Chị Hoa (Q.1, TP.HCM) chia sẻ: “Mỗi dịp tết tôi phải tranh thủ mua bánh chưng đen Lào Cai để trong tủ lạnh ăn dần, chứ bình thường ở thành phố không biết mua ở đâu”.
Dù khó bảo quản, vận chuyển khó khăn, tuy nhiên các mặt hàng thực phẩm đặc sản sẽ tăng từ 50-100% sản lượng. Theo anh Nguyễn Trường Chinh, chủ cơ sở chả hoa Năm Thụy (đặc sản Trà Vinh): “Chúng tôi đã chuẩn bị kho đông lạnh, dự trù nguyên liệu, từ ngày 20 tết, chúng tôi đưa ra thị trường 3 tấn chả, tăng gấp 6 lần so với 500 kg sản xuất thường ngày. Chủ yếu là chả hoa, chả lụa pate, chả trứng muối… cung cấp cho khu vực miền Tây và TP.HCM”.
Ngoài các món lạp xưởng khô, trên thị trường còn có lạp xưởng tươi nhân thịt bò, tôm tươi đặc sản Sóc Trăng, An Giang cũng được nhiều người tiêu dùng tìm mua. Lạp xưởng được gói trong hộp giấy có thể làm quà tặng bạn bè, người thân đều hợp. Món ăn chế biến đa dạng, hấp, chiên, nướng… do còn tươi nên mềm, dễ ăn hơn. Giá bán từ 89.000 đồng/gói 500 g.
Một món nhắm ngày tết khó bỏ qua là thịt trâu, thịt bò, heo gác bếp, đặc sản của vùng Lạng Sơn. Món này có thể sánh với món khô bò, khô nai truyền thống của người Việt, rất dễ sử dụng, làm nhanh trong ngày tết. Giá từ 111.000 đồng/gói. Các loại đặc sản Bắc như: chả mực Hạ Long 166.000 đồng/gói, nếp cái hoa vàng 33.000 đồng/kg.
So với năm ngoái, các loại măng lưỡi lợn, măng khô xé sợi đặc sản của miền Bắc và khu vực Tây nguyên không tăng giá so với trước nhờ chủ động được nguồn hàng, giá bán từ 66.000 – 156.000 đồng/gói.
Riêng các món ăn nhâm nhi của miền Trung có tré Bà Đệ (Đà Nẵng) 79.000 đồng/hộp; khô cá ngừ đại dương của Phú Yên giá bán 218.000 đồng/kg. Năm nay thị trường có thêm món gỏi sứa chế biến sẵn, đã nêm gia vị, mua về lọc bỏ nước là có thể dùng được. Giá bán 30.000 đồng/gói.
Nguyên Trang