Bill Gates là người đề cao tầm quan trọng của việc dành thời gian học hỏi từ nhân viên cấp dưới. Ông sẵn sàng lắng nghe ý tưởng của họ, luôn đầu tư suy nghĩ, cân nhắc các hướng phát triển có lợi cho Microsoft.
Từ nhiều năm nay mỗi năm Gates đều dành từ một đến hai tuần sống tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, cắt tất cả liên lạc với gia đình, bạn bè và cộng sự tại Microsoft chỉ để suy ngẫm và gọi nó là “tuần lễ suy ngẫm". Trong suốt khoảng thời gian một mình đó, Gates đọc tất cả các phác thảo, báo cáo về mọi đề tài liên quan, từ công nghệ tương lai đến dự báo sản phẩm “hot", việc cải thiện sản phẩm hiện tại… Bất kỳ nhân viên nào có ý tưởng mới cũng có thể trình bày và gửi cho ông xem xét. Ông có thể đọc khoảng 100 trang hồ sơ trong "tuần lễ suy ngẫm" của mình và mức kỷ lục mà ông đã đạt được là 112 trang!
Không chỉ đọc, Bill Gates còn dành thời gian để trả lời các kiến nghị của nhân viên. Một ý tưởng hay sẽ có thể được ông nhận xét bằng cách gửi email cho hàng trăm nhân sự Microsoft trên toàn cầu và đề nghị họ cùng tham gia góp ý. Tiếp đó là các bước tiến hành để biến ý tưởng thành hiện thực. Việc này có tác dụng khích lệ rất hiệu quả. Bằng chứng là tất cả mọi nhân viên tại Microsoft đều háo hức đóng góp ý kiến và hồi hộp chờ đợi phản hồi từ ông chủ của mình sau “tuần lễ suy ngẫm”.
Quy trình xem xét ý tưởng của nhân viên đã được thực hiện tại Microsoft từ nhiều năm qua. Hiện đã có một trợ lý chuyên phân loại hồ sơ trước “tuần lễ suy ngẫm" và một hệ thống phản hồi cũng đã được thiết lập để giúp Gates dễ dàng trả lời các đóng góp hơn. Đầu tư thời gian suy ngẫm một mình và tạo cơ hội cho tất cả nhân viên cùng đóng góp ý kiến là một bí quyết đáng giá của Bill Gates mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên tham khảo.
Dưới đây là tám cách mà các lãnh đạo cấp cao có thể áp dụng để rèn luyện, mài giũa khả năng tư duy sáng tạo của mình theo bí quyết của Bill Gates:
– Khi đọc, hãy sử dụng một quyển sổ và cây bút. Viết ngay vào sổ bất kỳ ý tưởng nào nảy sinh trong đầu.
– Phân loại các ý tưởng theo nhóm.
– Đào sâu, phát triển ý tưởng ban đầu bằng các câu hỏi: Làm sao để thực hiện? Các vấn đề liên quan là gì? Áp dụng thế nào, cần thiết các nguồn lực hỗ trợ nào?…
– Đọc một quyển sách về người thật việc thật mỗi tuần. Đọc báo, tạp chí, tài liệu online . . . bất cứ khi nào có thể.
– Sắp xếp các bài viết, tài liệu có đề tài liên quan đến ý tưởng của mình vào một hồ sơ. thỉnh thoảng dành thời gian xem xét lại ý tưởng ấy. Vạch ra các bước hành động cần thiết tiếp theo nếu muốn biến ý tưởng thành hiện thực.
– Khuyến khích tất cả cộng sự và nhân viên dưới quyền thực hiện giống mình. Đồng thời tạo một file lưu trữ chung để tất cả cùng truy cập, đóng góp ý kiến.
– Tổ chức cố định hàng năm một phiên họp chuyên bàn thảo về các ý tưởng hay mà mọi người đã đóng góp suốt năm qua.
– Phát triển trong nội bộ công ty một quy trình cụ thể để mọi nhân sự đều có thể đưa ra sáng kiến.
Thời gian suy ngẫm và học tập rất cần thiết để duy trì khả năng sáng tạo và đổi mới. Hãy dành thời gian “gieo mầm tư tưởng" để thu hoạch được những thành quả to lớn trong tương lai.
Nguồn: Báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần