sự lựa chọn ấy. Người chồng có trách nhiệm đả thông tư tưởng bên nội và vợ đảm nhận bên ngoại.
Nếu ông bà nhất định đòi đặt tên cho cháu, bạn cũng nên nhượng bộ các cụ nếu thấy cái tên tạm ổn. Việc đặt tên cho trẻ còn là biểu hiện của tình yêu thương ông bà dành cho đứa cháu bé bỏng.
Một số lưu ý khi chọn tên cho trẻ
Tên hay không phải là cái tên mỹ miều, thật kêu mà nó phải mang đến cảm giác tốt, thân thiện, dễ viết, dễ gọi.
Tránh họ và tên cùng vần, cùng chữ. Họ và tên phải thống nhất.
Hạn chế đặt tên đơn hay tên quá thông dụng để tránh bị trùng.
Không đặt những tên mang màu sắc chính trị.
Không nên dùng lẫn lộn tên nam, nữ (lấy tên nữ để đặt cho nam và ngược lại).
Không nên đặt tên theo các danh nhân văn hoá, anh hùng dân tộc.
Cần xem xét đến khả năng liệu cái tên bạn chọn cho con có thể bị đem ra làm trò cười khi nói ngược, nói lái hay không.
Theo Tiếp Thị & Gia Đình